Một cuộc họp dòng họ định đoạt số phận ca mổ ung thư
Sau cuộc họp gia đình, người đàn ông 72 tuổi quyết định từ chối ca mổ ung thư có thể giúp ông sống thêm vài năm.
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, nhận được cuộc gọi từ một bệnh nhân cũ quê Ninh Bình, thông báo hủy ca mổ ung thư dạ dày được lên lịch từ vài ngày trước. “Tôi đã họp với gia đình và cả dòng họ. Mọi người khuyên không nên mổ nữa, bác sĩ hủy giúp tôi”, người đàn ông 72 tuổi nói qua điện thoại.
Hai năm trước, người đàn ông được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn sớm, được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày. Ca mổ thành công, sức khỏe của ông hồi phục tốt, ăn uống bình thường, sinh hoạt như trước. Tưởng vượt qua cửa tử, ông dần quay lại cuộc sống thường nhật với niềm tin bệnh tật đã lùi xa.
Gần đây, ông thấy đau âm ỉ vùng thượng vị, ăn uống kém, sút cân nhanh. Quay lại bệnh viện kiểm tra, bác sĩ xác nhận ung thư tái phát. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đánh giá tình trạng của ông vẫn đủ sức khỏe để can thiệp thêm lần nữa. Phẫu thuật lần này tuy phức tạp hơn, song vẫn có thể kéo dài sự sống và cải thiện chất lượng cuộc sống đáng kể.
Ông đồng ý, hồ sơ mổ được chuẩn bị, lịch mổ dự kiến trong tuần. Tuy nhiên, trước ngày phẫu thuật, ông bất ngờ xin về quê vài ngày để "suy nghĩ thêm”.
“Chúng tôi không nghĩ ông sẽ đổi ý. Ông hợp tác, hiểu bệnh, từng vượt qua một ca mổ lớn nên niềm tin của bác sĩ rất cao”, bác sĩ Nam nói. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của bệnh nhân khiến cả ê kíp ngỡ ngàng.

Bác sĩ Nam trong một ca phẫu thuật ung thư dạ dày cho bệnh nhân.
Trở về quê nhà, ông gọi tất cả anh em trong họ lại họp bàn. Bên mâm cơm trưa, mọi người nghe ông trình bày về căn bệnh đang tái phát, về lời khuyên của bác sĩ, và cả những lo ngại cá nhân về cuộc mổ sắp tới. Có người trong họ từng điều trị bệnh nan y nhưng cũng không sống thêm được lâu, có người sợ rủi ro từ dao kéo tuổi già.
Sau một hồi bàn bạc, nhiều ý kiến cho rằng “già rồi, mổ cũng chẳng sống được bao lâu”, “đi lại tốn kém, mổ xong yếu liệt nằm một chỗ thì khổ con cháu”.
Ông quyết định nghe theo lời khuyên của gia đình, không mổ nữa, chuyển sang dùng thuốc nam để điều trị.
Khi gọi điện lên bệnh viện, ông nói: “Tôi chọn cách khác, hợp thầy hợp thuốc biết đâu lại khỏe”. Bác sĩ cố gắng phân tích, giải thích về hiệu quả của ca mổ và cảnh báo nguy cơ bệnh diễn tiến nhanh, ông vẫn giữ quyết định.
“Là bác sĩ, tôi tôn trọng quyền quyết định của bệnh nhân, nhưng thật tiếc vì chúng tôi biết ca mổ này có thể giúp ông sống thêm vài năm nữa với chất lượng sống ổn định”, bác sĩ Nam nói.
Người bệnh lớn tuổi thường chịu ảnh hưởng nhiều từ tâm lý và các yếu tố gia đình, cộng đồng. Một số người sau khi được bác sĩ tư vấn rất rõ ràng nhưng về nhà lại thay đổi ý định chỉ vì lời bàn ra tán vào của người thân, hoặc nỗi sợ hãi mơ hồ được truyền từ kinh nghiệm dân gian.
Không ít người tin rằng mổ là chạm đến số mệnh, mổ là bệnh nặng thêm. Có người còn nghĩ phẫu thuật xong là ‘chết trên bàn phẫu thuật’. “Đó là những hiểu lầm rất phổ biến hiện nay”, bác sĩ nói.
Thực tế, ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì cơ hội sống vẫn cao. Trong trường hợp của ông cụ 72 tuổi, bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng thể còn tương đối tốt, không mắc bệnh nền nghiêm trọng, thể trạng đủ để chịu được ca mổ nữa.
Dù vậy, khi người bệnh lựa chọn từ chối điều trị theo y học hiện đại, bác sĩ chỉ có thể đưa ra lời khuyên, không thể ép buộc.
Chậm trễ điều trị, ung thư tiến triển nhanh
Theo thống kê của Bệnh viện K, những năm gần đây, số ca ung thư dạ dày ở Việt Nam có xu hướng tăng, đặc biệt ở nam giới từ 50 tuổi trở lên. Bệnh diễn biến âm thầm, dễ nhầm với viêm loét dạ dày thông thường nên thường được phát hiện muộn. Điều trị chủ yếu dựa vào phẫu thuật kết hợp hóa trị, xạ trị tùy giai đoạn.
Nếu không can thiệp kịp thời, khối u có thể lan rộng, gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, xuất huyết, suy kiệt và tử vong. Với trường hợp ung thư tái phát, việc trì hoãn điều trị sẽ làm giảm cơ hội sống đáng kể.
“Thời gian là yếu tố vàng trong điều trị ung thư. Mỗi lần trì hoãn là một lần mất đi cơ hội kéo dài sự sống”, bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Ung thư dạ dày là một trong số bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo số liệu từ Globocan 2020, ung thư dạ dày đứng top 4 trong các mặt bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam với 17.906 ca mắc mới, chiếm 9,8%.
Tỷ lệ tử vong của mặt bệnh ung thư này cũng đứng thứ 3 trong top các bệnh ung thư chết người nhất với 14.615 ca tử vong, chiếm 11,9%. Đây là mặt bệnh thường xuyên nằm trong top những bệnh ung thư nguy hiểm nhất.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/mot-cuoc-hop-dong-ho-dinh-doat-so-phan-ca-mo-ung-thu-ar939769.html