215 học viên rút khỏi Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng

215 học viên rút khỏi Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao của thành phố sau khi tốt nghiệp, chiếm 35% số người trong Đề án. Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm 'Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học- công nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến' do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức chiều 16/5.

Trong nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đào tạo, thu hút, sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức hoạt động, phát triển. Báo cáo tham luận tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã đề xuất nhiều chính sách cụ thể, khả thi nhằm bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện hành, xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có số lượng, chất lượng, cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong những năm tới.

Thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách đào tạo, thu hút nhân tài

Thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách đào tạo, thu hút nhân tài

Trình bày tham luận tại tọa đàm, GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần đổi mới cách tiếp cận trong tìm kiếm, tuyển dụng và sử dụng nhân tài phù hợp với tình hình mới. Cách đây hơn 20 năm, thành phố Đà Nẵng đã có đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đề án đã tuyển dụng những cán bộ trẻ xuất sắc, những sinh viên ưu tú gửi đi đào tạo ở nước ngoài và các trường Đại học uy tín trong nước. Theo thống kê, đề án đã dành khoảng 700 tỷ đồng để đào tạo 613 học viên. Tuy nhiên, có 215 học viên rút khỏi đề án này sau khi tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ 35%.

Theo ông Bùi Văn Ga, thu nhập, môi trường làm việc là một trong những nguyên nhân khiến một số học viên bỏ việc. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có chính sách thu hút nhân tài nhưng kết quả còn khiêm tốn.

Không riêng Đà Nẵng mà rất nhiều địa phương, cả những thành phố lớn cũng rất lúng túng trong việc đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao. Ông Bùi Văn Ga đề xuất các giải pháp đổi mới cách tiếp cận về tuyển dụng, đào tạo nhân tài. Đó là lưu thông chất xám, chứ không thu hút chất xám về rồi đóng chốt họ tại địa phương. Kinh nghiệm như Singapore là nhà nước đầu tư tiền và nhiều chính sách để thu hút nhân tài, yêu cầu họ làm việc cho nhà nước 3 năm, sau đó không dùng nữa. Với cách làm này, Singapore luôn có đội ngũ khoa học kỹ thuật chất lượng cao.

GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giải pháp thứ hai theo TSKH Bùi Văn Ga là đổi mới cơ chế tuyển dụng, đó là “săn” tìm người giỏi để làm việc chứ không nên chỉ đặt ra chính sách rồi chờ họ đến. Thứ ba là tìm người Việt giỏi làm việc ở các nơi trên thế giới về làm việc. Thứ tư là phát hiện, đào tạo nhân tài trong lĩnh vực quản lý nhà nước, đào tạo những cán bộ chuyên môn sâu ở một lĩnh vực về quản lý nhà nước để họ làm việc suốt đời ở một vị trí mà không cần luân chuyển họ.

“Chúng ta mới thiết kế các yêu cầu vị trí việc làm phù hợp với yêu cầu của từng vị trí công việc và sau đó đặt hàng cho người ta, tìm đối xử với những người có như trình độ cao, chất lượng cao này một cách cởi mở. Khi đánh giá họ, không nên sử dụng các cơ chế hiện hành, đánh giá xếp hạng không phù hợp, bởi vì họ làm việc một cách rất khác biệt so với đa số anh em. Chúng ta phải suy nghĩ các cơ chế phù hợp giúp cho họ tiến thân trên nghề nghiệp của họ, bởi vì họ là người luôn luôn muốn thử thách”. GS.TSKH Bùi Văn Ga nói.

Ông Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố Đà Nẵng tập trung 12 trường Đại học, nhiều đơn vị nghiên cứu đóng chân, riêng Đại học Đà Nẵng có 110 Giáo sư, Phó Giáo sư, 450 tiến sĩ, đội ngũ trí thức của thành phố tăng nhanh qua từng năm. Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực khoa học công nghệ đối với sự phát triển của thành phố, những năm qua, thành phố có nhiều cơ chế chính sách thu hút nhân tài; Đồng thời tập trung đầu tư cho hạ tầng khoa học công nghệ, các nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành, ứng dụng tiến bộ khoa học vào đời sống sản xuất.

Ông Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng

Ông Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng

Tuy nhiên, cơ chế, môi trường làm việc hiện nay có những ràng buộc nên nhiều học viên đề án nhân lực chất lượng cao đã xin ra ngoài mà không có cách gì giữ chân được. Ngay cả việc mua một máy tính cấu hình cao cho cán bộ, viên chức làm việc cũng không thể mua được vì vượt định mức.

“Tuy nhiên, với nguồn nhân lực chung của thành phố còn hạn chế nên việc đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn, nhất là một số vùng còn khó khăn, vẫn còn các khiêm tốn, chưa thật sự đáp ứng được so với thực tiễn. Công tác tham mưu sử dụng, giữ chân các đối tượng thu hút, công tác dự báo, bồi dưỡng, đào tạo chưa theo kịp sự phát triển. Nhất là các lĩnh vực phát triển kinh tế mũi nhọn như vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...” - ông Lê Trung Chinh nói.

Thanh Hà/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/15-hoc-vien-rut-khoi-de-an-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-cua-thanh-pho-da-nang-post1095589.vov