Mỹ, EU công bố số liệu lạm phát, thận trọng trong cắt giảm lãi suất

Thận trọng trong cắt giảm lãi suất là khuyến nghị được giới phân tích đưa ra sau khi lạm phát tháng 4 của Mỹ nằm trong dự báo, còn lạm phát tháng 5 của Eurozone tăng cao hơn dự báo.

Fed được dự đoán lùi cắt giảm lãi suất đến tháng 11

Bộ Thương mại Mỹ hôm 31/5 công bố chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), không bao gồm giá hai mặt hàng có giá biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng, chỉ tăng 0,2% trong tháng 4, phù hợp với ước tính của Dow Jones. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số PCE lõi tăng 2,8% trong tháng 4, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với ước tính.

Nếu bao gồm cả giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE tháng 4 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước và nhích 0,3% so với một tháng trước. Tuy nhiên, những con số này đều nằm trong dự báo.

Các quan chức Fed thường chuộng chỉ số PCE hơn là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) làm dữ liệu đánh giá tình hình lạm phát tại Mỹ.

"Chỉ số lõi (PCE) tăng 2,8%. Điều đó không sao cả, nhưng nó đã nằm trong ngưỡng đó suốt 5 tháng nay và điều đó khiến tôi khá khó chịu", ông Dan North, chuyên gia kinh tế cấp cao về Bắc Mỹ tại Allianz Trade bình luận. "Nếu tôi là ông Powell [Chủ tịch Fed], tôi muốn thấy lãi suất bắt đầu giảm và hầu như không tăng", ông North nói thêm.

Ông Chris Larkin, giám đốc điều hành giao dịch và đầu tư nền tảng E-Trade của Morgan Stanley cho rằng: "Chỉ số giá PCE tháng 4 không cho thấy nhiều tiến bộ về chống lạm phát, nhưng cũng không chỉ ra bất kỳ sự tụt lùi nào. Dựa trên phản ứng ban đầu của hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, thị trường sẽ coi đây là điều tích cực".

"Fed đã ám chỉ rằng sẽ mất hơn một tháng ghi nhận dữ liệu thuận lợi để xem lạm phát có đang giảm trở lại một cách đáng tin cậy không, vì vậy, vẫn không có lý do gì để cho rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra sớm hơn tháng 9", ông Larkin nói thêm.

Khi dữ liệu lạm phát trở nên nóng hơn dự kiến, các quan chức Fed thiên về cách tiếp cận thận trọng đối với chính sách tiền tệ. Điều đó có nghĩa là ít có khả năng họ sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Gần đây nhất, ông John Williams, Chủ tịch Fed tại chi nhánh New York, cho biết mặc dù ông tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm nhưng giá cả vẫn quá cao và ông chưa thấy đủ tiến triển rằng lạm phát sẽ giảm về mục tiêu 2% của Fed.

Thị trường đã hạn chế kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay. Các định giá giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ hôm 31/5 cho thấy khả năng Fed tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ không xảy ra cho đến tháng 11 năm nay, tại cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra hai ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Khả năng Eurozone giảm lãi suất là cao hơn, nhưng hy vọng về đợt giảm thứ ba mờ nhạt

Lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng cao hơn trong tháng 5, báo hiệu rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ vẫn đối mặt với một tiến trình chậm chạp và không chắc chắn để đạt được mục tiêu kiềm chế hoàn toàn giá cả.

Theo ước tính sơ bộ của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, chỉ số giá tiêu dùng ở 20 quốc gia thành viên Eurozone trong tháng 5 đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, vẫn cách xa mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Chỉ số này đã tăng 2,4% trong hai tháng trước đó.

Trong khi đó, các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự đoán lạm phát ở Eurozone sẽ tăng 2,5%, một phần là do so sánh không thuận lợi với cơ sở năm ngoái khi Đức trợ cấp cho việc đi lại bằng đường sắt, cùng với các yếu tố chỉ xảy ra một lần khác.

Nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Fabio Panetta, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia, cho rằng kết quả lạm phát tháng 5 không tốt cũng không xấu; đồng thời ông tái khẳng định quan điểm của mình rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể cắt giảm lãi suất nhiều lần mà vẫn tiếp tục kiềm chế nền kinh tế.

Đáng chú ý hơn, lạm phát cơ bản của Eurozone (không bao gồm biến động giá thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá) đã tăng 2,9% trong tháng 5, từ mức 2,7% trong tháng 4.

"Những con số trên càng củng cố thêm quan điểm của những người cho rằng chúng ta cần phải thận trọng (cắt giảm lãi suất - BTV)", ông Dirk Schumacher, nhà kinh tế tại Natixis, nhận xét.

Trên thực tế, chuỗi tăng lãi suất lớn nhất từ trước đến nay của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giúp hạ nhiệt đáng kể lạm phát, từ mức 10% vào cuối năm 2022 do giá năng lượng tăng vọt. Tuy việc tăng lãi suất đã giúp ổn định kỳ vọng về lạm phát, nhưng đã khiến tín dụng bị bóp nghẹt.

Cho nên khả năng cao là cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào tuần tới sẽ tuân thủ các kế hoạch cắt giảm lãi suất đã được thông báo rõ ràng thời gian qua.

"Chúng tôi cho rằng số liệu lạm phát và tiền lương mới nhất làm giảm khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 7, nhưng chúng tôi thấy ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa trước cuối năm nếu lạm phát giảm như mong đợi trong quý III", ông Diego Iscaro, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Âu tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức - chỉ số tham chiếu cho chi phí đi vay tại Eurozone - đạt mức cao nhất trong hơn 6 tháng sau khi số liệu lạm phát tháng 5 của khu vực được công bố.

Các nhà giao dịch hiện kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 57 điểm cơ bản trong năm nay, trong đó khả năng cao sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 6 và thêm một đợt nữa vào cuối năm. Trong vài tuần trở lại đây, họ đã dần giảm dần kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất thứ ba trong năm.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/my-eu-cong-bo-so-lieu-lam-phat-than-trong-trong-cat-giam-lai-suat-d216567.html