22 người chết vì thiên tai ở Thái Lan, La Nina tấn công Đông Nam Á

Thái Lan chuẩn bị đón mưa lớn sau khi 22 người chết vì lũ quét và lở đất trong tuần qua. Nhiều nước Đông Nam Á cũng phát cảnh báo thời tiết khắc nghiệt trước thềm La Nina.

Từ ngày 16/8, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 33.000 hộ gia đình tại 13 tỉnh thành Thái Lan và làm 9 người thiệt mạng, Cục Phòng tránh và Giảm nhẹ Thiên tai Thái Lan cho biết vào ngày 27/8. Cơ quan này cho biết có 13 người khác thiệt mạng trong một trận lở đất ở Phuket vào tuần trước.

Dù đã qua cao điểm lũ lụt, khoảng 10.000 hộ gia đình ở 4 tỉnh của xứ sở chùa Vàng vẫn đang chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Ngày 28/8, một áp thấp nhiệt đới dự kiến mạnh lên và gây ra mưa lớn ở các tỉnh miền Bắc, Đông Bắc và Nam Thái Lan.

Trước đó, Thái Lan là nước Đông Nam Á đầu tiên tuyên bố La Nina diễn ra trong lãnh thổ quốc gia. Từ tháng 8 đến tháng 10, có đến 70% khả năng hiện tượng này sẽ xảy ra tại các nước Đông Nam Á còn lại.

Nhìn chung, đa số quốc gia hoan nghênh La Nina vì đây là hiện tượng thời tiết làm giảm nhiệt độ khắc nghiệt mà El Nino đã gây ra. La Nina còn mang theo mưa lớn, làm dịu nắng nóng và hạn hán.

Song, theo Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), La Nina là “một con dao hai lưỡi” có thể gây ra hạn hán, lạm phát và thời tiết khắc nghiệt ở nhiều nơi. Nhất là khi biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm các hiện tượng như El Nino và La Nina ngày càng cực đoan.

“Con dao hai lưỡi”

Sau hàng loạt kỷ lục nhiệt độ và nắng nóng do El Nino gây ra trong hai năm 2023-2024, La Nino được hoan nghênh hơn bao giờ hết, theo nhà nghiên cứu Elyssa Kaur Ludher của ISEAS.

Đây là hiện tượng nhiệt độ bề mặt nước biển giảm, tạo ra thời tiết mát mẻ và mưa ở một số khu vực. Hiện tượng này giúp cây trồng, đặc biệt là cây nông nghiệp, phát triển thuận lợi. La Nina có thể kéo dài từ 6 đến 24 tháng.

 Vụ lở đất ngày 23/8 ở Phuket (Thái Lan) đã làm 10 người thiệt mạng. Ảnh: Phuket Info Center.

Vụ lở đất ngày 23/8 ở Phuket (Thái Lan) đã làm 10 người thiệt mạng. Ảnh: Phuket Info Center.

Tuy nhiên, cơ quan khí hậu quốc gia của Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia cảnh báo nhiệt độ bề mặt nước biển đang ngày càng khó dự đoán hơn. Do đó, rất khó biết được La Nina và El Nino sẽ mang đến những tác động như thế nào. Nhưng điều chắc chắn là hai hiện tượng thời tiết này sẽ ngày càng cực đoan.

Các cơ quan này đã phát cảnh báo mưa lớn, bão và lũ lụt trong những tháng cuối cùng của năm 2024. Dự kiến, các hiện tượng thời tiết như mưa, lũ, bão có thể xảy ra từ cuối tháng 8 năm nay.

Trước đây, La Nina thường đi kèm với những cơn mưa ở Đông Nam Á, làm lượng mưa trung bình của khu vực tăng cao đáng kể. Mưa sẽ cao hơn bình thường từ tháng 9 đến tháng 11 trong năm có La Nina xảy ra.

 Biểu đồ cho thấy lượng mưa ở khu vực Đông Nam Á có thay đổi theo hướng tiêu cực trong lần gần nhất mà La Nina diễn ra. Ảnh: Fulcrum.

Biểu đồ cho thấy lượng mưa ở khu vực Đông Nam Á có thay đổi theo hướng tiêu cực trong lần gần nhất mà La Nina diễn ra. Ảnh: Fulcrum.

Đáng lẽ, đây là một tín hiệu tích cực đối với ngành nông nghiệp khu vực vì những cơn mưa có thể cải thiện độ ẩm của đất. Nhưng vì thời tiết ngày càng cực đoan, lượng mưa và gió La Nina gây ra sẽ ngày càng mạnh. Do đó, lũ lụt và bão có thể xảy ra thường xuyên và tàn phá nền nông nghiệp khu vực.

Các vấn đề như đất bị xói mòn, mất chất dinh dưỡng, hạt giống bị mưa cuốn trôi, lở đất, cây trồng kém chất lượng, gia sức tử vong… dễ dàng xảy ra.

Những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hiện tượng El Nino vào hai năm 2023-2024 sẽ bị La Nina tấn công. Ví dụ, đất ở một số khu vực sẽ nén chặt lại vì El Nino làm nhiệt độ tăng cao trong năm 2024. Khi La Nina đến và tạo ra mưa, những khu đất này không thể hấp thụ nước như bình thường. Từ đây, tốc độ của dòng nước và sức tàn phá của lũ quét sẽ cao hơn.

Thiếu lương thực, lạm phát giá thịt

La Nino không chỉ mang đến mưa. Hiện tượng này còn gây ra hạn hán ở một số khu vực ngoài Đông Nam Á, ví dụ như Argentina, Brazil - hai nguồn cung cấp ngũ cốc giá rẻ lớn của thế giới.

Ngược lại, mưa sẽ xảy ra thường xuyên ở các nước mạnh về nông nghiệp như Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và một số quốc gia Bắc Mỹ. Do cường độ mưa được dự kiến cao hơn bình thường, lũ lụt có thể xảy ra trong thời gian thu hoạch hoa màu của các nước. Từ đây, năng suất nông nghiệp trên thế giới sẽ thấp đáng kể.

Đông Nam Á là thị trường hàng đầu trong việc nhập khẩu ngũ cốc và các loại hạt. Tiêu biểu, Indonesia là một trong ba nước nhập khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới. Malaysia và Việt Nam cũng là hai nước nhập lượng lớn ngô, lúa mì để làm thực phẩm và thức ăn gia súc.

 Những khu vực có mưa nhiều (Wet) và gặp hạn hán (Dry) khi La Nina diễn ra trong năm nay. Ảnh: Fulcrum.

Những khu vực có mưa nhiều (Wet) và gặp hạn hán (Dry) khi La Nina diễn ra trong năm nay. Ảnh: Fulcrum.

Khi hạn hán xảy ra, sản lượng ngũ cốc sẽ giảm mạnh. Đông Nam Á sẽ thiếu thức ăn chăn nuôi. Từ đây, giá thịt của khu vực sẽ tăng lên.

La Nina đang trở nên cực đoan, theo nhà nghiên cứu Ludher. “Các quốc gia Đông Nam Á nên chủ động giảm thiểu rủi ro bằng cách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của El Nino và cung cấp cho họ các nguồn lực đối phó với La Nina”, ông nhấn mạnh.

Ông khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị kỹ càng cho tình trạng lạm phát giá thịt, gián đoạn thương mại do năng suất ngũ cốc giảm. “Họ cần đầu tư để phát triển các loại cây trồng có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và lên kế hoạch lâu dài cho vấn đề lương thực quốc gia”, nhà nghiên cứu chia sẻ.

Đức An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/22-nguoi-chet-vi-thien-tai-o-thai-lan-la-nina-tan-cong-dong-nam-a-post1494374.html