23 tuổi nguy kịch sau khi uống thuốc lá chữa ho, chuyên gia chỉ rõ sai lầm chết người nếu vẫn duy trì thói quen này!

Kể cả thuốc lá chữa ho, trước khi sử dụng, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Vừa qua, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ cho biết đã cứu sống một bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa nặng tăng khoảng chống Anion, nghi do ngộ độc lá cây rừng (không rõ loại).

Bệnh nhân S. đã khỏe mạnh, ra viện sau quá trình điều trị tích cực. Ảnh: SKĐS

Bệnh nhân S. đã khỏe mạnh, ra viện sau quá trình điều trị tích cực. Ảnh: SKĐS

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân là G.T.S (nữ, 23 tuổi) đang mang thai ở tuần thứ 37, dân tộc H'Mông ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải. Trước đó, bệnh nhân ho nhiều, được người nhà cho uống nhiều loại thuốc lá cây rừng, sau bị phù chân kèm khó thở nhiều.

Từ kết quả xét nghiệm, khám lâm sàng, các bác sĩ hội chẩn, nhận định bệnh nhân trong giai đoạn toan chuyển hóa nặng, tăng khoảng chống Anion nghi do ngộ độc lá cây rừng (không rõ loại).

Bệnh nhân được kịp thời lọc máu liên tục cấp cứu ngay trong đêm tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Sau 3 lần lọc máu, tình trạng toan chuyển hóa của bệnh nhân cải thiện dần.

Đến ngày thứ 12, bệnh nhân đột ngột rơi vào tình trạng suy hô hấp do viêm phổi nặng, gia đình xin cho bệnh nhân về, nhưng các y, bác sĩ động viên, một lần nữa bệnh nhân vượt qua “cửa tử”. Sau 25 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhân được ra viện.

Dùng thuốc lá chữa ho, chữa bệnh tuyệt đối không chủ quan

Các bác sĩ khuyến cáo, ngộ độc thuốc có thể xảy ra với tân dược (thuốc tây) hay đông dược (thuốc Nam). Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là phụ nữ mang thai, những người có bệnh lý mạn tính, bệnh có nguy cơ cao, người dân cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực tế trên cho thấy, có không ít người dân chưa trang bị cho mình kiến thức phân biệt các loại cây rừng vô hại với các loại cây có chứa độc tố dẫn đến nhiều tình huống đau lòng. Theo các bác sĩ, những vụ ngộ độc do lá cây rừng xảy ra chủ yếu đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, hoặc những người lao động từ tỉnh khác đến, không biết cách nhận biết lá cây có chứa độc tố, nhìn thấy có màu sắc đẹp bắt mắt có thể hái để ăn.

Bệnh nhân khi ăn phải các loại lá, cây chứa độc tố thường có biểu hiện như: đau bụng, buồn nôn, choáng váng. Đối với các trường hợp nặng thường bị khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, dần dẫn tới tình trạng suy thận, suy gan cấp, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn, uống thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên, người dân cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

Qua đó, các ngành chức năng cũng khuyến cáo đến người dân không nên ăn các loại lá, cây rừng không rõ nguồn gốc; không nên tự ý sưu tầm các loại lá, cây, củ, quả lạ từ thông tin truyền miệng mà chưa được kiểm chứng; không sử dụng các loại rau, củ, quả lạ để ngâm rượu… để phòng chống ngộ độc đáng tiếc xảy ra.

Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động trang bị kiến thức về các loại rau, quả rừng lạ qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet…

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/23-tuoi-nguy-kich-sau-khi-uong-thuoc-la-chua-ho-chuyen-gia-chi-ro-sai-lam-chet-nguoi-neu-van-duy-tri-thoi-quen-nay-172230210164602389.htm