'27 tuổi, tôi chẳng có đồng tiền tiết kiệm nào trong người' và câu trả lời cho lý do vì sao chúng ta mãi nghèo

Không phải ai cũng có thể sống để hưởng thụ, có những người sống và vật lộn với khó khăn do cuộc đời mang tới đã đủ vất vả rồi.

01

Hai ngày trước, một cô bạn lâu lắm không liên lạc bỗng nhắn tin cho tôi hỏi vay tiền. Nó vừa nức nở vừa nói với tôi rằng nó mệt quá rồi, muốn bỏ việc về nhà. 27 tuổi, đi làm 7 năm, tính tổng số tiền trong tất cả các thẻ nó có, cũng chỉ vỏn vẹn 1 triệu, ngay cả mua vé xe về quê cũng chẳng đủ. Nó nói vì hết tiền, nó đã phải ăn mì tôm nguyên 1 tháng trời, mà còn là loại mì rẻ nhất, chẳng thêm thịt thà rau dưa gì.

Nó từng làm phục vụ, từng làm công nhân, từng bán quần áo, đổi qua rất nhiều công việc khác nhau, nhưng đến bây giờ, nó vẫn không có tiền.Hiện tại, nó làm sale, lương ba cọc ba đồng, chỉ đủ trả tiền nhà với miễn cưỡng đủ no, thỉnh thoảng còn phải tự bỏ tiền ra mời khách uống nước.Một mình nó bơ vơ ở thành phố này chỉ muốn gia đình tốt với nó hơn một chút. Nhưng kết quả là nó càng tiêu càng nhiều, tiết kiệm càng ngày càng ít, sức khỏe càng ngày càng kém, áp lực lại càng ngày càng lớn.

Giống như William Somerset Maugham từng viết trong "The Moon and Sixpence": "Tôi cố gắng hết mình, để sống một cuộc đời bình thường".

Cuộc sống hóa ra khó khăn tới vậy, có những người, chỉ tồn tại thôi đã đủ mệt mỏi lắm rồi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

02

Tôi từng đọc trên báo về vụ một bà mẹ chửi con rồi đánh con mình ngay trên tàu điện ngầm, chỉ vì thằng bé nghịch vé tàu rồi vứt đi. Tấm vé có giá trị vỏn vẹn 5 tệ (khoảng 15.000 VNĐ). Ra khỏi ga, bà mẹ này vẫn chưa hết giận, vẫn tiếp tục đánh con. Người qua đường thấy bức xúc mới khuyên bảo: "Sao có 5 tệ mà cô đánh con ghê thế? Mua vé mới không được à?".

Bà mẹ trẻ phản bác: "Tôi có nhiều tiền thế đâu. 5 tệ mà không phải tiền à? Tiền giờ khó kiếm lắm".

Hóa ra cô ấy và chồng đang ly thân, cô ấy mang con về nhà mẹ đẻ tự nuôi.Một tháng cô ấy chỉ kiếm được khoảng 900 tệ (khoảng 3 triệu VNĐ), ngày nào cũng phải đi sớm về khuya, làm thêm đủ kiểu, còn phải chăm sóc cả mẹ già đang nằm viện.Mà chi phí nuôi một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học thì tốn kém, cô ấy cứ vay chỗ này đắp chỗ kia.5 tệ, đối với cô ấy, quả thật rất nhiều. Vì tồn tại, cô ấy đành phải chịu khó khăn, không dám than thở với ai, cũng chẳng thể trốn tránh.

Chúng ta chỉ thấy được sự nghiêm khắc của bà mẹ trẻ ấy lúc cô đánh con mà không biết được cuộc sống trăm ngàn điều khổ mà cô ấy đang phải chịu đựng đằng sau nó.Giống như một đoạn trích từng được chia sẻ rất nhiều trên MXH:

"Người hiện đại chọn suy sụp theo cách im lặng. Nhìn thì rất bình thường, vẫn nói, vẫn cười, vẫn hòa đồng nhưng thực tế nội tâm chứa đầy tâm sự.Họ không đóng sập cửa, không đập phá đồ đạc, họ cũng không khóc, không phát điên, thế nhưng đến một lúc nào đó, nội tâm ấy sẽ chất chứa đến cực hạn".

Bạn có thể sẽ gặp được một anh shipper vành mắt đỏ hoe, bởi vì mới giây trước thôi anh ấy vừa bị hủy đơn hàng, trong khi anh còn con nhỏ đang bệnh, chờ bố về mua thuốc.

Bạn có thể sẽ gặp được bác nông dân mặt không giấu nổi sự mệt mỏi ở chợ rau lúc 3 giờ sáng, họ đi đi về về vội vàng bày bán rau củ, bóng lưng gầy gò giữa đêm đen trông cô đơn đến đáng sợ.

Bạn có thể sẽ gặp được những người vô gia cư trong một quán ăn nhanh 24/24 nào đó, họ tự mang chăn và đồ ăn, cho phép mình nghỉ ngơi giữa không gian ngập tràn mùi thức ăn, vượt qua thêm một buổi đêm không kiếm ra tiền.

Bạn có thể sẽ bắt gặp người nhà bệnh nhân ngoài hành lang bệnh viện, tay cầm tờ thông báo tình hình nguy kịch mà tiền viện phí cần đóng gấp lại chẳng có một xu.

Không phải ai cũng sống để hưởng thụ, có những người sống và vật lộn với khó khăn do cuộc đời mang tới đã đủ vất vả rồi.

03

Barbara Ehrenreich là một tác giả người Mỹ nổi tiếng với tác phẩm Nickel and Dimed kể về hành trình trải nghiệm cuộc sống của những người nghèo khó.

Bà che giấu thân phận, thử sống như một người có thu nhập thấp. Bà làm thuê ở 6 thành phố khác nhau, mỗi một nơi đến, bà đều cắt đứt liên lạc với bạn bè cũ, với 1000 đô la làm vốn và bắt đầu tất cả.Bà cũng đổi một vài công việc khác nhau, từ làm nhân viên siêu thị đến osin rồi nhân viên chăm sóc trong viện dưỡng lão, nhưng kết cục thì đều na ná giống nhau:

Bà phát hiện ra mình lâm vào một vòng lặp lại vô hạn.

Vì không có tiền, nên bắt buộc phải thuê trọ ở một nơi thật xa để giá thuê cho rẻ.

Vì ở nơi thật xa, nên bắt buộc phải tốn thời gian di chuyển hơn.

Vì tốn thời gian di chuyển hơn, nên bà chẳng có thời gian học thêm cái này cái kia, để có thể tìm một công việc tốt hơn.

Vì công việc có lương thấp, sinh hoạt phí lại cao nên bà chỉ có thể đi làm thêm càng nhiều càng tốt.

Vì phần lớn thời gian đều phải làm việc, sống như một cái máy nên bà dần bất lực, chẳng còn muốn làm gì khác, cho đến khi cảm xúc dồn nén đến mức vỡ tung, lại đổi một thành phố khác, tiếp tục tiến vào vòng tuần hoàn đã kể trên.

Thế mới nói, để thỏa mãn sinh hoạt cần thiết, người không có tiền không thể không tính toán chi li, không có bất kì công việc nào gọi là có tương lai thăng tiến, tăng lương, chính vì thế họ rơi vào vòng tuần hoàn ác tính nghèo hoàn nghèo.Rõ ràng người cố gắng thì rất nhiều nhưng không phải ai cũng có cơ hội lên sân khấu làm nhân vật chính mà chỉ có thể đứng sau hậu trường.Trang Tử không phải cá, làm sao biết nỗi khổ của cá, cũng như ai cho các bạn quyền nghĩ rằng mình ưu tú hơn rồi đi phê phán những người không có tiền?

04

Trong "Flipped" có một câu thoại thế này:"Có người ở nhà tầng, có người ở cống ngầm, có người toàn thân tỏa hào quang, cũng có người bản thân là gỉ sắt".

Bạn sẽ thấy, cùng là girl group của "Produce 101", Ngô Tuyên Nghi lúc bình thường toàn mặc hàng hiệu. Mũ cô nàng đội là của Paris Familys, áo phông của Gucci, ngay cả ốp điện thoại của là của LV giá cả chục triệu đồng.Tuyên Nghi thích sưu tập tất, mà mỗi đôi tất giá từ sương sương mấy trăm đến cả triệu, mỗi đôi một kiểu khác nhau.

Trong khi đó, nhân vật gây tranh cãi là Dương Siêu Việt từ nhỏ gia cảnh đã không tốt, phải nghỉ học từ năm cấp 2. Quần áo, giày dép cô nàng mặc đều là hàng chợ.

Bạn sẽ cảm thán, đây chính là đẳng cấp.

Bạn sẽ thấy, cùng là cặp chị em tầng 22 của "Hoan lạc tụng", trong khi Khúc Tiểu Tiêu là rich kid chính hiệu, có tiền, có quyền, sống phóng khoáng, dám yêu dám hận. Trong khi đó, Phàn Thắng Mỹ xinh đẹp, EQ cao, tự mình cố gắng phấn đấu lại bị chính bố mẹ cùng anh trai mình đẩy tới bước đường cùng.

Bạn sẽ cảm thán, đây chính là khoảng cách.

Bạn sẽ thấy, trên newsfeed mình ngập tràn những thông tin kiểu ai vừa được đền bù mấy tỷ, rồi lời lãi của ai một tháng hơn cả tiền lương cả năm của người bình thường.Rồi sau đó ngẫm lại, bạn đang ở trong một căn nhà 20m2 ở ngoại ô, ăn sữa chua phải liếm sạch cả vỏ, đi siêu thị chỉ dám mua đồ khuyến mãi, chắc chắn bạn sẽ tủi thân đến muốn khóc.

Nhưng đừng từ bỏ hy vọng với cuộc sống dễ dàng như thế. Cho dù cuộc sống có gian nan hơn, cho dù phải đứng nơi tối tăm hẻo lánh nhất, hãy cứ mơ về một tương lai sáng rực đang chờ bạn phía trước.

Haruki Murakami từng nói: "Dù trước mặt là khó khăn trập trùng, nhưng biết đâu được vượt qua quãng thời gian này, bạn sẽ được nếm trái ngọt".

Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác, chỉ có thể cố gắng kiếm tiền, cắn răng vượt qua tháng ngày tuổi trẻ nghèo khó.

Szenyér có câu: "Người may mắn sẽ khiến người khác ngưỡng mộ nhưng chiến thắng được vận rủi còn làm người ta thán phục hơn".

Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng vẫn có người dưới vô vàn áp lực đứng ở dưới đáy nó, sẵn sàng đạp đổ mọi trở ngại để tiến về ánh sáng.

Hy vọng mọi cố gắng của bạn đều sẽ được đền bù xứng đáng.

Hy vọng những mệt nhọc, những đắng cay bạn từng phải nhận tương lai sau này sẽ trở thành huy chương của chính bạn.

Cùng cố gắng nhé!

Theo M416-Hoàng Anh/Helino

Theo M416-Hoàng Anh/Helino

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/-27-tuoi-toi-chang-co-dong-tien-tiet-kiem-nao-trong-nguoi-va-cau-tra-loi-cho-ly-do-vi-sao-chung-ta-mai-ngheo/20191013063547912