3 cách khắc phục chứng ngủ quá nhiều
Thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều người ở nhà cả ngày, dẫn đến nếp sinh hoạt thường nhật bị đảo lộn. Nhiều chị em thức cả đêm 'cày' phim rồi ngủ li bì đến tận trưa, chiều…
"Ngủ đem lại nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng ngủ quá nhiều sẽ đi kèm với các nguy cơ về sức khỏe và có thể là dấu hiệu cho thấy các bệnh lý tiềm ẩn" - ThS.BS Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết.
Giấc ngủ tốt cho sức khỏe thể chất, tâm thần, chất lượng cuộc sống và sự an toàn nói chung của bạn. Ngủ đủ giấc không chỉ giúp bạn cảm thấy tỉnh táo, sẵn sàng làm việc vào ngày hôm sau mà còn giúp cải thiện khả năng học tập, giúp tim và mạch máu có thể tự sửa chữa, kích thích sự cân bằng của các hormone đói - no, đồng thời hỗ trợ chức năng miễn dịch.
Với đa số mọi người, ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm là đủ, cho dù bạn bao nhiêu tuổi, mức độ hoạt động thể chất nhiều hay ít. Mặc dù thiếu ngủ là một vấn đề phổ biến nhưng ngủ quá nhiều cũng gây ra mối quan tâm.
Theo Hiệp hội về Giấc ngủ Hoa Kỳ định nghĩa, ngủ nhiều là ngủ nhiều hơn 9 tiếng, tính trên 24 giờ. Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng dậy muộn vì tối hôm trước thức khuya thì đó là việc bạn đang ngủ bù. Nhưng nếu bạn có thói quen thường xuyên ngủ trên 8-9 tiếng hàng ngày, thì đó có thể là chứng ngủ nhiều. "Ngủ nhiều thường là do các rối loạn về giấc ngủ hoặc các vấn đề sức khỏe khác" - BS. Hương chia sẻ.
Nguyên nhân phổ biến khiến một người ngủ nhiều hơn 9 tiếng mỗi đêm thường là do tác dụng phụ của thuốc hoặc các vấn đề về thần kinh, tâm thần hoặc tâm lý. Nếu đó không phải là nguyên nhân khiến bạn ngủ quá nhiều, thì có thể là bạn đã bị rối loạn giấc ngủ.
Theo Hiệp hội về Giấc ngủ và đại học John Hopkins, ngủ quá nhiều thường xảy ra cùng với các vấn đề như: Béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường, hội chứng chân không yên khi ngủ; nghiến răng, suy giáp, trầm cảm hoặc lo âu…
Các dấu hiệu cho thấy bạn đang ngủ quá nhiều
Theo BS. Liên Hương, ngủ nhiều hơn 9 tiếng mỗi đêm không phải là dấu hiệu duy nhất của tình trạng ngủ nhiều và không phải lúc nào ngủ trên 9 tiếng mỗi đêm cũng là vấn đề đáng lo ngại. Có một số người sẽ cần ngủ nhiều hơn những người khác. Khoảng 2% dân số sẽ cần ngủ từ 10 đến 12 tiếng mỗi đêm một cách thường xuyên. Với những người này, ngủ nhiều là một vấn đề bình thường.
Nếu những người này cố gắng chỉ ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm thì sẽ dẫn đến thiếu ngủ. Nếu bạn thường xuyên ngủ trên 9 tiếng mỗi đêm nhưng thức dậy trong trạng thái tỉnh táo và được nghỉ ngơi đủ thì bạn chính là 2% dân số nói trên. Nhưng nếu bạn tỉnh dậy trong trạng thái không thoải mái, thì giấc ngủ của bạn chính là vấn đề. Ngủ nhiều thường đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi trong suốt cả ngày, ngủ gà gật, đau đầu, giảm năng lượng và thay đổi cảm xúc.
Nguy cơ khi ngủ nhiều
Ngủ ít thường sẽ đi kèm với nhiều vấn đề gặp phải về sức khỏe nhưng ngủ nhiều hơn 9 tiếng cũng có thể gây ra các vấn đề tương tự, bao gồm: Tăng tình trạng mệt mỏi và giảm năng lượng; giảm chức năng miễn dịch; thay đổi đáp ứng stress; tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, ví dụ như bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì…
Cách khắc phục chứng ngủ nhiều
- Thức dậy đúng giờ mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.
- Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên khi ngủ dậy và tránh các nguồn ánh sáng trước khi đi ngủ.
- Nếu bạn vẫn thấy mình thường xuyên ngủ nhiều sau khi đã áp dụng những thay đổi trên, thì bạn nên đến gặp bác sĩ.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/3-cach-khac-phuc-chung-ngu-qua-nhieu-2021101912280624.htm