3 đòn tiến công chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 được diễn ra qua ba chiến dịch lớn, từ Chiến dịch Tây Nguyên đến Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cách đây 50 năm, ngày 26/4/1975, Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Bác Hồ kính yêu, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Với phương châm tác chiến “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” các cánh quân đã tiến về Sài Gòn với khí thế thác đổ, triều dâng. Chỉ trong 5 ngày, Chiến dịch đã toàn thắng, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Đây cùng là chiến dịch thể hiện sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá Nguyễn Đức Hạnh, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Nghệ thuật quân sự, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) về 3 chiến dịch lớn trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Hình ảnh xe tăng quân Giải phóng tiến vào dinh Độc lập ngày 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)
Phóng viên: Thưa ông, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 được diễn ra qua ba chiến dịch lớn, từ Chiến dịch Tây Nguyên đến Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Theo ông, đây có được coi là ba đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược quyết định, đánh dấu sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh?
Đại tá Nguyễn Đức Hạnh: Có thể nói, thắng lợi của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 thông qua ba chiến dịch như mọi người đã biết. Đây là thắng lợi toàn diện của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước hết, là thắng lợi của đường lối chỉ đạo chiến lược chiến tranh. Ở góc độ nghệ thuật quân sự là sự phát triển ở đỉnh cao về mặt chiến lược trên ba vấn đề.
Một là, chỉ đạo các chiến trường đánh trả địch lấn chiếm có hiệu quả, vừa chiến đấu, vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa tạo lập thế trận. Thứ hai là, phân tích, đánh giá đúng thế trận phòng ngự của địch, chọn hướng tiến công chiến lược chính xác. Và thứ ba là, xác định vận dụng sáng tạo phương pháp tiến công chiến lược, chỉ đạo phối hợp các hướng tiến công trên các chiến trường chặt chẽ. Đây có thể coi là bước phát triển cao và hoàn thiện của tác chiến chiến dịch, phát huy sức mạnh của các quân binh chủng trong tác chiến hiệp đồng quy mô lớn, chỉ đạo chiến thuật rất linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành mục tiêu của chiến dịch.
Phóng viên: Trong một chiến dịch quy mô lớn và có ý nghĩa quyết định như vậy thì sự phối hợp giữa các cánh quân trong tác chiến đã được thực hiện như thế nào?
Đại tá Nguyễn Đức Hạnh: Trong một trận đánh rất lớn, có ý nghĩa chiến lược rất cao việc phối hợp giữa các cánh quân thì phải dựa trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình địch, nhất là thế phòng ngự chiến lược của địch. Khi chúng ta tiến công vào Sài Gòn - Gia Định thì chúng bố trí thành ba tuyến ngoại vi, ven đô và nội đô, kể cả ba sư đoàn địch phòng ngự ở Đồng bằng sông Cửu Long và một sư đoàn không quân, cho nên chúng ta vận dụng cách đánh đồng loạt, tiến công trên năm hướng, chúng ta đã hiệp đồng rất có hiệu quả trên năm hướng tiến công của lực lượng đánh trên bộ, kể cả lực lượng Biên đội A37 cùng với lực lượng của quần chúng và không thể không nhắc tới 60 đội biệt động thành đã giúp chúng ta hoàn thành thắng lợi năm mục tiêu của năm cánh quân.
Phóng viên: Không chỉ hiệp đồng chặt chẽ giữa các cánh quân mà trong chiến dịch lịch sử này, nghệ thuật chỉ đạo tiến công hay nói cách khác là việc xác định cách đánh cũng đã được phát triển lên một tầm cao mới….
Đại tá Nguyễn Đức Hạnh: Đúng thế, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 thì chúng ta có ba chiến dịch quyết chiến chiến lược. Hai chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng thì chúng ta thực hiện phương pháp tiến công là lần lượt. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì chúng ta thực hiện đồng loạt tiến công trên năm hướng như đã đề cập ở trên. Các quân đoàn, các lực lượng quân binh chủng của toàn quân thể hiện lối đánh là đồng loạt tiến công trên diện rộng, kết hợp thọc sâu trên các hướng.
Trong kế hoạch tác chiến của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì chúng ta phân công rất rõ ràng lực lượng tiến công, trong đó, lực lượng các lữ đoàn tăng, thiết giáp là lực lượng thọc sâu, đi đầu, dẫn dắt và không thể không nói tới hiệp đồng tác chiến của lực lượng biệt động thành. Và chúng ta làm chủ tình hình giải quyết từng mục tiêu bên ngoài đến nội đô làm cho Mỹ - Ngụy phải chấp nhận đầu hàng trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân giải phóng tiến vào thành phố, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Phóng viên: Theo ông, từ bài học về nghệ thuật trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong chiến dịch Hồ Chí Minh cách đây 50 năm thì trong giai đoạn hiện nay, khi mà chiến tranh công nghệ cao đã trở nên phổ biến, chúng ta cần kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm này như thế nào?
Đại tá Nguyễn Đức Hạnh: Có thể nói, nếu như chiến tranh xảy ra trong tương lai, như chúng ta biết sẽ là cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao là chủ yếu, mà đã gọi là chiến tranh công nghệ cao thì nó có những đặc điểm phát triển hơn, phức tạp hơn, khó khăn hơn. Ví dụ như thời gian, ví dụ như không gian tác chiến, lực lượng, phương tiện, nhiệm vụ tác chiến, thủ đoạn, phương thức và điều kiện tác chiến.
Không gian tác chiến trên 5 môi trường: tác chiến trên bộ, trên biển, trên không, trong vũ trụ và trong điện từ. Về thời gian thì rất là ngắn cho nên lực lượng tham gia tác chiến của chiến tranh công nghệ cao đòi hỏi chúng ta tiếp tục kế thừa phát huy nghệ thuật quân sự trong hiệp đồng tác chiến quy mô lớn. Bên cạnh đó chúng ta phải kết hợp, hiệp đồng tác chiến các lực lượng trên bộ, trên không và trong tác chiến không gian mạng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải phối hợp rất là chặt chẽ. Thứ hai là phải phối hợp cả lực lượng quân đội, cả lực lượng công an và các lực lượng khác để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong chiến tranh điều kiện hiện nay. Phương thức chiến tranh hiện nay là phi tiếp xúc, là liên hợp mà loại hình chiến tranh là tổng lực, là bạo loạn kết hợp phản ứng nhanh.
Phóng viên: Như vậy có nghĩa là hình thái chiến tranh và nghệ thuật tác chiến trong chiến tranh công nghệ cao sẽ khác rất nhiều so với các cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược của chúng ta trước đây. Những đặc điểm đó đang đặt ra yêu cầu gì trong công tác giáo dục và huấn luyện bộ đội hiện nay?
Đại tá Nguyễn Đức Hạnh: Chúng ta phải tiếp tục giáo dục, huấn luyện cho bộ đội có tư tưởng vững vàng và phải có cách đánh rất tinh nhuệ. Đặc biệt là trong công tác tổ chức chiến đầu và thực hành chiến đấu, chúng ta vẫn tiếp tục phát huy lối đánh truyền thống, tuy nhiên phải trong điều kiện rất khẩn trương.
Như chúng ta biết, các chiến dịch tiến công trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có những chiến dịch kéo dài ba tháng, thậm chí có chiến dịch kéo dài 177 ngày. Nhưng mà chiến dịch trong chiến tranh tương lai ở loại hình tiến công chỉ diễn ra trong khoảng 10 đến 15 ngày. Như vậy rõ ràng công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu và thực hành chiến đấu hết sức khẩn trương. Đó là yêu cầu đặt ra trong công tác huấn luyện bộ đội hiện nay. Có nghĩa là vừa làm công tác tổ chức chiến đấu vừa giải quyết những vấn đề trong quá trình thực hành chiến đấu, đòi hỏi người cán bộ, chiến sĩ phải có tư duy nhạy bén để có thể vừa đánh giá, vừa kết luận, vừa xử trí trong hoạt động tác chiến thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông!