3 liên danh 'khủng' sẽ đấu thầu nhà ga sân bay Long Thành

Gói thầu số 5.10 'Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách' đã có ba liên danh với 27 công ty quốc tế và trong nước tham gia đấu thầu.

Sau hai lần mời thầu, gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” - dự án thành phần 3 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã được bên mời thầu điểm tên ba liên danh nhà thầu. Gói thầu có vốn đầu tư hơn 35.000 tỉ đồng này được xem là trung tâm vận hành của sân bay Long Thành.

Hé lộ ba liên danh thầu

Nguồn tin từ ACV chia sẻ ngày 12-6 đã chính thức đóng thầu gói thầu số 5.10 có ba liên danh với 27 công ty quốc tế và trong nước tham gia đấu thầu. Như vậy, so với lần mời thầu đầu chỉ có một liên danh nhà thầu thì lần này tăng thêm hai liên danh. Các liên danh này gồm Hoa Lư (Hoa Lu Consortium); Vietur (Vietur Consortium) và CHEC - BCEG - Vietnam Contractors/CHEC - BCEG - Vietnam Contractors Consortium.

Tạo việc làm cho hàng ngàn lao động

Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, giao thông đánh giá đây là gói thầu có trị giá đầu tư rất lớn, trong bối cảnh khan các dự án lớn. Theo đó, bất kỳ nhà thầu nào trúng thầu dự án này sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn công nhân, kỹ sư, thiết kế… Đồng thời, sau khi dự án hoàn thành, năng lực của nhà thầu sẽ tăng vượt bậc, đủ sức tham gia các gói thầu tầm cỡ quốc tế, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cảng hàng không, sân bay.

Theo nguồn tin này, hiện công việc xét thầu khẩn trương do khối lượng hồ sơ từ ba liên danh rất lớn, thời gian xem xét, đánh giá năng lực các liên danh sẽ mất 1,5 tháng. Theo đó, các đơn vị chuyên môn sẽ tập trung đánh giá kinh nghiệm, năng lực tài chính, nguồn lao động, thiết bị, máy móc thi công.

Nguồn tin chia sẻ thêm ban đầu yêu cầu thời gian thực hiện hợp đồng là 33 tháng, do khối lượng công việc lớn, rất áp lực nên các đơn vị tư vấn đã kiến nghị tăng thời gian thực hiện hợp đồng lên 39 tháng, trong đó bao gồm sáu tháng vận hành thử.

Về nguồn vốn để xây dựng nhà ga, lãnh đạo ACV nhiều lần khẳng định sẵn sàng thu xếp hơn 35.200 tỉ đồng để đầu tư nhà ga, lắp đặt thiết bị vận hành và sử dụng các công năng. Lần này, ACV quyết tâm lựa chọn nhà thầu để triển khai dự án trọng điểm quốc gia. Dự án triển khai sớm sẽ góp phần giải tỏa tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Tiềm năng, thực lực các liên danh

Đứng đầu ba liên danh có pháp nhân khác nhau nhưng các thành viên liên danh đều có sự góp mặt của các công ty xây dựng hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế, gồm các công ty CP xây dựng An Phong, Thuận Việt, Coteccons, Hòa Bình…

Cụ thể, Hoa Lu Consortium gồm tám nhà thầu có nhiều kinh nghiệm về mảng xây dựng trong nước và quốc tế. Liên danh này do Công ty CP Xây dựng Coteccons đứng đầu liên danh. Đáng chú ý, trong liên danh này có công ty đến từ Thái Lan là Power Line Engineering Public Company Limited. Công ty này từng tham gia xây dựng sân bay lớn nhất của Thái Lan là Suvarnabhumi. Liên danh này cũng tập hợp các công ty có tên tuổi trong nước gồm Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An, Unicons, Delta.

Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Thứ hai là Vietur Consortium, liên danh này gồm 10 thành viên. Đứng đầu liên danh là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng (IC ISTAS), được thành lập từ năm 1969. IC ISTAS là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có quy mô lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dữ liệu tìm kiếm về tập đoàn này cho thấy đã thực hiện các dự án về giao thông ở Saudi Arabia và Nga. Năng lực của IC ISTAS chủ yếu là làm đường, đường băng, làm sân bay quy mô 20 triệu khách (tầm trung).

Trước đó, vào ngày 5-5-2023, lãnh đạo tập đoàn này đã làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, đề đạt nguyện vọng muốn tham gia các dự án nhà ga sân bay Long Thành.

Tham gia liên danh này có các công ty xây dựng hàng đầu của Việt Nam, gồm Công ty CP Xây dựng Ricons, Công ty Newtecons, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Sol E&C…

Cuối cùng là liên danh CHEC - BCEG - Vietnam Contractors/CHEC - BCEG - Vietnam Contractors Consortium. Đứng đầu liên danh này là China Harbuor Engineering Conpany Limited - Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc. Tập đoàn này được thành lập năm 1980, trụ sở chính tại Bắc Kinh, hoạt động ở khắp toàn cầu và có thế mạnh thi công sân bay, cảng, giao thông. Tại Việt Nam, tập đoàn này thực hiện khá nhiều dự án về giao thông, bất động sản và khu công nghiệp.

Vị trí thứ hai của liên danh này là Beijing Construction Engineering Group Co.Ltd. Đây cũng là tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng của Trung Quốc và top 50 nhà thầu xây dựng của thế giới, có kinh nghiệm xây dựng, thiết kế và lắp đặt thiết bị giao thông, các sân bay có tầm cỡ trong nước và quốc tế.

Các vị trí tiếp theo là bảy công ty xây dựng của Việt Nam, trong đó gồm các tên tuổi như Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt, Công ty CP Xây dựng CDC, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai.•

Dự án lớn phải cần liên doanh

Trao đổi với PV, một đại diện thuộc tập đoàn lớn về năng lượng của Trung Quốc có văn phòng tại Việt Nam chia sẻ: Với các dự án lớn, chủ đầu tư thường yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện các công trình, dự án tương đương. Như vậy, với dự án lớn như nhà ga sân bay Long Thành, một công ty đứng riêng lẻ khó đáp ứng hai tiêu chí này. Đặc biệt là năng lực tài chính được đơn vị mời thầu xem xét gắt gao, như trong vòng ba năm gần nhất đã nhận dự án nào có quy mô vốn tương đương.

Bởi vậy, liên danh tập hợp các công ty để lấy doanh số về vốn, công nghệ, kinh nghiệm và năng lực triển khai. Với các công ty nước ngoài, họ thường lấy doanh số công ty mẹ để tham gia đấu thầu nên năng lực hồ sơ của họ luôn nổi trội.

AN NHIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/3-lien-danh-khung-se-dau-thau-nha-ga-san-bay-long-thanh-post740844.html