3 lưu ý phòng sỏi thận tái phát trong mùa hè
Sỏi thận là tình trạng bệnh xảy ra ở thận do sự lắng cặn muối và khoáng hình thành bên trong thận. Khí hậu, nhiệt độ và độ ẩm là những yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc sỏi thận.
Mùa hè nóng nực nếu không uống đủ nước bù đắp cho cơ thể, hạn chế muối và đạm động vật… sẽ có nguy cơ mắc sỏi thận hoặc tái phát căn bệnh này.
Yếu tố nguy cơ gây sỏi thận
Theo nghiên cứu, nước ta hiện nằm trong vùng có tỉ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu cao. Tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu chiếm từ 2-12%, trong đó sỏi thận chiếm tới 40%. Hội Tiết niệu-Thận học Việt Nam cho rằng, tỷ lệ mắc bệnh phụ thuộc vào các yếu tố như địa lý, khí hậu, chủng tộc, chế độ ăn uống và di truyền. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm góp phần làm tăng tỷ lệ sỏi niệu ở nước ta.
Có nhiều giả thuyết lý giải về nguyên nhân thường gặp ở sỏi thận trong đó do các nguyên nhân sau:
– Nguyên nhân sỏi thận do các dị tật bẩm sinh gây ứ đọng nước tiểu: hẹp khúc nối bể thận, thận móng ngựa, niệu quản đôi, phình niệu quản.
– Nguyên nhân do nhiễm khuẩn niệu.
– Nguyên nhân uống nước không đủ.
– Nguyên nhân do ít vận động.
Như vậy, có thể nói nguyên nhân gây sỏi thận là do uống ít nước. Khi lượng nước đưa vào cơ thể không đủ sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn thận. Chức năng lọc giảm, nước tiểu đặc với nồng độ các ion và muối khoáng cao, dễ kết tinh tạo sỏi. Vì vậy mùa hè cần cảnh giác sỏi thận tái phát.
Cần làm gì khi mắc sỏi thận?
Tùy sức khỏe của người bệnh, loại sỏi, kích thước sỏi… các bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp.
Nếu sỏi nhỏ với ít triệu chứng thì có thể điều trị bằng thuốc giảm đau hoặc uống nhiều nước để loại thải sỏi ra ngoài.
Nếu sỏi to hơn hoặc trường hợp sỏi có gây đau hoặc tắc/ giảm chức năng thận, dẫn tới chảy máu hoặc nhiễm trùng thì có thể các bác sĩ chỉ định can thiệp bằng kỹ thuật không xâm lấn (tán sỏi ngoài cơ thể), kỹ thuật điều trị ít xâm lấn (nội soi tán sỏi qua da, nội sọi niệu quản...).
Để phòng sỏi tái phát vào mùa nóng hiệu quả người bệnh cần chú ý những điều sau:
1. Cần uống đủ nước, tốt nhất là nước lọc hoặc nước thảo dược
Cần hình thành thói quen uống đủ nước là phương pháp đầu tiên để phòng ngừa hay điều trị sỏi thận. Nước sẽ giúp tránh tích tụ canxi và axit uric thành tinh thể ứ đọng trong thận. Nếu không cung cấp đủ nước nhất là mùa hè, lượng nước tiểu sẽ giảm đáng kể tạo điều kiện cho các chất tạo sỏi lắng đọng trong thận và đường tiết niệu.
Theo khuyến cáo, lượng nước nên uống mỗi ngày là 2 – 2,5 lít tùy theo nhu cầu hoạt động thể chất. Nếu thường xuyên luyện tập và làm việc ra mồ hôi nhiều, có thể tăng lượng nước.
Cần bổ sung thêm nước ép từ cam và chanh có chứa citrate – đều có khả năng ngăn ngừa sỏi hình thành. Có thể dựa vào màu sắc nước tiểu để biết có uống đủ nước hay không. Khi được bổ sung đủ nước, nước tiểu thường có màu vàng nhạt và trong, thiếu nước khiến nước tiểu có màu sẫm và vẩn đục.
2. Ăn ít đồ ăn chứa hàm lượng purin cao
Protein (đạm) động vật, chẳng hạn như thịt đỏ, cá, nội tạng động vật có chứa hàm lượng purin cao, dẫn đến sản xuất nhiều axit uric hơn tạo điều kiện cho sỏi axit uric dễ hình thành. Lượng protein cao cũng khiến thận bài tiết nhiều canxi hơn, dẫn đến hình thành sỏi trong thận.
Purin có trong hầu hết các loại thực phẩm, nhưng hàm lượng purin trong trái cây và rau củ rất ít, vì vậy ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp giảm độ axit trong nước tiểu và điều này có thể giúp giảm cơ hội hình thành sỏi axit uric.
3. Hạn chế ăn muối và thực phẩm chứa oxalat
Natri có trong muối ăn sẽ ngăn quá trình canxi được tái hấp thu từ nước tiểu vào máu. Từ đó làm lượng canxi trong nước tiểu tăng cao và dẫn đến hiện tượng kết tinh sỏi.
Ăn ít muối giúp giữ mức canxi trong nước tiểu thấp, giảm nguy cơ sỏi thận. Một số loại thực phẩm chứa nhiều natri nên hạn chế gồm: thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chứa nhiều muối…
Một số sỏi thận được hình thành tử oxalat, một hợp chất tự nhiên có trong nước tiểu hình thành sỏi thận. Hạn chế các thực phẩm giàu oxalat có thể giúp ngăn hình thành sỏi.
Một số thực phẩm chứa oxalat như: Rau bina, socola, khoai lang, cà phê, củ cải, đậu phộng, sản phẩm từ đậu nành, lúa mì.
Tóm lại: Sỏi thận là căn bệnh hình thành và diễn biến âm thầm hàng ngày nên khó nhận ra. Nếu không phát hiện, điều trị bệnh từ sớm, sỏi thận tiến triển gây đau đớn cho người bệnh và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Do đó, cần thay đổi thói quen lành mạnh và có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh sỏi thận.
Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ các chất khoáng như canxi, oxalat và axit uric trong nước tiểu tăng cao, các chất này lắng đọng lại ở thận, liên kết với nhau, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi.
Đây là một bệnh thường gặp và hay tái phát do sự kết thạch cùa một số thành phần trong nước tiểu ở đường niệu trên, trong những điều kiện lý hóa nhất định. Sỏi có thể gây tắc đường tiết niệu, gây nhiễm khuẩn và suy thận.
Mời xem video được quan tâm: