3 lưu ý quan trọng dành cho mẹ khi bé mới bắt đầu ăn dặm
Ăn dặm là cột mốc quan trọng trong giai đoạn phát triển của trẻ. Dưới đây là 3 lưu ý quan trọng, mẹ cần nhớ để tránh gây ra sự cố ngoài ý muốn.
1. Thời điểm bắt đầu ăn dặm
6 tháng tuổi được xem là “điểm vàng” để trẻ ăn dặm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ từ 4-6 tháng tuổi, không nên ăn thực phẩm rắn vì hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện.Trong khi đó, từ 6 tháng tuổi trở đi, sữa mẹ (hoặc sữa công thức) đã không còn cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho bé. Vì vậy, từ tháng thứ 6 trở đi, trẻ ăn dặm là thời điểm phù hợp và cần thiết.
Ngoài ra, nếu trẻ xuất hiện những dấu hiệu sau, chứng tỏ trẻ đã sẵn sàng để ăn dặm: đưa đồ vật vào miệng, chú ý đến những món ăn khác ngoài sữa mẹ, không còn phản xạ đẩy lưỡi, kiểm soát đầu tốt (có thể quay đầu đi nơi khác) và có khả năng ngồi thẳng dậy khi được hỗ trợ…
2. Quy tắc ăn dặm: "Từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ ngọt đến mặn"
Trước tiên, mẹ nên cho trẻ ăn ít, tỷ lệ lý tưởng ban đầu là từ 1 đến 2 thìa mỗi ngày, sau đó tăng dần lên với tỷ lệ thức ăn tương ứng. Quy tắc này nhằm tương thích với hệ tiêu hóa vẫn còn yếu của trẻ. Nếu ăn quá nhiều,trẻ rấtdễ bị rối loạn tiêu hóa.
Bên cạnh đó, trẻ đang quen uống sữa (thực phẩm lỏng), nên trong thời gian đầu, mẹ nên pha loãng cháo bột, nghiền mịn trái cây/ rau củ để phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ. Loại bột ăn dặm cho trẻ là bột gạo, bột yến mạch, ngũ cốc kết hợp với rau củ nghiền, trái cây nghiền.
3. Không ép trẻ ăn
Khi nào muốn ngừng ăn, trẻ sẽ ra dấu hiệu để bạn biết, chẳng hạn: nhè thức ăn vào thìa, quay đầu đi nơi khác, bặm môi hoặc nhổ ra bất cứ thứ gì bạn đặt trong miệng. Cha mẹ đừng bắt trẻ ăn quá nhiều, trẻ đói thì ăn, đã no thì thôi.
Ngoài ra, hãy lựa chọn thực phẩm, cách chế biến phù hợp với khẩu vị của trẻ. Với những món trẻ không thích, bạn có thể chờ một vài ngày và thử lại một ít, để trẻ có thời gian thích nghi với món ăn.