Vụ ám sát người thứ hai của nhà Kennedy, bố của ứng viên tổng thống Mỹ 2024

Ưng cử viên tổng thống bị ám sát ngay khi ông đang giành được lợi thế trong nỗ lực bước chân vào Nhà Trắng.

Ứng viên tổng thống Robert F. Kennedy phát biểu giữa khán phòng chật kín người năm 1968. Ảnh: Shutterstock

Đêm 5/6/1968, tại phòng khiêu vũ trong khách sạn sang trọng Ambassador ở thành phố Los Angeles, bang California, một đám đông chứng kiến ứng viên tổng thống Robert F. Kennedy phát biểu ăn mừng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang California.

Ông Robert chính là bố của Robert F. Kennedy Jr. - người chấp nhận rời đảng Dân chủ để thách thức ông Trump và ông Biden, với tư cách ứng viên độc lập, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.

Gần 5 năm sau khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy (anh trai của ông Robert) bị ám sát ở thành phố Dallas (bang Texas), ông Robert nỗ lực tiếp bước anh chạy đua vào Nhà Trắng. Nước Mỹ lúc đó bị chia rẽ liên quan đến các vấn đề như Phong trào Dân quyền (cho người Mỹ da đen quyền bình đẳng hợp pháp) và cuộc chiến ở Việt Nam.

Ông Robert đang trên đà có thể giành được đề cử của đảng Dân chủ. Nhưng đêm đó là lần cuối cùng ông phát biểu trước công chúng.

Thành viên thứ hai nhà Kennedy bị ám sát

Ông Robert với niềm vui giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử sơ bộ. Ảnh: Shutterstock

Khi ông Robert bước xuống sân khấu tại khách sạn Ambassador giữa một đám đông phóng viên, đám đông hô vang tên ông.

"Chúng tôi muốn ông, Bobby", đám đông hét lớn khi gọi ông Robert bằng cái tên thân mật.

Ông Robert bắt tay những người ủng hộ và rời phòng khiêu vũ qua nhà bếp. Sau đó, đám đông nghe thấy âm thanh mà các nhân chứng sau này mô tả như tiếng pháo. Chính xác hơn, đó là tiếng súng nổ.

Sirhan Sirhan, người Jordan gốc Palestine, bắn về phía ông Robert khi tiếp cận ông ở khu vực nhà bếp. Khẩu súng lục ổ quay được Sirhan giấu trong tấm áp phích tranh cử trước khi nổ súng.

Thời điểm vụ nổ súng xảy ra, khoảng 5 người đi cùng ông Robert qua khu vực bếp. Quốc hội Mỹ không có quy định bảo vệ các ứng viên tổng thống trước vụ ám sát ông Robert. Thượng nghị sĩ New York cũng được cho là muốn có thể thoải mái tiếp xúc với người ủng hộ và không thích bị FBI "kiểm soát".

Đó là lý do ông Robert dễ dàng bị bắn 3 phát, trong đó có một phát trúng phần đầu ở khoảng cách gần. Theo điều tra viên Thomas Noguchi, một viên đạn găm vào phần đầu từ phía sau tai phải của ông Robert khi ông bị bắn ở khoảng cách rất gần, từ 2,54cm đến 3,81cm.

Ứng viên tổng thống nằm bất động trong vài phút, máu chảy nhiều ra sàn nhà. Ít nhất 5 người trong khu bếp bị thương. Hai vệ sĩ Roosevelt Grier và Rafer Johnson đã tước súng và khống chế Sirhan.

Trong cảnh hỗn loạn, cậu thiếu niên phục vụ bàn Juan Romero đã chạy tới trấn an ông Robert, người bị trúng đạn đang nằm dài trên sàn khách sạn.

Phục vụ bàn Juan Romero chạy tới bên cạnh ông Robert. Ảnh: Shutterstock

"Tôi quỳ xuống bên ông ấy và đặt bàn tay mình giữa nền bê tông lạnh lẽo và phần đầu của ông ấy để tạo cảm giác thoải mái hơn," Romero nói với StoryCorps vào năm 2018. "Tôi có thể cảm nhận được máu từ đầu ông ấy chảy qua các ngón tay mình. Tôi lấy một chuỗi tràng hạt trong túi áo và quấn nó quanh tay phải của ông ấy vì nghĩ ông ấy cần nó hơn. Sau đó, họ đưa ông ấy đi."

Ngày hôm sau, ông Robert qua đời ở tuổi 42 khi người vợ Ethel đang mang thai đứa con thứ 11. Tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm đó, người chiến thắng là Richard Nixon, ứng viên đảng Cộng hòa.

Robert F. Kennedy và kẻ ám sát

Quang cảnh tại tang lễ của ông Robert ở bang New York ngày 8/6/1968. Ảnh: AFP

Những người ủng hộ xếp hàng dài bên ngoài nhà thờ St. Patrick ở thành phố New York để dự lễ tang của ông Robert F. Kennedy.

Theo NPR, ông Robert được tưởng nhớ như một biểu tượng tự do - nhận được sự ủng hộ của các cử tri da màu và Mỹ Latinh.

"Ông ấy đã biến sự gai góc của mình thành một đức tính trong chiến dịch tranh cử năm 1968, cố ý chế nhạo các cử tri giàu có để ủng hộ những người thiệt thòi," nhà bình luận Rod MacLeish nói năm 1983.

Nhưng Robert cũng là một người phức tạp và mâu thuẫn, đặc biệt là khi nói về một quyết định cụ thể, NPR đưa tin. Với tư cách là Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, ông đã cho phép FBI nghe lén điện thoại của Martin Luther King Jr. - người đấu tranh cho quyền của người Mỹ gốc Phi ở Mỹ - vào năm 1963, vì nghi ngờ một trong những trợ lý của ông này có liên hệ với phe phái bên ngoài nước Mỹ.

Dẫu vậy, ông Robert lại là một người ủng hộ nổi tiếng cho các cộng đồng thiệt thòi và đã nói về sự bình đẳng chủng tộc trong chiến dịch tranh cử của mình.

Sau cái chết của ông Robert, quốc hội Mỹ đã cho phép mở rộng sự bảo vệ của Mật vụ đến các ứng cử viên tổng thống quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn.

Về kẻ ám sát, Sirhan Sirhan tên đầy đủ là Sirhan Bishara Sirhan, sinh ngày 19/3/1944 tại Jerusalem (thuộc quyền quản lý của Anh). Ông Bishara, bố của Sirhan, xuất thân từ làng Taybeh (Palestine) và làm việc cho chính phủ ủy nhiệm của Anh. Bà Mary Muzher - mẹ của Sirhan - cũng là một người Palestine.

Từ nhỏ, Sirhan được cho là đã chứng kiến nhiều sự kiện đau thương liên quan đến các thành viên trong gia đình hoặc ở gần nơi sinh sống.

Năm 1948, bố của Sirhan mất việc. Cả gia đình phải chuyển đến sống ở Đông Jerusalem do Jordan kiểm soát và được cấp quyền công dân Jordan. Họ di cư sang Mỹ khi Sirhan 12 tuổi. Sau đó, bố của Sirhan quay trở lại Palestine vì mâu thuẫn gia đình.

Sirhan học trung học ở bang California rồi theo học một trường cao đẳng cộng đồng trong 2 năm. Tuy nhiên, chưa hết 2 năm, Sirhan đã bỏ học và làm nhiều công việc chân tay ngắn hạn.

Sirhan không phải người chơi súng nhưng đã mua lại khẩu súng của anh trai vào đầu năm 1968 để "tập bắn".

Al Jazeera từng dẫn lời một số nhân chứng vụ ám sát cho hay, khi bị các vệ sĩ khống chế, Sirhan hét lớn: "Tôi có thể giải thích. Tôi làm vậy vì người Palestine". Sau đó, Sirhan tuyên bố, động cơ ám sát là vì ông Robert ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1967 - sự kiện khiến hàng trăm nghìn người Palestine bị buộc phải rời khỏi nhà cửa và trở thành người tị nạn.

Theo NPR, sau vụ ám sát ông Robert, Sirhan ban đầu bị kết án tử hình nhưng sau đó bang California bỏ thi hành án tử nên mức án của Sirhan giảm xuống còn chung thân. Tù nhân này đã bị từ chối ân xá 15 lần.

----------------------

Trong chuyến công du tới thành phố Buffalo, một Tổng thống Mỹ vẫn cương quyết tham gia sự kiện gặp gỡ công chúng, bất chấp lời cảnh báo từ thư ký. Sự cương quyết đó khiến vị Tổng thống rơi vào thảm kịch kinh hoàng. Chuyện gì đã xảy ra vào ngày hôm đó? Mời độc giả đọc bài tiếp theo đăng rạng sáng ngày 16/7 để có câu trả lời.

Nguyễn Thái - (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/3-phat-sung-nghiet-nga-trong-vu-am-sat-bo-cua-ung-vien-tong-thong-my-2024-204241607053006411.htm