3 Quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt: Đường lớn đã mở
Các Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản vừa được phê duyệt thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Bộ Công Thương với phát triển kinh tế đất nước.
Quy hoạch ngành quốc gia đầu tiên được phê duyệt được như một tin vui đến với Bộ Công Thương vào đúng dịp kỷ niệm 72 năm thành lập ngành Công Thương (14/5/2023),
Đó là việc Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2023 ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Và cũng không phải đợi lâu thêm cho những tin vui. Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định phê duyệt 3 Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng, khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Đó là các Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 (Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia); Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 (Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản); Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 (Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Bằng sự nỗ lực đến mức cao nhất cùng trách nhiệm cao nhất trước sự phát triển kinh tế đất nước không chỉ trong giai đoạn trước mắt mà với cả tầm nhìn dài hạn, Bộ Công Thương đã giữ đúng lời hứa trước Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của ngành Công Thương được tổ chức vào tháng 2/2023.
Còn nhớ tại hội nghị quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2023 mà một trong những nhiệm vụ đó là tập trung cho 4 quy hoạch ngành được giao chủ trì gồm: Quy hoạch điện lực quốc gia; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.
“Đây đều là các quy hoạch ngành rất quan trọng và rất khó, nhất là Quy hoạch điện lực quốc gia và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Các quy hoạch vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển đúng hướng, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có thể khẳng định với việc 3 Quy hoạch ngành quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phu phê duyệt, Bộ Công Thương là một trong các cơ quan bộ sớm “về đích” trong thực hiện thẩm quyền lập các Quy hoạch ngành quốc gia theo Quyết định số 995/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Bộ Công Thương được giao 3/27 quy hoạch ngành quốc gia về kết cấu hạ tầng và 2/10 quy hoạch ngành quốc gia về sử dụng tài nguyên.
Các Quy hoạch ngành quốc gia vừa được Bộ Công Thương (với sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) công bố có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển không chỉ của ngành năng lượng và công nghiệp khai khoáng quốc gia, mà còn với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch, khi nhận nhiệm vụ tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặt vấn đề quy hoạch phải đi trước một bước để mở ra một không gian phát triển mới, tạo hành lang vững chắc cho phân bổ và huy động nguồn lực toàn xã hội.
Trong các buổi giao ban, trong các báo cáo hàng tháng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thường xuyên yêu cầu các đơn vị tham mưu khẩn trương xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia.
Trong các chương trình làm việc với các đơn vị chức năng thuộc Bộ cũng như với các bộ, ngành chức năng và các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã không ít lần quán triệt tinh thần, theo đó việc lập Quy hoạch ngành quốc gia phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nghị quyết, Nghị định có liên quan của Quốc hội, Chính phủ; đồng thời gắn quy hoạch ngành quốc gia với sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cũng như gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đặt tiến độ xây dựng quy hoạch theo từng tuần, từng tháng, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong tham gia ý kiến xây dựng quy hoạch, các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Có thể nói 3 quy hoạch ngành quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên của ngành Công Thương mà đây còn là các căn cứ định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả và bền vững trong lĩnh vực năng lượng và khai khoáng và quan trọng nhất là phải phù hợp với quan điểm định hướng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như bảo đảm khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản.
Cùng với việc công bố toàn văn các quy hoạch ngành quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương đã và đang khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai các Quy hoạch.
Theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương), việc hoàn thành và công bố 3 quy hoạch mới đây đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng. Đáng chú ý Quy hoạch về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia đã có thể hoàn thành sớm song do một số lý do khách quan đã phải thay đổi nhiều khâu trong công tác thẩm định, nhân sự thẩm định. Hay như Quy hoạch về năng lượng phải “đợi” Quy hoạch điện VIII dù đã qua tới 4 lần trình vẫn được yêu cầu hoàn thiện thêm.
Cùng đó việc xây dựng 3 Quy hoạch ngành quốc gia này là chưa từng có tiền lệ trong khi tầm nhìn đặt ra cho các Quy hoạch này lại là lâu dài. Cộng với việc thời điểm lập 3 quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản diễn ra khi các quan điểm, cách tiếp cận vấn đề liên quan đến năng lượng và khoáng sản là rất khác nhau cũng đặt ra cho Bộ Công Thương không ít thách thức.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã tổ chức lập quy hoạch theo quy trình thủ tục liên quan và sau nhiều vòng tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các dự thảo quy hoạch được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua. Hội đồng này do lãnh đạo Chính phủ là Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Công Thương là Phó Chủ tịch.
Nếu có điểm gì đó nổi bật chung cho 3 Quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương nêu trên thì đó chính là khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cùng với việc phát triển năng lượng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được xem là những điểm nhấn nổi bật trong ba quy hoạch ngành về năng lượng và khoáng sản.
Ở đây việc tuân thủ chính sách bảo vệ môi trường sinh thái được thực hiện đồng thời trên nhiều lĩnh vực, gồm ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trên thế giới, thúc đầy chuyển đổi số, từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất phần lớn các thiết bị năng lượng;xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ hiệu suất cao, phát thải thấp, thân thiện với môi trường; hoàn thiện các công cụ tài chính đối với các loại phát thải, tác động môi trường trong sản xuất và sử dụng năng lượng nhằm tạo điều kiện cho các loại hình năng lượng sạch có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Đường lớn đã mở, không gian phát triển mới cho các ngành năng lượng và khoáng sản cũng đã mở.
Và ngày mai đang bắt đầu tư ngày hôm nay.