3 thách thức kinh tế của Indonesia
3 thách thức kinh tế chính đối với Chính phủ Indonesia đã được nhấn mạnh trong cuộc khảo sát gần đây của Viện nghiên cứu Yosof Ishak - ISEAS (Singapore), cụ thể là kiểm soát lạm phát, tạo cơ hội việc làm thông qua đầu tư và duy trì tăng trưởng.
Ngoài ra là một số sự kiện “bên ngoài” cũng gây nên sức ép như chính sách thắt chặt tiền tệ của FED dự kiến khiến lãi suất tăng hơn nữa, tạo sức ép buộc Ngân hàng Indonesia phải tăng lãi suất cơ bản để ổn định tỷ giá hối đoái. Cuộc chiến kéo dài ở Ukraine sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá năng lượng cũng như trợ cấp năng lượng trong nước. Cuối cùng, nếu các thị trường xuất khẩu chính của nước này không thể duy trì đà phục hồi hiện tại, xuất khẩu của Indonesia có thể bị ảnh hưởng bất lợi.
Nền kinh tế Indonesia tăng trưởng 5,3% trong năm 2022, vượt mức 3,7% đạt được vào năm 2021. Khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát hợp lý và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, chính phủ vẫn lạc quan về việc đạt mục tiêu tăng trưởng 4,3 - 5,3% vào năm 2023 và cao hơn nữa là 4,7 - 5,5% vào năm 2024. Tiêu dùng đang dần phục hồi và giá hàng hóa cao hơn dự kiến đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Indonesia, tạo lợi nhuận bất ngờ cho doanh thu tài chính của chính phủ.
So với cuộc khảo sát năm 2017, lo ngại về thất nghiệp và lạm phát đã gia tăng đáng kể. Cụ thể, theo khảo sát của Viện nghiên cứu ISEAS, thất nghiệp đứng đầu danh sách (43,7%), tiếp theo là ổn định giá cả và lạm phát (35,9%), sau đó là vấn đề quản lý kinh tế và tác động của nó đối với tăng trưởng (33%). Điều thú vị là phần lớn những người tham gia khảo sát đều đồng ý rằng Tổng thống Jokowi đã phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn (75%), xử lý thành công cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 (66%) và cải thiện phúc lợi cho người nghèo (52%). Tuy nhiên, họ cho rằng giá hàng hóa không giảm (70%) và khó tìm việc làm hơn (47%).
Với cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, thì 2023 sẽ là năm bản lề của những thách thức về chính trị, khiến chính phủ khó có thể thực hiện những chính sách không được ủng hộ nhưng cần thiết, chẳng hạn như tăng lãi suất hơn nữa để ổn định đồng rupiah và kiểm soát lạm phát, hoặc ban hành luật giúp thị trường lao động linh hoạt hơn để kích thích đầu tư và do đó tạo ra việc làm. Chính phủ cũng có xu hướng can thiệp nhiều hơn so với cách tiếp cận thị trường thụ động, vì điều này mang lại hiệu quả chính trị tốt hơn.
Về vấn đề lạm phát, thách thức đặt ra đối với chính phủ là không chỉ tập trung vào việc tăng giá trong nước mà còn phải ổn định đồng rupiah, vì đồng rupiah yếu sẽ làm tăng lạm phát nhập khẩu. Với lãi suất tính bằng đồng USD và chênh lệch lãi suất USD-rupiah ngày càng tăng, điều quan trọng là phải giữ cho đồng rupiah ổn định. Cho đến nay, chênh lệch lãi suất USD-rupiah tăng 25 điểm cơ bản vào cuối tháng 3, không ảnh hưởng nhiều đến rupiah, vì nó dao động quanh mức 15.300 Rp/USD. Nhưng nếu việc lãi suất tính bằng đồng USD tiếp tục tăng làm suy yếu đồng rupiah và nếu lạm phát vẫn ở mức cao thì sẽ buộc phải tăng lãi suất đồng rupiah.
Do tính nhạy cảm chính trị của trợ cấp nhiên liệu, trọng tâm sẽ là biến trợ cấp từ một công cụ thiếu hiệu quả thành công cụ xác định mục tiêu rõ ràng hơn, và do đó có tác động tốt hơn với chi phí thấp hơn. Chính phủ đã đi theo hướng này, thực hiện chuyển tiền trực tiếp để hỗ trợ các nhóm thu nhập thấp dễ bị tổn thương. Hệ thống này không hoàn hảo, cụ thể là cần cải thiện độ chính xác trong danh sách những người nhận xứng đáng, nhưng đây là bước khởi đầu quan trọng và cần tinh chỉnh thêm để đảm bảo hỗ trợ tài chính của chính phủ đến được với những người cần nhất.
Trợ cấp nhiên liệu cũng đặt ra mục tiêu rõ ràng hơn. Pertamina, công ty dầu mỏ nhà nước phân phối Petralite - nhiên liệu được trợ giá, yêu cầu những người lái xe có thu nhập thấp đủ điều kiện phải đăng ký thẻ căn cước quốc gia và tải ảnh phương tiện của họ cùng với biển số lên ứng dụng di động MyPertamina và phải thẩm tra hồ sơ trước khi được phép mua nhiên liệu được trợ cấp.
Về thất nghiệp, đầu năm nay, chính phủ nhanh chóng ra quy định Perppu số 2/2011 thay thế cho Luật tạo việc làm. Luật tạo việc làm đã bị Tòa án Hiến pháp tuyên bố là vi hiến có điều kiện không lâu sau khi luật này ra đời. Tòa án đã ra lệnh cho chính phủ sửa đổi luật trong vòng 2 năm, nếu không nó sẽ bị coi là vi hiến.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto giải thích rằng phán quyết của của Tòa án Hiến pháp đã ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đó là lý do tại sao chính phủ nhanh chóng ban hành Perppu. Tuy nhiên, Hiệp hội Công đoàn Indonesia vẫn cho rằng Perppu không mang lại sự đảm bảo về mặt pháp lý cho người lao động vì các điều khoản về việc làm làm giảm quyền đảm bảo việc làm, đảm bảo tiền lương và an sinh xã hội của người lao động.
Các sáng kiến của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp thông qua tăng cường đầu tư và tăng trưởng về bản chất là dài hạn và sẽ mất một thời gian để tạo ra tác động mong muốn. Điều quan trọng là phải đánh giá lại hiệu quả của chương trình Kartu Prakerja, được thiết kế lại thành một chương trình trợ giúp xã hội trong năm đại dịch. Cuối cùng, công chúng muốn biết liệu chương trình có hiệu quả hay không trong việc giải quyết tình trạng thất nghiệp và tạo việc làm như chính phủ đã hứa ban đầu.
Trong bối cảnh cử tri đầy lo ngại như hiện nay, làm thế nào để giải quyết các vấn đề thất nghiệp, lạm phát, và tăng trưởng kinh tế sẽ là một “cuộc chơi” không đơn giản, buộc các ứng cử viên không thể không tự tìm cho mình những đề xuất đột phá để thay đổi tình hình, đạt được sự ủng hộ của các cử tri.