3 thách thức với UNCLOS trong thế kỷ 21
Bên cạnh những đóng góp vô cùng to lớn trong hệ thống luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982 vẫn đang đối diện với một số thách thức, yêu cầu thực tiễn trong việc điều chỉnh, bổ sung, thêm các thỏa thuận mới để hoàn thiện hơn nữa.
Bước sang thế kỷ 21, cùng với thay đổi nhanh chóng, không ngừng của khoa học công nghệ, nhu cầu quản trị, khai thác tài nguyên biển và đại dương, địa chính trị và quan hệ quốc tế đã đặt ra ba thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế nhằm hoàn thiện UNCLOS năm 1982, đó là (i) thách thức do biến đổi khí hậu; (ii) thách thức về an ninh hàng hải và (iii) thách thức về bảo vệ quyền con người trên biển.
Thách thức do biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tác động rất lớn lên các hệ thống tự nhiên và con người, cũng như làm trầm trọng thêm các thách thức về an ninh hàng hải. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển dân cư, thay đổi hệ sinh thái biển, sự dịch chuyển, sụt giảm nguồn tài nguyên thủy sản, nghèo đói và bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng. Thực trạng này còn làm suy yếu các sinh kế ven biển và có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các tội phạm. Đặc biệt, Bắc Cực là khu vực mà biến đổi khí hậu có thể có những tác động lớn đến an ninh hàng hải.
Trước đây, các vùng cực được coi là an toàn, các quốc gia không phải lo lắng nhiều về an ninh hàng hải. Tuy nhiên, hiện tượng băng tan đã dẫn đến sự tập trung của tàu thuyền và con người hoạt động ở Bắc Cực, điều này làm dấy lên những lo ngại về đánh bắt cá bất hợp pháp, an ninh, an toàn của con người và ô nhiễm môi trường biển. Hiện đã có những tranh chấp, bất đồng về việc quốc gia nào sẽ được hưởng quyền đối với các phần của Bắc Băng Dương vốn trước đây bị băng bao phủ nhưng sẽ ngày càng trở thành vùng biển mở.
Trong quá trình đàm phán UNCLOS năm 1982 vào thập niên 70, 80 của thế kỷ 20, biến đổi khí hậu chưa được đặt ra. Chính vì vậy, UNCLOS năm 1982 dường như không đề cập đến biến đổi khí hậu. Điều này đặt ra hàng loạt thách thức trong thế kỷ 21 khi các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả mực nước biển dâng, đã trở thành hiện thực vì UNCLOS năm 1982 “không đủ cơ sở” để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các quốc gia hoàn toàn có thể dựa trên tinh thần của UNCLOS để triển khai các chương trình thảo luận, đàm phán, thỏa thuận để đảm bảo UNCLOS có thể hoàn thiện hơn trong giải quyết thách thức nêu trên.
Thách thức về an ninh hàng hải
Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, với sự xuất hiện của các thiết bị hàng hải tự động rất cao, đặc biệt là các tàu không người lái được các quốc gia sử dụng cả trong lĩnh vực quân sự và thương mại đã làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến quy chế pháp lý của tàu biển, đặc biệt là tàu quân sự và thủy thủ đoàn. Bởi lẽ vào những năm 1970, 1980 của thế kỷ 20, tinh thần xuyên suốt của UNCLOS năm 1982 là tàu thuyền phải là phương tiện nổi trên mặt nước, mang quốc tịch của một quốc gia nhất định, có dung tích nhất định, có khả năng hoạt động trong môi trường biển; có thủy thủ đoàn hoạt động trên tàu.
Tuy nhiên, với công nghệ hàng hải hiện nay, những quy định này của UNCLOS năm 1982 đã “lạc hậu”, không theo kịp sự phát triển của công nghệ. Do vậy, các phương tiện tự hành trên biển như tàu không người lái có được coi là tàu biển hay không? Chúng được quyền đi qua không gây hại hay không? Chúng cần có thủy thủ đoàn hay không? Thủy thủ đoàn có bắt buộc phải hoạt động trên tàu hay không? Đây là một số trong nhiều câu hỏi rất lớn liên quan đến an ninh hàng hải mà UNCLOS năm 1982 cần được bổ sung, hoàn thiện.
Mặt khác, như đã nói, hiện tượng băng tan đã làm cho một số khu vực, đặc biệt là Bắc Băng Dương đã và sẽ trở nên nhộn nhịp hơn trong tương lai, sẽ kéo theo yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia tiếp giáp Bắc Cực (Nga, Mỹ, Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Canada) và các quốc gia có nền hàng hải phát triển có nhu cầu hoạt động ở Bắc Băng Dương sẽ ngày càng phức tạp, nguy cơ đối với an ninh hàng hải quốc tế và xung đột quốc tế có thể bùng phát bất kỳ lúc nào. Do vậy, UNCLOS năm 1982 cũng cần được hoàn thiện để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh.
Thách thức về bảo vệ quyền con người trên biển
Có thể khẳng định rằng còn có khoảng trống pháp lý rất lớn về bảo vệ quyền con người mà UNCLOS năm 1982 cũng như các điều ước quốc tế của các tổ chức quốc tế ban hành, đặc biệt là IMO và ILO chưa “bao phủ” được.
Đặc biệt, các quy định về quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với tàu thuyền trên các vùng biển, đặc biệt là ở lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và biển quốc tế thì UNCLOS năm 1982 dường như chỉ tập trung đến quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với hành vi phương hại đến hòa bình, trật tự và an ninh của quốc gia ven biển; hoặc UNCLOS năm 1982 chưa có quy định về bảo vệ nhân công trên biển; chưa có quy định về xử lý hành vi vi phạm quyền con người trên các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp IUU, đặc biệt là các tàu mang cờ tiện lợi (FOC- flag Of Convenience).•
(*) Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Luật kinh tế Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/3-thach-thuc-voi-unclos-trong-the-ky-21-post819691.html