3 thầy cô cùng dạy 1 môn như 3 môn là 'băm bổ' chương trình Khoa học tự nhiên

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần chỉ đạo cùng với sự chuẩn bị từ trước nhưng các trường hiện vẫn đang gặp nhiều lúng túng trong việc triển khai môn học tích hợp.

Năm học 2021-2022, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho bậc trung học cơ sở. Theo đó, tại cấp học này có thêm 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Tuy nhiên nhiều thầy cô giáo phản ánh trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, việc triển khai các môn học tích hợp này đang khiến các nhà trường, giáo viên lúng túng khi bố trí nhân sự, sắp xếp thời khóa biểu, thi - kiểm tra, nhận xét đánh giá, ghi học bạ…với 2-3 thầy cô cùng dạy 1 môn.

Ảnh minh họa (Ảnh vov.vn)

Ảnh minh họa (Ảnh vov.vn)

Để đi tìm câu trả lời vì sao lại có sự lúng túng, bất cập trong triển khai các môn học tích hợp trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành từ năm 2018, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Cao Khang - giảng viên khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Phát triển năng lực thay vì “nhồi” kiến thức

Phó giáo sư Nguyễn Cao Khang cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay hướng đến mục tiêu đào tạo ra những học sinh có năng lực giải quyết các vấn đề.

Từ xưa đến nay chúng ta đào tạo và quan tâm nhiều đến kiến thức, ‘nhồi’ cho học sinh nhiều kiến thức. Kiến thức rất hay, rất bổ ích, tuy nhiên, kiến thức không được xem là mục tiêu đầu ra của giáo dục. Đầu ra của giáo dục phải là năng lực, là khả năng giải quyết được vấn đề của một học sinh, kiến thức chỉ là một trong những thành tố tạo ra năng lực thôi.

Điều này như việc chúng ta nuôi một đứa trẻ bằng thức ăn nhưng mục tiêu cuối cùng là muốn chúng trưởng thành khỏe mạnh. Kiến thức đầu vào và đầu ra là năng lực giải quyết các vấn đề cũng tương tự như vậy. Đó là mục tiêu, định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông mới và sự xuất hiện của các môn tích hợp cũng vì thế”.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Cao Khang, trong môn Khoa học tự nhiên của Chương trình giáo dục phổ thông mới, kiến thức là tổng hợp của 3 môn học Vật lý, Hóa học và Sinh học. Thế nhưng nó không phải kiến thức được cộng lại một cách cơ học mà có logic khoa học. Cụ thể là sẽ có mảng kiến thức về Hóa học, có những mảng kiến thức về môn Sinh học, có những mảng cần kiến thức Vật lý chứ không phân ra kiến thức rõ rệt từng môn mà tổng chung đứng dưới góc nhìn khoa học tự nhiên. Hiện nay giáo dục quốc tế cũng đang thay đổi theo chiều hướng như vậy.

Triển khai lúng túng do lỗ hổng trong quá trình tập huấn?

Thầy Nguyễn Cao Khang cho hay, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên là phải dạy được kiến thức toàn bộ môn này. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang có giáo viên phụ trách từng mảng kiến thức riêng, tức là những môn Vật lý, Hóa học và Sinh học của chương trình trước đó.

Vì vậy, để triển khai chương trình lớp 6 mới, đã có giáo viên về Trường Đại học Sư phạm bổ sung các kiến thức còn thiếu từ nhiều tháng trước. Ví dụ như giáo viên môn Vật lý sẽ bổ sung thêm kiến thức các môn Sinh học và Hóa học, tương tự với giáo viên 2 môn còn lại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có những hướng dẫn, gửi chương trình theo kế hoạch trước đó và các địa phương cũng được cấp kinh phí triển khai chương trình này.

Mặc dù đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức về Chương trình giáo dục phổ thông mới trong toàn xã hội, thế nhưng, với nội dung kiến thức và cách triển khai các môn học tích hợp đang nhận nhiều phản ứng trái chiều từ các cơ sở giáo dục, giáo viên hiện nay. Phải chăng việc xây dựng các môn học mới này còn nhiều khuyết điểm khi đưa vào thực tế giảng dạy?

“Nội dung môn Khoa học tự nhiên được sắp xếp logic, bố trí theo từng mảng kiến thức của một môn học xuyên suốt, tổng thể chứ không phân rành rọt 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Tuy nhiên, hiện nay tại một số trường rắc rối trong việc phân công giáo viên dạy môn học này bởi giao cho 3 giáo viên 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học dạy song song và phân chia số tiết học theo 3 môn như trước. Theo cách làm đó là băm bổ chương trình này ra mà không đi theo một thể thống nhất, logic của môn Khoa học tự nhiên”, thầy Khang chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Cao Khang, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với sự xuất hiện của các môn học mới như Khoa học tự nhiên, các địa phương có 1 năm để chuẩn bị, tập huấn và chương trình cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi về các cơ sở rất sớm. Đó được xem là sự chuẩn bị có kế hoạch và nằm trong lộ trình.

“Thế nhưng, trong thực tế triển khai, có một điều rất dở là người tham gia giảng dạy các khóa tập huấn chưa có độ hiểu biết sâu rõ về các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mỗi người tập huấn truyền đạt lại cách triển khai môn học cho các giáo viên tại địa phương mỗi nơi một kiểu, chưa có sự thống nhất. Điều này nhận được sự phản hồi lại từ các giáo viên khi họ so sánh giữa những người truyền đạt nội dung tập huấn.

Thời gian chuẩn bị và tập huấn triển khai cho chương trình mới là 1 năm, thế nhưng thời lượng đào tạo những người tham gia tập huấn lại cho các giáo viên không nhiều. Đó là một trong những lý do khiến các cơ sở giáo dục, nhiều giáo viên tại các địa phương còn lúng túng, rối rắm trong việc triển khai các môn học tích hợp”, thầy Khang cho hay.

Phó Giáo sư Nguyễn Cao Khang nhận định, Chương trình giáo dục phổ thông mới là một chương trình tuyệt vời khi chúng ta đang đi theo con đường thay đổi nhận thức giáo dục từ chú trọng kiến thức sang hướng phát triển năng lực học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì cần có sự hướng dẫn cụ thể, chuẩn chỉnh, đồng bộ từ các cơ quan quản lý đến cơ sở, có như vậy chúng ta mới để đạt được kết quả tốt nhất cho sự đổi mới, sáng tạo và hoàn thành đúng các mục tiêu đề ra.

Cao Kim Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/3-thay-co-cung-day-1-mon-nhu-3-mon-la-bam-bo-chuong-trinh-khoa-hoc-tu-nhien-post221702.gd