3 thức quà phổ biến nhưng hương vị đặc biệt khi ăn ở miền Tây

Từ những nguyên liệu quen thuộc, dễ tìm, người miền Tây đã sáng tạo ra được rất nhiều món ăn đặc sắc, thơm ngon, tô điểm thêm nét duyên cho ẩm thực của miền sông nước.

Dưới đây là những món ăn thực khách không nên bỏ lỡ khi đến miền Tây du lịch.

Xôi mít

Xôi mít là một món ăn quen thuộc của người miền Tây bởi hương vị thơm ngon và được làm từ các nguyên liệu đơn giản, dễ tìm. Món ăn là sự kết hợp giữa những múi mít và xôi nếp.

Để làm cho món ăn tăng thêm phần bắt mắt, gạo nếp sẽ được ngâm với lá dứa, lá cẩm, hoa đậu biếc... trước khi nấu để tạo nên màu sắc cho món ăn. Xôi nếp đồ chín, chia từng phần vừa ăn để cho vào bên trong múi mít bỏ hạt.

Xôi mít ở miền Tây rắc thêm chút mè rang để làm tăng hương vị cho món ăn. Ảnh: Bích Ngọc

Xôi mít ở miền Tây rắc thêm chút mè rang để làm tăng hương vị cho món ăn. Ảnh: Bích Ngọc

Xôi mít gây thương nhớ cho ai đã từng được một lần thưởng thức. Độ giòn, ngọt dịu của múi mít bọc bên ngoài, sự mềm dẻo của nếp nằm bên trong, quyện cùng với đó là độ ngọt béo thơm nhẹ từ những hạt mè rang tạo nên một hương vị thơm ngon, làm say đắm lòng người.

Bánh da lợn

Bánh da lợn được xem là món ăn dân dã của người miền Tây, vừa dễ chế biến lại vừa dễ tìm. Bánh da lợn được làm từ những nguyên liệu đơn giản như bột năng, bột nếp, nước cốt dừa, đường và màu của lá dứa để tạo thêm mùi thơm cho món bánh. Miếng bánh thu hút người thưởng thức bởi vẻ ngoài lạ mắt khi được phân chia nhiều tầng có màu xanh và vàng chất chồng lên nhau.

Cái tên độc đáo của món ăn này được xuất phát từ việc bánh có nhiều lớp, nhiều màu đan xen trông giống như da lợn. Ảnh: Cẩm Tú

Cái tên độc đáo của món ăn này được xuất phát từ việc bánh có nhiều lớp, nhiều màu đan xen trông giống như da lợn. Ảnh: Cẩm Tú

Cắn một miếng sẽ cảm nhận được độ dẻo vừa của lớp bột xanh bóng mịn và ngọt bùi của nhân đậu xanh đan xen từng lớp với nhau cùng với hương thơm của lá dứa và vị béo ngậy của nước cốt dừa.

Chè trôi nước miền Tây

Khác với chè trôi nước ở miền Bắc hay miền Trung, chè trôi nước miền Tây mang hương vị đặc trưng riêng bởi vị ngọt của chè từ đường thốt nốt.

Để tạo ra được những viên chè trắng tròn đẹp mắt đòi hỏi người thợ phải khéo tay trong khâu nhào nặn. Lớp vỏ bột nếp bên ngoài ôm trọn nhân đậu xanh bên trong. Để tăng hương vị, cân bằng vị ngọt người thợ sẽ cho một ít gừng cắt sợi hoặc thát mỏng vào sau khi chè được nấu chín.

Chè trôi nước miền Tây với vị ngọt dịu từ nước đường thốt nốt, thơm béo từ đậu phộng, vị ấm nồng từ gừng cắt sợi, hòa quyện cùng nhân đậu xanh thơm béo nằm bên trong. Nếu có dịp về miền Tây du khách không nên bỏ qua việc thưởng thức món ăn này để thêm hiểu hơn đất và người miền Tây.

Ngoài ra, bánh bò thốt nốt, bánh cống, bánh lá dừa, bánh ú nước tro, bánh tằm khoai mì... đều là những món ăn mang nét văn hóa ẩm thực của người miền Tây mà du khách không nên bỏ lỡ khi có dịp về miền Tây du lịch.

Theo BÍCH NGỌC - CẨM TÚ (LĐO)

Link bài gốc: https://dulich.laodong.vn/am-thuc/3-thuc-qua-pho-bien-nhung-huong-vi-dac-biet-khi-an-o-mien-tay-1204681.html

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/3-thuc-qua-pho-bien-nhung-huong-vi-dac-biet-khi-an-o-mien-tay-post240190.html