30.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm - thủy sản
Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ có chương trình 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, chế biến, lâm sản, thủy sản.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Xét theo ngành kinh tế, tạm tính đến cuối năm 2023, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt tăng 6,95%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 10,29%; ngành thương mại dịch vụ tăng 15,83%.
Triển khai cho vay khá dễ dàng
Về kết quả thực hiện một số chương trình, chính sách tín dụng, đáng chú ý là chương trình cho vay 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho trên 6.000 lượt khách hàng vay vốn.
Hiện đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình, bao gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, SHB.
Đại diện các ngân hàng cũng khẳng định, việc triển khai cho vay chương trình này khá dễ dàng.
Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng khẳng định, Vietcombank không có vướng mắc gì. Ông cho biết, ngân hàng sẵn sàng tăng quy mô gói cho vay này lên với mặt bằng lãi suất thấp.
Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank - cho hay, người nuôi trồng, kinh doanh trong lĩnh vực nông, thủy sản là khách hàng truyền thống của Agribank. Năm 2023, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng quy mô 3.000 tỉ đồng dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Đến nay, Agribank đã giải ngân hết 3.000 tỉ đồng này.
Trong thời gian tới, ngoài phục vụ khách hàng truyền thống, Agribank ban hành một số chương trình cho vay thủy sản, đặc biệt là khu vực có lợi thế như khu vực Tây Nam Bộ, khu vực miền Trung.
Chưa đầy 1 năm đã giải ngân hết gói cho vay 15.000 tỉ đồng
Tương tự, các nhà băng khác cũng cho biết, sẵn sàng cung ứng vốn cho lĩnh vực lâm, thủy sản, với mức lãi suất cho vay ưu đãi.
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) Hồ Nam Tiến chia sẻ: "Năm ngoái, chúng tôi đăng ký quy mô gói này là 300 tỉ đồng. Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã tiếp cận một số khách hàng tiềm năng và năm nay tự tin đăng ký gói 1.000 tỉ đồng với NHNN".
Liên quan đến chương trình cho vay này, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản rất tích cực.
Chưa đầy một năm nhưng đã giải ngân hết gói 15.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại tham gia.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã và đang tham gia bổ sung thêm 15.000 tỉ đồng, nghĩa là sẽ có 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản, thủy sản", ông Tú nói.
Trước đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Ngày 14-7-2023, NHNN đã ban hành Văn bản 5631 hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Thời gian triển khai đến hết ngày 30-6-2024, với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với lãi vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Về quy mô tín dụng của chương trình khoảng 15.000 tỷ đồng. Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường.
Nguồn PLO: https://plo.vn/30000-ti-dong-ho-tro-doanh-nghiep-lam-thuy-san-post777177.html