30 năm vắng bóng Đặng Lệ Quân: Bi kịch cuộc đời của một biểu tượng châu Á
Đặng Lệ Quân được xem là một trong những nữ danh ca huyền thoại của châu Á.
Ngày 8 tháng 5 năm 1995, một ngày định mệnh khép lại chương cuối cuộc đời của Đặng Lệ Quân, nữ danh ca huyền thoại được mệnh danh là “Nữ hoàng âm nhạc Trung Hoa”. Ba thập kỷ trôi qua, ký ức về bà vẫn còn sống mãi trong lòng người hâm mộ, và những dấu hỏi quanh cái chết bất ngờ ấy vẫn chưa hoàn toàn phai nhòa.
Vào buổi chiều ngày 8 tháng 5 năm 1995, tại thành phố Chiang Mai, Thái Lan, Đặng Lệ Quân, người phụ nữ có giọng ca đã làm say đắm hàng triệu trái tim Á Đông, trút hơi thở cuối cùng trong một hoàn cảnh đầy hoang mang và bối rối. Bà qua đời ở tuổi 42, khi đang nghỉ tại phòng 1502, tầng 15 khách sạn Mae Ping, cùng bạn trai lâu năm, nhạc sĩ người Pháp Steven Pierre.
Sự ra đi bất ngờ
Thông tin về cái chết của bà không xuất hiện ngay trên mặt báo. Phải đến trưa ngày 10 tháng 5, các tờ báo lớn tại Thái Lan và khu vực mới đồng loạt đưa tin: “Một nữ ca sĩ nổi tiếng Trung Quốc đã qua đời một cách bí ẩn”. Theo báo Khaosod, thi thể của bà đã được lưu giữ trong nhà xác Bệnh viện Chiang Mai Ram hơn 12 giờ trước khi giới chức ba lãnh sự quán – Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông – buộc phải vào cuộc.
Trước đó, các cuộc gọi dồn dập từ đại diện ngoại giao tới cảnh sát Chiang Mai hé lộ nghi vấn: một người phụ nữ tên Đặng Lệ Kim (tên phiên âm của Đặng Lệ Quân) được cho là đã bị sát hại. Bản tin truyền hình Đài Loan cùng thời điểm ấy cũng đưa tin về cái chết của một nữ ca sĩ nổi tiếng tại Chiang Mai, song không ai dám khẳng định nguyên nhân.

Bức màn bí ẩn và dấu vết đáng ngờ
Khi lực lượng chức năng rà soát các khách sạn trên địa bàn, họ phát hiện Đặng Lệ Quân từng lưu trú tại khách sạn Mae Ping. Tại nhà xác Bệnh viện Chiang Mai Ram, thi thể của bà được tìm thấy trong tình trạng kỳ lạ: mặc áo choàng màu hồng đặc trưng của khách sạn, phủ tấm vải lụa nâu, trên cổ có vết bầm tím rõ rệt.
Theo lời bác sĩ Sumet Yuentrakul, người tiếp nhận ca cấp cứu, bà được đưa tới bệnh viện lúc 5 giờ 30 chiều ngày 8 tháng 5 trong trạng thái bất tỉnh. Người đi cùng, bạn trai Steven chỉ khai rằng bà mắc bệnh hen suyễn rồi nhanh chóng rời khỏi bệnh viện.
Kết quả điều tra sơ bộ ban đầu cho rằng bà bị đau tim. Tuy nhiên, sau khi rà soát hồ sơ bệnh án, bác sĩ Sumet xác nhận: nữ ca sĩ từng đến bệnh viện này để kiểm tra bệnh phổi và là bệnh nhân thường xuyên. Khả năng cao bà tử vong do cơn hen suyễn bộc phát khi ở một mình trong phòng khách sạn.
Những giây phút cuối cùng
Thông tin sau cùng từ khách sạn cho biết, vào khoảng 30–60 phút sau khi Steven rời phòng để đi mua đồ, một nhân viên khách sạn phát hiện bà trong tình trạng hoảng loạn, cố gắng mở cửa, tay cầm ống tiêm và túi thuốc. Nhân viên lập tức gọi xe đưa bà tới bệnh viện, nhưng mọi nỗ lực đã quá muộn.
Bác sĩ nhận định, điều hòa trong phòng có thể là nguyên nhân kích phát cơn hen suyễn. Trong nỗ lực cuối cùng, Đặng Lệ Quân cố tự tiêm thuốc giãn phế quản, nhưng không hiệu quả. Bà cố gắng mở cửa cầu cứu, nhưng đã không thể vượt qua.

Gia đình và quốc gia cùng tiếc thương
Ngay sau cái chết, em trai bà, ông Đặng Trường Lễ – đã nhanh chóng có mặt tại Chiang Mai để đưa thi hài chị gái về quê nhà. “Chị tôi bị hen suyễn mãn tính. Gia đình chúng tôi biết rất rõ điều đó. Giờ đây, điều duy nhất chúng tôi muốn là đưa chị về Đài Loan để tổ chức lễ tang trang trọng”, ông nghẹn ngào chia sẻ.
Tại Đài Loan, tin tức về cái chết của bà phủ sóng khắp các mặt báo và truyền hình. Người phát ngôn chính phủ, ông Jason Wu, gọi Đặng Lệ Quân là "nữ anh hùng dân tộc", không chỉ vì giọng ca ngọt ngào mà còn vì những đóng góp không ngừng nghỉ cho các buổi hòa nhạc từ thiện của quân đội.
Một sĩ quan từng tham gia tổ chức chương trình từ thiện cho biết: “Cô ấy không bao giờ than phiền. Cô ấy cống hiến với tất cả trái tim, như thể đó là nghĩa vụ thiêng liêng".

Biểu tượng vượt thời gian và ranh giới
Trong bài xã luận đầy cảm xúc, tờ United Daily News nhắc lại bài hát nổi tiếng nhất của bà, “Khi nào anh trở lại?” như một lời tiễn biệt. Central Daily News đăng dòng tít cảm động: “Teresa Teng, mãi mãi trong tim chúng ta.”
Điều đặc biệt là, dù âm nhạc của Đặng Lệ Quân không mang màu sắc chính trị, bà lại trở thành nhịp cầu kết nối giữa Đài Loan và đại lục Trung Quốc trong những năm cuối 1970, đầu 1980, thời kỳ quan hệ đôi bờ căng thẳng. Giọng hát của bà vang vọng trong lòng người Trung Quốc bất chấp sự kiểm duyệt, những cuộn băng cassette mang tên bà vẫn âm thầm lan truyền trong nội địa.
Trớ trêu thay, chính cái tên “Đặng” của bà cũng từng khiến dư luận Trung Quốc mỉa mai gọi bà là “Tiểu Đặng”, ngầm so sánh với lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Nhưng dù là ở Trung Quốc, Đài Loan hay Hồng Kông, Đặng Lệ Quân vẫn được xem là người phụ nữ đã làm được điều mà không một chính trị gia nào lúc bấy giờ làm được: kết nối hàng triệu con tim qua lời ca dịu dàng.
Lời tiễn biệt sau cùng

Ba mươi năm đã qua, nhưng mỗi khi giai điệu của “Ngọt ngào mật ngọt”, “Ánh trăng nói hộ lòng tôi” hay “Mùa hoa lê trắng” vang lên, người ta lại nhắc đến bà như một biểu tượng bất diệt của âm nhạc Hoa ngữ.
Đặng Lệ Quân ra đi ở tuổi xuân thì, trong một chiều Thái Lan oi ả. Nhưng giọng ca của bà, ngọt ngào và sâu lắng, vẫn mãi vọng lại giữa không gian, như một khúc hoài niệm không bao giờ khép lại.
Tuyến bài “Sau ánh hào quang” là hành trình khám phá những lát cắt chân thực phía sau ánh đèn sân khấu – nơi không chỉ có danh vọng, tiếng vỗ tay và ánh hào quang, mà còn ẩn chứa biết bao khó khăn, biến cố và những câu chuyện đời thường ít người biết đến. Mỗi bài viết là một góc nhìn sâu sắc về cuộc sống thật của các nghệ sĩ nổi tiếng sau ánh hào quang sân khấu: người chật vật mưu sinh, người âm thầm chống chọi với bệnh tật, mất mát, người vẫn kiên cường giữ lửa nghề trong thầm lặng,...
Thông qua đó, loạt bài không chỉ khắc họa số phận đời người sau sân khấu, mà còn tôn vinh nghị lực, đam mê và giá trị con người sau lớp vỏ hào nhoáng của giới giải trí.