300 bộ phim bị hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam, Thanh tra Bộ VHTT&DL nói gì?
Trước đơn kiến nghị của các nghệ sĩ về tình trạng 300 bộ phim bị hư hỏng nặng, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã có phản hồi.
Trong thư gửi đạo diễn Bùi Trung Hải, đại diện tập thể nghệ sĩ ở Hãng phim truyện Việt Nam, Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết ngày 8/3/2023, sau khi nhận được kiến nghị, phản ánh của tập thể nghệ sĩ về 300 bản phim bị hỏng, Cục Điện ảnh cùng Viện Phim Việt Nam làm việc với đại diện CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam và khảo sát trực tiếp kho lưu trữ phim.
"Sau khi khảo sát trực tiếp, đoàn công tác nhận thấy kho lưu trữ phim đã xuống cấp trầm trọng, không đủ tiêu chuẩn để lưu trữ, các bản phim không thể sử dụng do không được kiểm tra, bảo dưỡng trong một thời gian dài. Các bộ phim trong kho phim bị hư hỏng thuộc trách nhiệm của công ty.
Công ty phải để xuất phương án khắc phục báo cáo Bộ VHTTDL và trả lời cho tập thể nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của công ty biết", đại diện Thanh tra Bộ cho biết.
Trong thư phản hồi, Thanh tra Bộ VHTTT&DL cũng thông tin về hiện trạng bảo quản các bộ phim giá trị của điện ảnh Việt Nam tại kho phim của Viện Phim Việt Nam, trong đó bao gồm 278 phim do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, tài trợ (số phim này cũng đã được lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam). Đại diện thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết những bộ phim này đầy đủ cả bản gốc và hồ sơ liên quan, được lưu trữ, bảo quản một cách khoa học trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế.
Viện Phim Việt Nam là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, thực hiện nhiệm vụ lưu trữ, bảo quản phim đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, sẵn sàng phục vụ các nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ VHTT&DL phối hợp với Chính phủ giải quyết dứt điểm vụ việc tồn đọng ở Hãng phim truyện Việt Nam.
"Các việc kéo dài khiến chúng ta đau đầu như khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Hãng phim truyện Việt Nam... cần được giải quyết dứt điểm. Tôi đề nghị Bộ VHTT&DL cùng Chính phủ giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để cùng xử lý", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Câu chuyện buồn của Hãng phim truyện Việt Nam bắt đầu sau "cơn bão" cổ phần hóa. Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được tiến hành từ năm 2014. Với 32,5 tỷ đồng, Vivaso giành 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược.
Những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam đã được Thanh tra Chính phủ kết luận theo Văn bản số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018: Giá trị đất đai và quyền, ưu thế sử dụng đất đai được định giá bằng 0; chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim; quá trình thực hiện vi phạm Luật Đấu thầu, chỉ có một nhà đầu tư là cổ đông chiến lược (Vivaso) không có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến sản xuất phim và văn hóa điện ảnh, không đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu thực tiễn của một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực điện ảnh.
Khi đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là Vivaso rút vốn trước thời hạn.
Đến nay, quá trình cổ phần hóa đã kéo dài gần 10 năm và chưa thể đi đến hồi kết. Hãng phim truyện Việt Nam (tại trụ sở 4 Thụy Khuê) ngày càng hoang tàn, đổ nát. Những tồn tại trong việc cổ phần hóa khiến suốt nhiều năm qua khiến Hãng phim truyện Việt Nam không thể thực hiện các dự án phim, đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ không có việc làm, thất nghiệp. Từ đó đến nay, người lao động của Hãng phim bị cắt toàn bộ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Tháng 4/2023, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định thành lập Tổ kiểm tra, nhằm kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan. Đến nay, quá thời hạn hơn nửa năm, những khúc mắc ở Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa được giải quyết.