325 năm Biên Hòa - Đồng Nai: Vùng đất Hóa An xưa và nay
Phường Hóa An (TP.Biên Hòa) xưa thuộc làng Tân An và thôn Tân Hóa. Năm 1899, thôn Tân Hóa và làng Tân An sáp nhập thành làng Hóa An (Tổng Chánh Mỹ Thượng, H.Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa). Vào thời vua Tự Đức (1847-1883), làng Hóa An vỏn vẹn chưa tới 20 nhà.
Với vùng đất được hình thành từ khá lâu đời, cư dân P.Hóa An góp phần làm đa dạng, phong phú về phong tục tập quán, văn hóa, con người của xứ Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay.
Rừng hoang vu, cọp dữ
Phường Hóa An có 4 khu phố: Đồng Nai, Bình Hóa, An Hòa, Cầu Hang với diện tích tự nhiên trên 684ha, dân số khoảng trên 35 ngàn người.
Theo Lịch sử Đảng bộ P.Hóa An, làng Hóa An xưa thuộc làng Tân An (Tổng Chánh Mỹ Thượng, H.Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa) và thôn Tân Hóa (Tổng Phước Thành, H.Phước Bình, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa). Làng Hóa An thuộc vùng đất cổ xưa, nằm trong lưu vực sông Đồng Nai, trên vùng đất này, con người đã xuất hiện từ thời đồ đá cũ.
Vào thời vua Tự Đức (1847-1883), làng Hóa An chưa tới 20 nóc nhà. Xóm Bàu có gia đình ông cả Nhiều; xóm Chiều có gia đình ông cả: Kiệt, Trị, San, Mọi, Kén; xóm Lô có gia đình ông: Cổ Cu, Ca Trường, Ca Thảo… và dòng họ cùng với cư dân khác đến khai phá vùng đất này sinh sống. Ngoài khai khẩn đất hoang mở mang làng, cư dân làng Hóa An còn tiến hành xây dựng miếu, đình để sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo.
Cùng với quá trình hình thành, phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, làng Hóa An (sáp nhập giữa thôn Tân Hóa và làng Tân An) giờ đã là đô thị sầm uất, thu hút rất nhiều dân cư ngoại tỉnh về sinh sống và lao động. Năm 2019, xã Hóa An lên P.Hóa An và thu hút rất nhiều dân nhập cư. Dù là người sinh sống lâu đời hay mới đến, người dân luôn thắt chặt tinh thần đoàn kết, chung sức, trách nhiệm với địa phương.
Làng Hóa An xưa và nay hiện diện 2 ngôi chùa lớn: Hiển Lâm (Hóc Ống Che khai sơn tạo dựng khoảng năm 1920), Tân Quang (Gò Sỏi, được khai sơn tạo dựng vào thế kỷ 18, đều tọa lạc tại KP.An Hòa, P.Hóa An). Cụ Trần Văn Lâm (95 tuổi, KP.An Hòa, P.Hóa An) cho biết, theo những gì ông tìm hiểu, P.Hóa An có rừng Bình Trị khá hoang vu, nhiều cây to 3 người ôm, thú rừng sinh sống.
Lật từng trang Lịch sử Đảng bộ P.Hóa An, cụ Lâm kể lại, thời xa xưa, vùng đất Hóa An, TP.Biên Hòa (nơi chùa Hóc Ông Che tọa lạc) là khu rừng rậm rạp, đầy thú hoang. Trong rừng có con cọp hung dữ lại khôn lanh, từng hại nhiều người, bắt gia súc khiến dân làng khiếp sợ.
“Có một người ở vùng Dĩ An (nay là tỉnh Bình Dương) đến đây sinh sống, vốn tinh thông võ nghệ. Ông này cùng với thầy Hai (tên thường gọi của sư Huệ Lâm, tu hành ở hóc Ông Che) kết nghĩa anh em, quyết trừ cọp dữ. Lại nghe kể rằng, người này cũng giỏi môn võ bùa giống như thầy Hai. Sau đó, 2 người đưa đồ đệ đến khu rừng tìm diệt con cọp dữ” - cụ Lâm chậm rãi kể.
Rồi cụ Lâm kết thúc câu chuyện bằng truyền thuyết về trận chiến kéo dài từ sáng đến tối không phân thắng bại giữa cọp và người. Đám đồ đệ yếu sức sau đó phải dạt ra né tránh nhằm đảm bảo tính mạng, riêng 2 thầy kiên trì hợp sức quần nhau với cọp. Khi đám đồ đệ gọi thêm người quay lại rừng trợ lực thì trận chiến đã kết thúc. Cọp dữ bị giết chết, xác nằm đó nhưng 2 thầy cũng kiệt sức nằm chết giữa rừng.
Vùng đất Hóa An hào hùng
Theo Lịch sử Đảng bộ P.Hóa An, địa phương này có vị trí chiến lược trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bão lửa cách mạng luôn bùng cháy trong nhân dân địa phương. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Hóa An được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng tại một số địa điểm mật như: chùa Gò Sỏi, Hóc Ông Che, rừng Bình Trị, bến đò Ngựa. Những nơi này, lực lượng cách mạng và du kích thoát ly trú ẩn và được nhân dân Hóa An nuôi giấu, bảo vệ.
Chùa Tân Quang (Gò Sỏi) do dân làng khu vực Gò Sỏi lập trên cái gò nhiều sỏi từ thế kỷ XVIII. Trước đây, chùa tọa lạc ở KP.Cầu Hang, năm 1984 di dời về số 186, Hoàng Minh Chánh, ấp An Hòa và trải qua rất nhiều lần trùng tu nên khá đẹp.
Phó chủ tịch UBND P.Hóa An Lê Trực cho biết, địa phương có 101 liệt sĩ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; 4 bà Mẹ Việt Nam anh hùng và 111 người con ưu tú của quê hương Hóa An được nhận huy hiệu từ 30-60 năm tuổi Đảng. Trong kháng chiến, nhiều người mẹ đã đào hầm nuôi giấu cán bộ tại nhà; người dân đóng góp, tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng, tham gia chống lại việc bắt lính, dồn dân vào ấp chiến lược.
Cũng theo ông Lê Trực, trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn với âm mưu quyết biến vùng đất Hóa An thành vùng trắng không có cách mạng hoạt động để dễ bề kiểm soát nên xây dựng nhiều cứ điểm, khu gia binh, đồn bốt… dọc tỉnh lộ 16 và quốc lộ 1K. Có thời điểm, quân số của Quân đội Việt Nam Cộng hòa có mặt tại đây lên đến 738 người.
Sau ngày 30-4-1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân P.Hóa An cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả của chiến tranh tàn phá. Đặc biệt, sau những năm thực hiện đường lối đổi mới cho đến nay, từ xã nông nghiệp của vùng ven TP.Biên Hòa, nay Hóa An trở thành đô thị khang trang, hiện đại, văn minh cùng với nhịp đập của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển.
Cũng theo nguyên Bí thư Đảng ủy P.Hóa An Nguyễn Văn Tường, 5 bài học lớn mà Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị địa phương rút ra được từ thực tiễn xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương như: Đảng lãnh đạo là nhân tố quyết định mọi thắng lợi; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh - nhân tố quyết định sự ổn định và phát triển bền vững; cấp ủy Đảng làm tốt công tác cán bộ; xây dựng và phát triển hiệu quả khối đại đoàn kết; phát triển kinh tế, văn hóa đi đôi với giữ vững an ninh chính trị.