36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 4)

Trân trọng giới thiệu sách '36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Thành Đại La. Nguồn: covatvietnam.info

Thành Đại La. Nguồn: covatvietnam.info

Kỳ 4.

SỰ KIỆN THỨ 4: HÀ NỘI - ĐẠI LA - THỦ PHỦ THỜI THUỘC ĐƯỜNG

Năm 618 nhà Tùy mất, Lý Uyên lên ngôi sáng lập nhà Đường. Nhà Đường là đỉnh cao, thời kỳ hưng thịnh nhất của chế độ phong kiến Trung Quốc. Đối với đất Âu Lạc xưa, nhà Đường củng cố thêm một bước về hành chính, năm 679 Giao Châu được đổi thành An Nam đô hộ phủ do một Tiết độ sứ đứng đầu. Dưới phủ là châu, gồm 12 châu, 59 huyện: Giao Châu đô đốc phủ có 8 huyện, nay thuộc Hà Nội, Nam Định; Lục Châu đô đốc phủ có 3 huyện, nay thuộc Quảng Yên, Lạng Sơn; Phúc Lộc Châu đô đốc phủ có 3 huyện, nay thuộc Sơn Tây; Hoan Châu (Nghệ An) đô đốc phủ có 4 huyện; Phong Châu đô đốc phủ có 3 huyện (Sơn Tây, Hưng Hóa, Vĩnh Phúc, Phú Thọ); Ái Châu (Thanh Hóa) đô đốc phủ có 6 huyện; Thang Châu đô đốc phủ có 3 huyện; Trường Châu đô đốc phủ có 4 huyện; Chi Châu đô Đốc phủ có 7 huyện; Võ Nga Châu đô đốc phủ có 7 huyện; Võ An Châu đô đốc phủ có 2 huyện; Diễn Châu đô đốc phủ ( Hà Tĩnh, Quảng Bình) có 7 huyện… Dưới châu là huyện do quan huyện người Hán đứng đầu, dưới huyện nhà Đường lần đầu tiên chia thành đơn vị hành chính hương và xã. Tiểu hương có từ 50 đến 160 hộ, đại hương có 160 đến 670 hộ; tiểu xã từ 10 đến 30 hộ; đại xã từ 40 đến 60 hộ. Như vậy nhà Đường củng cố cấp cơ sở, chia nhỏ để dễ bề cai trị. Tuy nhiên, Nhà Đường cũng chỉ nắm tới cấp huyện mà thôi. Thế kỷ IX, nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh hải quân tiết trấn do Tĩnh độ sứ đứng đầu. Nửa cuối thế kỷ IX nhà Đường đặt chức Tiết độ sứ riêng cho Âu Lạc. Như vậy thời Đường vùng Hà Nội xưa thuộc Giao Châu đô đốc phủ. Những Tiết độ Sứ, Thứ sử, huyện lệnh Nhà Đường đã từng cai trị ở Đại La, các châu và các huyện ở nước ta: Khâu Hòa, Ký Đại Lượng, Lý Thọ, Lư Tổ Thượng, Lý Đạo Hưng, Lý Đạo Ngạn, Lý Giám, Liễu Sở Hiền, Đỗ Chính Luận, Đậu Đức Minh, Ninh Đạt, Chữ Toại Lương, Sài Triết Uy, Lang Dư Khánh, Lưu Diên Hựu, Khúc Lãm, Trương Thuận, Trương Bá Nghi, Lưu Hựu, Quang Sở Khách, Tống Chi Đễ, Đỗ Minh Cử, Hà Lý Quang, Trương Khiêm, Khang Kiêm, Triều Hoành, Phụ Lương Giao, Cao Chính Bình, Trương Ứng, Triệu Xương, Bùi Thái, Trương Châu, Mã Tổng, Triệu Quân, Lý Tượng Cổ, Lý Nguyên Hỉ, Lý Nguyên Gia, Quế Trọng Vũ, Bùi Hành Lập, Lý Nguyên Thiện, Hàn Ước, Mã Thực, Vu Hồn, Bùi Nguyên Hựu, Điền Tảo, Vương Thức, Thôi Cảnh, Điền Tài Hựu, Chu Nhai, Lý Trác, Lý Hộ, Vương Khoan, Sái Tập, Sái Kinh, Tống Nhung, Cao Biền, Cao Tầm, Tăng Cổn, Trương Nhẫn, Kính Ngạn Tông, Thôi Lập Tín, Chu Toàn Dục, Độc Cô Tổn. Tổng cộng 65 quan chức trong hơn 229 năm thống trị của nhà Đường. [1]

Nhà Đường chuyển trung tâm, đầu não của chính quyền đô hộ từ Luy Lâu về Long Biên ( Giao Châu) và đổi là thành Đại La. Để bảo vệ thành trì và ngăn lũ lụt, các đời Tiết độ sứ đều ra sức huy động sức người, sức của đắp thành Đại La, trong đó Cao Biền (Cao Vương) làm Tiết độ sứ từ năm 856 đã hoàn thiện việc tôn tạo thành này. Cao Biền còn cho nạo vét dòng sông Tô Lịch, làm cho chung quanh thành Đại La có thủy đạo đi lại thuận tiện. Từ cửa sông Tô, thuyền có thể về bắc thành, xuôi xưống vùng Cầu Giấy ra phố Vọng, qua Kim Ngưu rồi ra sông Nhị. Đồng bằng sông Nhị ở ngoài thành Đại La cho mùa màng tươi tốt, lương thực dồi dào, giao thông thuận tiện, Đại La thành một đô thị buôn bán sầm uất, thuyền bè đậu san sát hai bên sông, hàng hóa lên thuyền, xuống thuyền tấp nập. Hai bên bờ sông hàng quán nhộn nhịp. Nhà Đường tăng cường thành quách, tăng cường quân đội để bóc lột và đàn áp nhân dân ta. Thời nhà Đường suy yếu Đại La còn chịu tai họa bởi những cuộc tấn công tàn phá của giặc Nam Chiếu (nay thuộc Vân Nam Trung Quốc, trước thế kỷ XIII là vương quốc của người Thái) vào những năm 816, 832, 846, 853, 858, 862. Năm 863 quân Nam Chiếu chiếm được thành, bọn đô hộ Trung Quốc kẻ bỏ trốn, kẻ chạy về nước. Nhân dân trong thành bị cướp bóc, bị tàn sát, bị bắt về Nam Chiếu hàng vạn người. Nhân dân thành Đại La đã chống trả giặc Nam Chiếu kịch liệt. Năm 865, Cao Biền đánh lui đuợc quân Nam Chiếu nhưng lại quay lại đàn áp nhân dân, tổ chức lại nền cai trị của nhà Đường, đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh hải quân tiết trấn do Tiết độ sứ đứng đầu. Từ đây bắt đầu chức Tiết độ sứ riêng cho Âu Lạc.

SỰ KIỆN THỨ 5: HÀ NỘI – ĐẠI LA – THỦ PHỦ CỦA THỜI KỲ TỰ CHỦ

Cuối thế kỷ VIII, nhà Đường suy yếu. Nhân cơ hội đó, các hào trưởng của giai cấp phong kiến Việt Nam nổi dậy giành quyền tự chủ. Năm 766, Phùng Hưng quê ở Đường Lâm (Ba Vì Hà Nội ngày nay) đã kéo quân chiếm được thành Đại La. Viên quan nhà Đường là Cao Chính Bình lo sợ mà chết. Đại La thành Thủ phủ của nền tự chủ của Phùng Hưng được 7 năm. Nhân dân ta tôn Phùng Hưng là Bố-Cái Đại Vương (vua cha-vua mẹ)[2]. Năm 773, Phùng Hưng mất, con là Phùng Hải thay. Năm 791 nhà Đường phản công. Phùng Hải thất bại. Thành Đại La lại rơi vào tay nhà Đường sau 25 năm duy trì nền tự chủ. Năm 806 Dương Thanh cùng 3.000 quân khởi nghĩa chiếm thành Đại La, giết chết Tiết độ sứ nhà Đường. Khởi nghĩa bị tướng nhà Đường Quế Trọng Vũ đàn áp.

Năm 906 nhân cơ hội nhà Đường sụp đổ, Trung Quốc bước vào cục diện năm đời mười nước suy yếu, rối loạn. Nhân cơ hội đó, Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng ở đất Hồng Châu (nay thuộc Hải Dương) lại quật khởi giành lại quyền tự chủ, xưng là Tiết độ sứ. Thành Đại La thành trung tâm của chính quyền tự chủ của họ Khúc. Năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo thay cha. Khúc Hạo đã tiến hành cải cách hành chính, chia nước ta thành lộ, phủ, châu, hương, giáp, xã. Khúc Hạo như vậy là người đầu tiên của nước ta cải cách hành chính, xây dựng một chính quyền tự chủ thống nhất mà Đại La là trung tâm. Dù chỉ xưng là Tiết độ sứ của nhà Đường và sau này là của nhà Hậu Lương (sách lược mềm dẻo của ta khi đó) nhưng nhân dân ta đã nắm được toàn bộ quyền cai quản đất nước. Ách thống trị của phong kiến Trung Quốc 1.000 năm trên đất nước ta thực tế đã chấm dứt.

Năm 917 Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay cha nắm quyền. Năm 923 nhà Nam Hán, một trong 10 nước ở phía nam Trung Quốc do hậu duệ nhà Hán lập nên, lãnh thổ Quảng Đông, Kinh đô Phiên Ngung (Quảng Châu), sai tướng Lý Khắc Chính sang xâm lược, Khúc Thừa Mỹ thất bại và bị bắt. Thành Đại La lại rơi vào tay quân xâm lược. Năm 931, Dương Đình Nghệ, một hào trường ở đất Ái Châu (Thanh hóa ngày nay), vốn là tướng của họ Khúc đã đánh bại quân Nam Hán, giành lại quyền tự chủ. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị một tùy tướng là Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ và cầu cứu quân Nam Hán để bảo vệ địa vị của mình. Nam Hán liền huy động hai đạo quân thủy bộ tiến vào nước ta. Vua Nam Hán Lưu Cung thân chỉ huy đạo bộ binh đóng ở Hải Môn, Bác Bạch, Quảng Đông sẵn sàng chi viện cho đạo thủy quân do Hoàng Thái tử Hoàng Thao tiến vào sông Bạch Đằng. Nền tự chủ non trẻ vừa giành được bị đe dọa bởi thù trong giặc ngoài.

Trong tình hình nguy ngập, tháng 11 năm 938, Ngô Quyền quê ở Đường Lâm (Ba Vì Hà nội ngày nay) khi đó là quan trấn thủ Ái Châu, con rể Dương Đình Nghệ, gấp rút kéo quân ra thành Đại La, giết chết tên phản bội Kiều Công Tiễn. Tiếp đó, Ngô Quyền sai lấy cọc gỗ vót nhọn bịt sắt đóng xuống cửa sông Bạch Đằng, bố trí trận địa mai phục, dụ thủy quân Nam Hán lọt vào và tiêu diệt toàn bộ, tướng giặc Lưu Hoàng Thao bị giết chết. Nghe tin thủy quân đại bại, con bị giết, Lưu Cung khiếp sợ khóc ròng vội vã lui về Phiên Ngung, từ bỏ âm mưư xâm lược. Trận quyết chiến lược Bạch Đằng đã cứu Đại La khỏi một thảm họa. Kiều Công Tiễn bị giết là do thành Đại La không phải là nơi dung thân cho kẻ phản bội dân tộc. Chiến thắng Bạch Đằng của anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã kết thúc hơn 1.000 năm thống trị của phong kiến Trung Quốc, mở ra một thời đại mới cho lịch sử dân tộc, thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập lâu dài.

(Còn nữa)

CVL

-----------------

[1] .Hoàng Đình Long. Quật Khởi. NXB Thế Giới. H. 2008. Tr. 68, 69,70,71.

[2] .Lăng thờ Phùng Hưng nay còn ở Kim Mã, đền thờ Phùng Hưng ở Quảng Bá, Thịnh Hào,Triều Khúc, Hà Nội.

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-4-a16401.html