4 bất cập khi tồn tại đại học và trường đại học trong đại học

Một trong những bất cập nêu ra khi đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này liên quan đến quy định về tổ chức đại học có trường đại học thành viên (mô hình 2 cấp).

Sáng 15-5, tại Trường Đại học Luật TP.HCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về chính sách xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).

Tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý, giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tại TP.HCM tham gia.

Gặp khó với đại học 2 cấp

Tại đây, đại diện Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) của Bộ GD&ĐT đánh giá rằng, sau 12 năm thực thi Luật Giáo dục đại học (ban hành năm 2012) và gần 6 năm triển khai Luật sửa đổi (năm 2018), hệ thống giáo dục ĐH đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần sửa đổi.

Cụ thể, việc quản lý hệ thống cơ sở giáo dục ĐH bị phân mảnh, phức tạp và kém hiệu quả do có quá nhiều cơ quan chủ quản theo các ngành, lĩnh vực không phù hợp với lĩnh vực đào tạo của các cơ sở trực thuộc.

 Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM nêu ý kiến tại tọa đàm.

Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM nêu ý kiến tại tọa đàm.

Về tổ chức và quản trị cơ sở giáo dục ĐH, bộ nêu rõ, quy định về các đơn vị trực thuộc cơ sở giáo dục ĐH có tư cách pháp nhân gây khó khăn, phức tạp và rủi ro trong tổ chức và quản lý cơ sở.

Quy định về tổ chức đại học có trường đại học thành viên (mô hình 2 cấp) có nhiều bất cập, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ. Vì trong thực tế ở tổ chức và hoạt động của các đại học 2 cấp, mô hình tổ chức, quản trị có thêm một cấp trung gian, dễ trở nên cồng kềnh, kém hiệu quả. Quản lý nhà nước gặp khó khăn do vừa phải quản lý đại học, vừa phải quản lý các trường ĐH thành viên như những cơ sở giáo dục ĐH khác.

Cùng với đó là khó khăn trong việc phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa cấp ĐH với các trường ĐH thành viên, khi từng trường ĐH cũng được thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình như các cơ sở giáo dục ĐH khác.

Việc cạnh tranh giữa các trường ĐH thành viên trong phát triển các hướng chuyên môn, ngành đào tạo (có thể dẫn tới trùng lặp, chồng chéo), chia sẻ sử dụng tài nguyên chung, thu hút sinh viên và các nguồn lực hỗ trợ từ cấp ĐH.

Mô hình này cũng gây khó khăn trong việc xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định, đánh giá chất lượng và xếp hạng. Cho đến nay, bản thân 2 ĐH quốc gia và 3 ĐH vùng có tham gia xếp hạng, nhưng chưa được đánh giá, kiểm định chất lượng theo chuẩn cơ sở giáo dục ĐH.

 Đại biểu góp ý tại tọa đàm.

Đại biểu góp ý tại tọa đàm.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã ghi nhận và nêu ra nhiều bất cập, vướng mắc khác trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục ĐH.

Chẳng hạn như Hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục ĐH hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.

Quy định về bắt buộc kiểm định và đánh giá ngoài tất cả chương trình đào tạo gây quá tải và tốn kém cho các cơ sở giáo dục ĐH.

Bởi, thực tế hiện nay, số lượng chương trình đào tạo của toàn hệ thống giáo dục ĐH lên tới hơn 8.000 (bao gồm cả đại học, thạc sĩ và tiến sĩ), trong đó một số cơ sở lớn có tới hàng trăm chương trình đào tạo.

“Việc bắt buộc kiểm định tất cả chương trình đào tạo theo quy định của luật tạo ra sức ép lớn và chi phí tốn kém đối với các cơ sở giáo dục ĐH và gây quá tải cho hệ thống tổ chức kiểm định” - phía bộ nêu rõ.

Chưa kể, hiện nay có 17 tổ chức kiểm định được thành lập hoặc được công nhận hoạt động nhưng năng lực của mạng lưới tổ chức kiểm định và đội ngũ kiểm định viên còn hạn chế.

Về đội ngũ giảng viên, các cơ sở giáo dục ĐH gặp khó khăn, thách thức lớn trong việc cạnh tranh thu hút đội ngũ giảng viên giỏi. Nguyên nhân chính là mức thu nhập, chế độ đãi ngộ còn thấp, gặp vướng mắc và thiếu quy định về xác định chức danh giảng viên, tuổi nghỉ hưu, cơ cấu viên chức…

Về hỗ trợ người học, bộ cũng chỉ ra tỉ lệ theo học ĐH và sau ĐH ở Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, có nguyên nhân chủ yếu đến từ những hạn chế trong các chính sách hỗ trợ tài chính cho người học, như chi phí đào tạo cao, quy định về cơ chế miễn giảm học phí hiện nay chưa phù hợp với các chương trình đào tạo chất lượng cao...

Cùng với đó, chất lượng đào tạo chưa tương xứng với học phí cao. Chính sách tín dụng ưu đãi cho người học hiện nay có lãi suất vay chưa hấp dẫn, hạn mức vay còn thấp, đối tượng được vay còn hạn chế.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NTCC

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NTCC

Giảm ít nhất 50% thủ tục hành chính sau sửa đổi

Từ những thực tế bất cập nêu trên, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, nguyên nhân chính là do một số nội dung quy định của Luật Giáo dục ĐH chưa rõ, gây ra những cách hiểu khác nhau, hoặc quy định quá chi tiết không phù hợp với thực tiễn đa dạng. Một số vấn đề tồn tại từ Luật giáo dục ĐH năm 2012 chưa được xử lý triệt để khi sửa đổi năm 2018.

Cạnh đó, Luật giáo dục ĐH và các văn bản pháp luật khác chưa được hoàn thiện đồng bộ và thống nhất, dẫn tới hạn chế quyền tự chủ và năng lực hoạt động của các cơ sở đào tạo.

Do đó, Bộ GD&ĐT đề xuất, kiến nghị một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó, sửa đổi nhiều điều khoản trong Luật Giáo dục ĐH.

Cụ thể như Bộ GD&ĐT đề xuất quy định cụ thể hơn về cơ cấu tổ chức, bảo đảm tính thống nhất và linh hoạt, đa dạng của các loại hình cơ sở hoạt động giáo dục ĐH.

Đồng thời bảo đảm đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu quả, giảm cấp trung gian, tăng cường liên kết hữu cơ trong từng cơ sở ĐH; giải quyết triệt để những vấn đề bất cập trong mô hình tổ chức đại học 2 cấp, mô hình đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân hiện nay.

Đặc biệt, dự thảo luật sẽ sửa đổi quy định về quy trình kiểm định, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, tính độc lập của các tổ chức kiểm định; bổ sung các quy định liên quan đến giảng viên; định danh rõ các vị trí và bổ sung quy định về định biên chức danh giáo sư, phó giáo sư; bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư là người nước ngoài; bổ sung quy định về kéo dài thời gian công tác đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ...

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, việc sửa đổi Luật Giáo dục ĐH lần này là phù hợp với bối cảnh mới, tạo sự phát triển và phù hợp xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới. Đặc biệt, luật sửa đổi lần này sẽ giảm ít nhất 50% các thủ tục hành chính so với luật hiện hành; đảm bảo mạch lạc, dễ hiểu và tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật khác như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Nhà giáo…

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện nay, cả nước có 265 cơ sở giáo dục ĐH, bao gồm hai ĐH quốc gia, ba ĐH vùng, năm ĐH khác và 255 trường ĐH, học viện.

Phân loại theo cơ quan quản lý, cả nước có 172 cơ sở trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương, tập đoàn nhà nước và 26 cơ sở trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 67 cơ sở tư thục.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/4-bat-cap-khi-ton-tai-dai-hoc-va-truong-dai-hoc-trong-dai-hoc-post849888.html