4 cách nấu ăn gây 'thảm họa' cho sức khỏe
Chế biến thực phẩm không chỉ nhằm mang lại vị ngon cho món ăn mà còn phải đảm bảo tốt cho sức khỏe.
Gia đình tôi thường tự nấu nướng, rất ít khi mua thực phẩm chế biến sẵn về nhà. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng đều mới phát hiện mỡ máu cao. Bác sĩ cho rằng có thể do việc ăn uống không hợp lý. Xin chuyên gia tư vấn nấu ăn như thế nào để đảm bảo sức khỏe, giữ được giá trị dinh dưỡng của thực phẩm? (Thanh Xuân - 35 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội).
Lương y Đỗ Minh Tuấn - Hội Đông y Hà Nội tư vấn:
Khi nấu ăn có những thói quen nhỏ tưởng như vô hại nhưng lại là sai lầm lớn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình. Rối loạn mỡ máu do chế độ ăn uống không hợp lý hoặc sử dụng một số loại thuốc có thành phần làm tăng nồng độ triglyceride trong máu. Trong đó, chế biến thực phẩm chiếm vai trò quan trọng. Những cách nấu nướng sau có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn:
1. Nấu ăn ở nhiệt độ cao
Nhiều người thích nấu nướng ở nhiệt độ rất cao, để dầu sôi bốc khói mới cho thực phẩm vào. Khi đó, nhiệt độ dầu đã vượt quá tiêu chuẩn, thậm chí chỉ nấu trong thời gian ngắn cũng sản sinh axit béo chuyển hóa không tốt cho sức khỏe.
Hầu hết việc nấu ăn tại nhà đều sử dụng dầu thực vật. Khi dầu bốc khói, nhiệt độ đã trên 200 độ C. Càng nấu, nhiệt độ sẽ càng tăng, tạo ra càng nhiều axit béo chuyển hóa.
Bạn cần bỏ thói quen này bằng cách quan sát, khi nhúng đũa vào chảo có dầu, thấy đầu đũa sủi bọt nhỏ thì bắt đầu bỏ thực phẩm vào. Bạn có thể mua nhiệt kế đặc biệt để đo nhiệt độ dầu. Cách tốt nhất là hạn chế phương pháp nấu ăn như xào, chiên, nướng ở nhiệt độ cao.
2. Kéo dài thời gian đun nấu
Dù là xào, chiên hay nướng, hãy rút ngắn thời gian đun nóng càng nhiều càng tốt và không chiên rán lại nhiều lần ở nhiệt độ cao. Dầu càng được làm nóng thì càng bị oxy hóa nhiều và tạo ra nhiều axit béo chuyển hóa.
Với rau xanh, các chất protein dễ bị đốt cháy và biến tính do quá nóng, mất tác dụng tích cực cho sức khỏe. Các thành phần tốt của rau trong việc ngăn ngừa oxy hóa, chống ung thư cũng bị mất khi đun nóng trong thời gian dài nhất là các loại rau họ cải. Có thể chần rau trước khi nấu và cắt thịt mỏng để chín nhanh hơn, rút ngắn thời gian nấu.
3. Sử dụng lộn xộn các loại dầu
Các loại dầu khác nhau có hàm lượng axit béo không bão hòa khác nhau. Vì vậy, bạn cần sử dụng các loại dầu ăn phù hợp. Ví dụ, dầu oliu không phù hợp với chiên rán hay dầu hạt cải, hạt hướng dương và hạt lanh có tỷ lệ axit béo không bão hòa cao nên được sử dụng để hầm hoặc làm salad.
Các loại dầu đậu nành, dầu lạc và dầu ngô là những loại có axit béo tương đối ổn định, có thể dùng để nấu ăn, chiên rán.
4. Luộc tái các món thịt
Nhiều người có thói quen luộc thịt lợn hay gà tái chín vì họ cảm nhận ăn còn vị ngọt, ngon hơn. Tuy nhiên, cách làm này không tốt cho sức khỏe.
Chế biến các thực phẩm cung cấp chất đạm như thịt, cá, trứng đều phải sử dụng nhiệt độ trên 70 độ C, tốt nhất là 100 độ C để diệt khuẩn nhưng vẫn không ảnh hưởng lớn đến giá trị dinh dưỡng.
Bạn cần luộc thịt chín kỹ, đặc biệt chú ý phần thịt sát với xương không để còn màu hồng. Nếu ăn thịt tái, bạn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, các nang sán có sẵn trong thực phẩm.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/4-cach-nau-an-gay-tham-hoa-cho-suc-khoe-2366265.html