4 điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng trái phiếu xanh
Mặc dù Việt Nam đã đáp ứng được một số điều kiện, các ngân hàng vẫn chưa thể tạo ra được năng lực phù hợp để tham gia vào thị trường trái phiếu xanh, theo McKinsey.
Nghiên cứu gần đây của McKinsey cho rằng, có 4 điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng thị trường trái phiếu xanh, bao gồm nhu cầu tài trợ các dự án có lợi cho môi trường, như năng lượng tái tạo và hạ tầng xanh; bảo đảm các sản phẩm tài trợ ESG có lợi cho ngân hàng và nhà đầu tư; xây dựng một khung pháp lý; và ngân hàng đáp ứng 3 điều kiện trước để xây dựng thị trường một cách sáng tạo.
Nhu cầu tài trợ cho các dự án có lợi cho môi trường
Hiện nay, chính phủ các nước, các tổ chức và cá nhân đang ngày càng ưu tiên tính bền vững do những sự kiện thời tiết đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, và cánh cửa hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đang dần khép lại.
Điều đó cũng kích thích nhu cầu từ những người muốn tìm nguồn vốn ESG và tái tạo cho dự án của mình.
Tại Việt Nam, tài trợ dự án đã tăng trưởng từng năm, từ khoảng 3 tỷ USD năm 2018 lên 38 tỷ USD năm 2021, trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, viễn thông và nước sạch.
Nhu cầu tài trợ các dự án năng lượng tái tạo đang dẫn dắt sự tăng trưởng này, đạt hơn 10 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2018 – 2020, và 21 tỷ USD năm 2021. Các dự án điện gió cũng là phân khúc lớn nhất thúc đẩy nhu cầu trong lĩnh vực này, và điện mặt trời cũng đóng góp lớn.
Với động lực thị trường và mục tiêu năng lượng tái tạo trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu tài trợ các dự án này sẽ tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt, tác giả Sarika Chandhok, Jonathan Deffarges, Bruce Delteil, và An Nguyễn của McKinsey nhận định trong nghiên cứu gần đây.
Hơn nữa, tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, và mục tiêu công suất năng lượng tái tạo cũng đã tăng ổn định. Các dự án điện gió và điện mặt trời cũng sẽ sớm được triển khai nhằm đáp ứng được những mục tiêu này. Các dự án này sẽ cần nguồn vốn, tạo thêm cơ hội phát triển thị trường tài trợ vốn xanh.
Lợi ích của các sản phẩm tài trợ vốn ESG cho ngân hàng và nhà đầu tư
Ngân hàng và nhà đầu tư cần sự tin tưởng rằng sẽ không thể bị thất bại nếu phát triển và đầu tư vào các sản phẩm này. Đơn cử, ngân hàng sẽ không mất thu nhập từ phí nếu phát hành trái phiếu xanh, bởi trên thực tế, trái phiếu có một khoản phí nhỏ so với các sản phẩm truyền thống.
Nghiên cứu cũng cho thấy, trái phiếu xanh đạt lợi nhuận tốt hơn so với các sản phẩm truyền thống, kể cả trái phiếu địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần cẩn trọng với những yếu tố lợi thế đó, bởi thị trường biến động và cảm nhận của nhà đầu tư cũng sẽ ảnh hưởng đến phí xanh này, các nhà phân tích lưu ý.
Vì sao thị trường vốn 'hờ hững' với tài chính xanh?
Số lượng và chi phí cho nguồn lực được triển khai cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của chính ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một lợi ích về danh tiếng không liên quan đến tài chính: ngân hàng cung cấp trái phiếu xanh vì khách hàng muốn sử dụng lợi nhuận thu được cho các dự án xanh.
Các nhà phân tích của McKinsey ước tính rằng đến năm 2025, các ngân hàng Việt Nam có thể đạt 1,7 tỷ USD doanh thu từ tài trợ vốn ESG, với khoảng 90% đến từ tài chính chuyển đổi và trái phiếu xanh.
Nhóm này bao gồm doanh thu từ tài trợ dự án xanh (như tài trợ các dự án năng lượng tái tạo), và các khoản vay gắn với môi trường, và tiền chủ yếu tập trung cho các thị trường vốn gắn với ESG, M&A và tài trợ thương mại.
Xây dựng một khuôn khổ pháp lý
Năm 2015, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước tăng cường các công cụ tài chính xanh, thông qua các quy định về tài chính xanh, và đến năm 2018, đã tuyên bố tất cả các ngân hàng phải thực hiện các biện pháp nội bộ trong việc cân nhắc rủi ro môi trường trước năm 2025.
Mới đây, khung chính sách tài chính xanh đã được triển khai, yêu cầu Bộ Tài chính đưa ra các chính sách khuyến khích cho vốn xanh.
Trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chính phủ đã thúc đẩy việc rà soát “chính sách tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng không nên thực hiện độc lập nỗ lực này. Thay vào đó, nhiều tổ chức hay đơn vị trong ngành cùng hợp tác sẽ giúp thúc đẩy thị trường.
Theo đó, các ngân hàng cần phải đối thoại với các cơ quan quản lý để xác định xem các quy định mới có thể hữu ích như thế nào. Có thể thực hiện việc này bằng cách bắt đầu phát hành các sản phẩm tài chính xanh để xem quy định đã đủ chưa, hay cần cải thiện điều gì.
Tạo dựng thị trường trái phiếu xanh
Các bên vay và nhà đầu tư đang hy vọng có thể sử dụng nguồn vốn xanh, hoặc ít nhất cũng ngày càng bị hấp dẫn. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển các sản phẩm và dự án trái phiếu xanh.
Hiện tại, số lượng công cụ tài chính xanh và mức độ phát triển còn thấp. Một cuộc khảo sát gần đây từ Viện Phát triển xanh toàn cầu (GGGI) cho thấy, 40% các ngân hàng Việt Nam không có dự án đầu tư xanh trong danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, vẫn có thể nhanh chóng nắm bắt được cơ hội này.
Chẳng hạn như tại Indonesia, Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính đã ban hành các quy định về phát hành và thời hạn trái phiếu xanh trong năm 2017 và 2018. Thị trường có đủ nhu cầu đối với các sản phẩm tài chính xanh, khiến các ngân hàng phải hành động.
Với sự giúp đỡ của IFC, trong vòng vài tháng, Ngân hàng OCBC NISP đã trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên trên cả nước tham gia phát hành trái phiếu xanh. IFC cũng cung cấp bí quyết và ngân sách phù hợp để giúp OCBC NISP thực hiện những bước đi đầu tiên. Điều đó đã giúp kích thích thị trường trong nước.
8 ngân hàng đứng đầu của Indonesia trong năm 2018 đã khởi xướng Sáng kiến tài chính bền vững. Citibank, HSBC, Ngân hàng Hồi giáo Dubai, và Standard Chartered sau đó đã phát hành trái phiếu xanh.
Đến năm 2021, nửa ngành ngân hàng nước này đã cam kết tăng cường tài trợ cho các dự án xanh. Những ngân hàng hành động sớm đã chiếm 4/5 nhóm các ngân hàng đầu ngành về trái phiếu xanh tại Indonesia.