4 điều kiêng, 5 điều không nên cầu khi đi lễ chùa Rằm tháng Giêng
Đi chùa đầu năm, đặc biệt là lễ chùa ngày rằm tháng Giêng là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt, nhưng đi lễ thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết.
Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt, gắn liền với tín ngưỡng tâm linh và truyền thống văn hóa lâu đời. Cứ vào ngày 14 - 15 tháng Giêng hằng năm, người dân Việt Nam đều dâng hương, dâng hoa, đến chùa chiêm bái, cầu nguyện cho một năm mới an vui, sung túc và hạnh phúc. Đi chùa ngày rằm tháng Giêng không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là một nét đẹp truyền thống, một hành trình trở về với cội nguồn, với những giá trị tốt đẹp đã tồn tại bao đời nay.
4 điều kiêng kỵ khi đi chùa ngày rằm tháng Giêng
Hạn chế thắp hương trong chùa
Nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài, hạn chế thắp hương bên trong chùa, vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí. Khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chếch sang một bên. Không đứng hoặc quỳ chính giữa Phật đường lễ Phật, nên quỳ lễ chếch sang bên một chút.
![Ảnh minh họa/Nguồn: Internet](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_251_51452489/f78e0424326adb34827b.jpg)
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Cúng đồ ăn mặn
Trong suy nghĩ của một số người, mâm cúng rằm tháng Giêng càng thịnh soạn càng chứng tỏ lòng thành dâng lên Đức Phật nên họ dâng cả gà, lợn,… lên ban thờ trong chùa. Thế nhưng, hành động này đã vô tình phạm vào những điều cấm kỵ.
Theo quan điểm truyền thống của đạo Phật, đã vào chùa thì chỉ được cúng đồ chay như hương, hoa quả tươi, oản, xôi chè., tuyệt đối không được mang đồ mặn.
Dâng lễ mặn cúng rằm tháng Giêng chỉ được áp dụng trong trường hợp đền chùa đó có các vị Thánh, Mẫu, Thành Hoàng,… Các vị này thường an tọa ở các khu ngoài chính điện. Lễ mặn có thể dâng gồm gà, giò, chả, rượu, trầu cau.
Ngoài ra, trong giới cấm của nhà Phật có rượu và thuốc lá. Vì vậy, trong lễ vật dâng lên ban thờ trong chùa không được có những món đồ "cấm kỵ" này.
Không tự ý lấy đồ trong chùa
Không tự ý lấy sử dụng hoặc mang bất kỳ loại đồ đạc gì của nhà chùa về làm của riêng. Theo quan niệm truyền thống, những hành vi như vậy gọi là “đạo dụng thập phương thường trụ” (trộm dùng đồ lễ của chúng sinh cúng dường). Phật điển ghi rõ, “nhân nhỏ, quả lớn”, thành tâm cúng dường, lễ dù nhỏ nhưng phúc báo lớn lao. Ngược lại, trộm của chùa, vật tuy sơ sài nhưng quả báo không gánh hết.
Vào chùa nhưng không giữ cho tâm tịnh
Khi đi chùa ngày rằm tháng Giêng, người đi lễ không nên “tham, sân, si”, cầu xin tiền tài. Trong đạo lý nhà Phật có dạy rất rõ, cần tránh xa lòng tham và sự mê đắm vật chất, cần phải buôn bán làm ăn chân chính ngay thẳng. Cho nên, đi lễ chùa ngày rằm tháng Giêng vốn chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người, cầu sức khỏe và sự bình an cho chính bản thân.
5 điều không nên cầu khi đi chùa ngày rằm tháng Giêng
Cầu duyên
Theo giáo lý nhà Phật, duyên phận là thứ không thế cưỡng cầu. Duyên ở đây không đơn giản chỉ chuyện tình duyên nam nữ mà còn có thể là duyên cha mẹ, duyên con cái.
Đức Phật luôn hướng con người ta buông bỏ, giải thoát khỏi bể khổ, hướng tới những điều an lạc trong cuộc sống. Khi duyên chưa đến, có cầu xin, cưỡng ép cũng không được.
Cầu tài lộc, danh lợi
Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che trở cho con người chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi đi lễ chùa rằm tháng Giêng không nên hướng về Đức Phật mà cầu xin tài lộc, danh lợi cho mình.
Cầu lợi ích cho bản thân
Theo quan niệm nhà Phật, chuyện gì cũng mong lợi ích cho mình thì thiệt thòi sẽ do người khác gánh, phúc đức cũng khó giữ. Phải luôn có suy nghĩ không thiệt hơn, giữ gìn lợi ích cho mình thì mới mong an yên một đời.
Cầu người khác giúp mình
Khi đi lễ chùa rằm tháng Giêng, không nên cầu gặp được quý nhân, có người giúp mình vượt qua kiếp nạn. Mong được người khác giúp chính là dễ phụ thuộc và không tự sức đi qua khó khăn. Thêm nữa, người mong được giúp đỡ sẽ dễ sinh khổ trong lòng vì luôn phải nghĩ chuyện mang ơn.
Cầu được báo đáp, đền ơn
Không nên giúp người khác chỉ vì mong muốn họ báo đáp mình vì như thế, tâm đức giúp đời giúp người đã bị vấy bẩn. Có ý muốn người khác hồi đáp thì việc thiện không còn mang đúng ý nghĩa. Chỉ có buông bỏ sự được mất mới có thể an nhiên tự tại.