4 giai đoạn phát triển của sỏi thận
Một viên sỏi thận trải qua 4 giai đoạn gồm hình thành, di chuyển khỏi thận, gây áp lực lên bàng quang và thoát ra ngoài.
Một viên sỏi thận trải qua 4 giai đoạn gồm hình thành, di chuyển khỏi thận, gây áp lực lên bàng quang và thoát ra ngoài.
Thận làm việc chăm chỉ để loại bỏ chất lỏng và chất thải ra khỏi cơ thể. Trong quá trình hoạt động, đôi khi việc thận loại bỏ không sạch chất thải là nguyên nhân hình thành sỏi thận trong đường tiết niệu. Sỏi thận đa số không được chú ý đến cho tới khi gây đau đớn và ảnh hưởng cuộc sống người bệnh.
Sỏi thận hình thành ở người ăn quá mặn, lạm dụng muối. Ngoài ra, những người có chế độ ăn giàu protein, muối và đường chế biến, uống ít nước, người bị bệnh thận, có mức độ cao một số khoáng chất, bao gồm cystine, oxalate, axit uric và canxi cũng là đối tượng dễ mắc sỏi thận.
Trong trường hợp viên sỏi nhỏ, nó có thể đi vào nước tiểu và thoát ra ngoài. Những viên sỏi thận lớn hơn thường gây ra các triệu chứng như đau lưng hoặc đau bụng dữ dội, cơn đau thường ở một bên và phát triển đột ngột, cần đi tiểu gấp, đau khi đi tiểu, tiểu ra máu, nôn mửa thậm chí sốt và ớn lạnh. Khi sỏi thận di chuyển trong cơ thể, chúng có thể gây ra những cơn đau dữ dội hơn.
Sỏi thận có kích thước lớn, nằm lâu trong thận sẽ gây nhiễm trùng, khiến chức năng thận suy giảm theo thời gian. Ảnh:BVĐK Tâm Anh
Một viên sỏi thận thường trải qua 4 giai đoạn kể từ lúc phát triển và di chuyển tự nhiên.
Giai đoạn hình thành: Sỏi thận phát triển khi nước tiểu cô đặc do cơ thể thiếu nước, dẫn tới hình thành các tinh thể. Quá trình tạo ra sỏi thận người bệnh không gặp phải đau đớn nhưng khi cơ thể cố gắng loại bỏ sỏi cơn đau dữ dội sẽ xuất hiện.
Giai đoạn sỏi rời thận: giai đoạn thứ hai là khi sỏi thận đã đi vào niệu quản, ống kết nối thận với bàng quang. Theo thời gian, sỏi lớn dần lên xuất hiện các cạnh sắc bén gây tổn thương bề mặt thận, khiến người bệnh phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe. Ở giai đoạn này cơn đau có thể đến từng đợt khi niệu quản bị co thắt do cố gắng đưa viên sỏi đến bàng quang.
Giai đoạn áp lực bàng quang: Sỏi không ngừng di chuyển theo dòng chảy của nước tiểu. Vì vậy, nhiều trường hợp sỏi sẽ không tồn tại lâu trong thận mà sẽ di chuyển xuống niệu quản, bàng quang. Khi sỏi đến bàng quang, áp lực sẽ tăng lên và khiến người bị sỏi thận thường xuyên muốn đi tiểu. Ở giai đoạn này người bị sỏi thận có thể bị đau buốt ở lưng, buốt khi đi tiểu thậm chí tiểu ra máu.
Giai đoạn thoát ra ngoài: Với những trường hợp sỏi nhỏ, khi người bị sỏi thận đi tiểu, sỏi thận có thể được đẩy ra khỏi bàng quang và kết thúc quá trình này. Thường có rất ít hoặc không có cơn đau liên quan đến giai đoạn cuối cùng này. Tuy nhiên với những người có sỏi to, để loại bỏ sỏi phải cần đến sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa thông qua các phương pháp như tán sỏi, uống thuốc...
Với những viên sỏi kích thước nhỏ hơn 4mm, 4 giai đoạn trên thường kéo dài từ 1-2 tuần. Đối với những viên sỏi lớn hơn, có thể mất từ 4-6 tuần để hình thành rồi thoát ra ngoài.
Người bị sỏi thận thường được bác sĩ khuyên uống nhiều nước để tống sỏi ra ngoài hoặc được kê đơn thuốc giảm đau khi cần thiết. Nếu sỏi lớn, các bác sĩ sẽ can thiệp vào giai đoạn 4 để đưa sỏi ra ngoài nhanh nhất có thể.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/suc-khoe/tu-van/4-giai-doan-phat-trien-cua-soi-than-64095.html