4 người nhập viện sau khi ăn bánh canh cá lóc và uống rượu
Ăn bánh canh cá lóc và uống rượu, 4 người nhập viện, một trường hợp nguy kịch.
Thông tin từ Sở Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu, 18h40 ngày 21/12, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp nhận thông tin 4 người nhập Bệnh viện Vũng Tàu nghi ngộ độc rượu.
Theo đó, 18h ngày 19/12, 6 người đến ăn tại quán Bánh canh cá lóc Quảng Trị, địa chỉ 882, hẻm 880 đường 30/4 (Phường 11, TP Vũng Tàu). Trong lúc ăn, 6 người uống hết 4 chai rượu, dung tích 500ml/chai.
Sau khi uống, 6 người về nhà, say, mệt dần, không ói. Tuy nhiên, ngày 20/12, 4 trong 6 người xuất hiện nhiều triệu chứng, phải nhập Bệnh viện Vũng Tàu điều trị.
Cụ thể, 4 bệnh nhân gồm: N.N.V (24 tuổi), K.Sai (24 tuổi), K.Sưng (32 tuổi), N.A.V (54 tuổi), cùng ngụ tại 850 đường 30/4 (Phường 11, TP Vũng Tàu). 17h ngày 21/12, 4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi,đau bụng.
Sau khi lọc máu liên tục, pH của 3 bệnh nhân về mức bình thường, theo dõi thêm. Riêng bệnh nhân một trường hợp tiên lượng rất xấu, HA tụt, tăng sử dụng thuốc vận mạch để nâng HA.
Liên quan đến vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ đạo Bệnh viện Vũng Tàu tập trung nguồn lực, tích cực điều trị. Trong trường hợp cần thiết, có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, Cục đề nghị tạm đình chỉ hoạt động cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc. Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc thực phẩm, sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc; Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định (nếu có);
Phối hợp với các cơ quan chức năng ngành Công thương trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; Chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt các cơ sở nấu rượu thủ công.
Ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm.
Không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ; hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và đảm bảo an toàn khi chọn lựa, sử dụng rượu.