Cắt quá nhiều protein để giảm cân, cơ thể sẽ có 9 dấu hiệu 'cầu cứu', cần điều chỉnh ngay

Nhịn ăn quá mức để giảm cân, nhiều người có xu hướng cắt giảm lượng lớn protein. Tuy nhiên, thiếu protein có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Các dấu hiệu thiếu protein cho thấy bạn đang có chế độ ăn uống kém lành mạnh và cân bằng, trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ do bệnh tật cần kiểm soát chặt chẽ lượng protein tiêu thụ.

Cơ thể cần bao nhiêu protein mỗi ngày? Theo WebMD, bạn nên nhận được tối thiểu 10% lượng calo hàng ngày từ protein (chất đạm), tùy từng độ tuổi, cân nặng và giới tính khác nhau thì nhu cầu protein sẽ có sự chênh lệch.

Nhưng nhìn chung, chất dinh dưỡng đa lượng này là thành phần chính của tế bào và cung cấp các axit amin có vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng cơ thể như xây dựng cơ bắp, chức năng da, xương, sụn và hỗ trợ tiêu hóa bằng cách sản xuất các enzyme giúp phân hủy thức ăn thành các phân tử cho nhiều chức năng của cơ thể.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có chế độ ăn không đủ protein?

Theo Healthline, khi cơ thể thiếu protein sẽ có các biểu hiện thiếu protein như sau:

1. Yếu ớt và mệt mỏi hơn

Protein là nguồn năng lượng quan trọng, vì vậy khi thiếu protein, một người có thể cảm thấy cơ thể trở nên yếu ớt và kiệt sức một cách bất thường - về mặt tinh thần, thể chất hoặc cả hai.

Theo WebMD, nghiên cứu cho thấy chỉ một tuần không ăn đủ protein có thể ảnh hưởng đến các cơ chịu trách nhiệm cho duy trì tư thế và chuyển động của bạn, đặc biệt là nếu là ở người 55 tuổi trở lên, bao gồm giảm sức mạnh, khó khăn để giữ thăng bằng hơn và làm chậm quá trình trao đổi chất.

Protein là nguồn năng lượng quan trọng, vì vậy khi thiếu protein, một người có thể cảm thấy cơ thể trở nên yếu ớt và kiệt sức một cách bất thường (Ảnh: ST)

Protein là nguồn năng lượng quan trọng, vì vậy khi thiếu protein, một người có thể cảm thấy cơ thể trở nên yếu ớt và kiệt sức một cách bất thường (Ảnh: ST)

Và điều này có thể dẫn tới hội chứng suy mòn Cachexia. Đây là hội chứng được đặc trưng bởi sự suy giảm liên tục của khối lượng cơ xương (có thể hoặc không đi kèm tình trạng mất khối lượng mỡ) do chế độ ăn thiếu protein (và calo) hay trong các tình trạng sức khỏe gồm suy tim mãn tính, bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh ung thư hay AIDS,

2. Các vấn đề với da, tóc và móng

Tóc, móng và da của chúng ta được tạo thành từ các protein như elastin, collagen và keratin. Tóc khô hơn, mỏng hơn và móng tay cũng bị giòn và dễ gãy hơn, mọc chậm hơn cũng có thể là dấu hiệu thiếu protein cần chú ý. Thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng, tóc của người bị thiếu protein có thể mất dần sắc tố, tóc xoăn tự nhiên sẽ trở thành tóc thẳng.

Bên cạnh đó, khi cơ thể thiếu protein da cũng trở nên mỏng hơn và thường xuyên bị bong tróc da. Tất nhiên, chế độ ăn uống của bạn không phải là nguyên nhân duy nhất có thể khiến tóc, móng và da thay đổi nhưng hãy cân nhắc xem xét lại chế độ ăn khi cơ thể có các triệu chứng này.

3. Thay đổi tâm trạng thất thường

Biểu hiện thiếu protein khác là sự thay đổi thất thường của tâm trạng do cơ thể thiếu hụt protein dẫn tới giảm các chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng điều chỉnh tâm trạng của não như serotonin và norepinephrin. Từ đó góp phần gây ra các rối loạn tâm trạng như trầm cảm hoặc với mức dopamine và serotonin thấp, bạn có thể cảm thấy chán nản hoặc quá tăng động.

Biểu hiện thiếu protein khác là sự thay đổi thất thường của tâm trạng (Ảnh: ST)

Biểu hiện thiếu protein khác là sự thay đổi thất thường của tâm trạng (Ảnh: ST)

Triệu chứng trầm cảm ở mỗi người có thể khác nhau nhưng nhìn chung, nếu bị trầm cảm bạn có thể cảm thấy buồn, cáu kỉnh hoặc đôi khi là tuyệt vọng; mất hứng thú với các sở thích trước đó; ăn nhiều hơn hoặc chán ăn; ngủ ít hơn hoặc ngủ nhiều hơn; hay cảm thấy bồn chồn; kém tập trung, gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định dù nhỏ; thậm chí thường xuyên nghĩ tới cái chết.

4. Phù nề là dấu hiệu thiếu protein phổ biến

Suy dinh dưỡng thể phù (bệnh kwashiorkor) phổ biến khi thiếu protein ở trẻ em, gây ra lượng albumin thấp và chất lỏng rò rỉ khỏi máu vào các mô xung quanh. Albumin có tác dụng giúp giữ chất lỏng bên trong mạch máu. Thiếu albumin có thể khiến cơ thể khó cân bằng chất lỏng trong mạch máu, dẫn đến tích tụ chất lỏng trong các mô cơ thể. Cơ thể cố gắng giữ nhiều nước và natri hơn, từ đó gây ra hiện tượng sưng phù.

Bệnh khiến trẻ có khuôn mặt tròn trịa nhưng trái lại tay chân lại khẳng khiu, trương lực cơ yếu và da tóc có biểu hiện của rối loạn sắc tố và bong tróc. Trong những trường hợp bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, trẻ ngoài phù nề mặt mặt còn phù nề toàn thân, bị tràn dịch màng bụng, màng tinh hoàn ở trẻ trai; trẻ có biểu hiện thiếu máu, gan sưng to.

Phù nề là dấu hiệu thiếu protein phổ biến (Ảnh: ST)

Phù nề là dấu hiệu thiếu protein phổ biến (Ảnh: ST)

Ngoài ra phù nề cũng có thể là triệu chứng của hội chứng thận hư, trong đó người bệnh mất nồng độ albumin cao trong nước tiểu. Với hội chứng thận hư, tình trạng sưng thường nổi rõ quanh mắt trước khi lan xuống cơ thể đến chân và mắt cá chân. Các triệu chứng hội chứng thận hư khác liên quan đến mất protein bao gồm tăng cân do giữ nước quá mức và dễ bị nhiễm trùng hơn.

5. Giảm khả năng miễn dịch

Dấu hiệu thiếu protein còn biểu hiện ở khả năng miễn dịch suy giảm. Nói cách khác, khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ làm suy yếu sức đề kháng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm dạ dày ruột.

Điều này được giải thích là do thiếu protein khiến cơ thể giảm khả năng sản xuất kháng thể và cytokine của cơ thể - từ đó cơ thể gặp khó khăn trong việc chống lại các tác nhân như virus, vi khuẩn từ bên ngoài cũng như giảm tốc độ hồi phục vết thương.

Những người bị thiếu protein thường thấy vết cắt và vết trầy xước của họ mất nhiều thời gian hơn để lành lại. Điều tương tự cũng đúng với tình trạng bong gân và các tai nạn liên quan đến tập thể dục khác - nguyên nhân có thể do cơ thể không sản xuất đủ collagen để phục vụ cho quá trình làm lành vết thương.

6. Mật độ khoáng xương giảm, xương giòn và dễ gãy hơn

Tưởng chừng mật độ khoáng xương giảm chỉ liên quan tới loãng xương do tuổi tác nhưng ít ai biết chế độ ăn thiếu hụt protein cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng có thể dẫn tới bệnh này, làm suy giảm mật độ khoáng xương tự nhiên, khiến xương dễ gãy hơn, xương giòn hơn.

Mật độ khoáng xương giảm, xương giòn và dễ gãy hơn nếu thiếu protein (Ảnh: ST)

Mật độ khoáng xương giảm, xương giòn và dễ gãy hơn nếu thiếu protein (Ảnh: ST)

Ngoài tuổi tác và do chế độ ăn ít protein thì loãng xương cũng có thể xảy ra do lượng vitamin D và canxi thấp, thay đổi hormon, lối sống ít vận động và một số tình trạng bệnh xương khớp nhất định như bệnh viêm khớp dạng thấp.

7. Trẻ chậm phát triển

Thiếu protein ở trẻ em ngoài biểu hiện bệnh kwashiorkor thì cũng có thể gặp ở suy dinh dưỡng thể marasmus (suy dinh dưỡng thể teo đét) có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trong đó, các chuyên gia tin rằng việc không bổ sung đủ 9 loại axit amin thiết yếu trong protein có thể làm gián đoạn các quá trình trao đổi chất liên quan đến việc phát triển chiều cao, cân nặng và chậm phát triển tổng thể.

Trẻ mắc hội chứng suy dinh dưỡng thể teo đét thường có các triệu chứng gồm: Mất cơ bắp và mỡ dưới da khiến cơ thể trẻ trơ xương, cầu mắt nhìn lồi hẳn ra khiến mặt trẻ trông già hơn và mất cân đối đầu - thân nghiêm trọng; da khô hơn, tóc dễ rụng và xơ xác; cân nặng thấp hơn ít nhất 20% so với tiêu chuẩn cân nặng theo độ tuổi của WHO; thường xuyên bị tiêu chảy; thiếu máu; thị lực kém; nhịp tim chậm; huyết áp thấp; chậm phát triển trí tuệ.

8. Gan nhiễm mỡ

Gan thực hiện một số chức năng quan trọng, chẳng hạn như lọc máu, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, loại bỏ chất thải và sản xuất nhiều chất khác nhau như mật, protein và cholesterol. Khi một người bị gan nhiễm mỡ, chất béo được gọi là triglyceride tích tụ bất thường bên trong tế bào gan, làm gan to ra.

Có nhiều nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ (Ảnh: ST)

Có nhiều nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ (Ảnh: ST)

Có nhiều nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ, chẳng hạn như uống nhiều rượu và béo phì. Chế độ ăn thiếu protein cũng là một nguyên nhân khác, mặc dù ít phổ biến hơn. Gan nhiễm mỡ do thiếu protein phát triển khi gan của một người không thể sản xuất ra các protein đặc biệt (còn được gọi là lipoprotein) cần thiết để giúp vận chuyển triglyceride ra khỏi gan.

Các triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ thường không có nhưng nếu có thì các triệu chứng gan nhiễm mỡ có thể bao gồm cảm giác khó chịu nhẹ ở dạ dày hoặc mệt mỏi.

9. Thay đổi cân nặng

Phản ứng đầu tiên của cơ thể khi bị thiếu protein nghiêm trọng là giảm tốc độ trao đổi chất và phá vỡ mô mỡ để lấy năng lượng. Sau đó, khi tất cả các mô mỡ đã bị phá vỡ, cơ thể sẽ lấy protein để tạo năng lượng bằng cách phá vỡ các cơ và các cơ quan nội tạng, cụ thể là gan và ruột, tiếp theo là tim và thận.

Việc mất mỡ, cơ và trọng lượng nội tạng gây ra tình trạng sụt cân đáng kể. Đói, trong đó thiếu protein và tất cả các chất dinh dưỡng khác có thể gây sụt cân 50% trở lên ở trẻ em. Ngoài ra, tăng cân do thiếu protein thường gặp ở hội chứng thận hư do tình trạng giữ nước.

Vậy thiếu chất đạm nên ăn gì?

Cố gắng bổ sung protein vào mỗi bữa ăn và bữa ăn nhẹ để đảm bảo cơ thể bạn nhận được đủ các axit amin thiết yếu, tránh gặp phải các dấu hiệu thiếu protein. Hầu hết các nguồn protein động vật đều "hoàn chỉnh" vì chúng chứa tất cả 9 loại axit amin thiết yếu với lượng mà cơ thể cần. Chỉ một số protein có nguồn gốc thực vật là "hoàn chỉnh", chẳng hạn như kiều mạch, hạt gai dầu, hạt diêm mạch và đậu nành.

Vậy thiếu chất đạm nên ăn gì? Ảnh: ST

Vậy thiếu chất đạm nên ăn gì? Ảnh: ST

Theo đó, có hai loại protein trong chế độ ăn uống mà bạn nên bổ sung bao gồm:

- Protein có nguồn gốc từ động vật như thịt (ví dụ: Thịt gà, thịt bò, thịt lợn và gà tây), cá (ví dụ: Cá hồi, cá thu và cá ngừ) và các sản phẩm từ sữa (ví dụ: Trứng, sữa, pho mát và sữa chua Hy Lạp).

- Protein có nguồn gốc thực vật như đậu nành, đậu Hà Lan, đậu lăng, hạt diêm mạch, các loại hạt, quả hạch và các sản phẩm từ đậu nành (ví dụ như đậu phụ và tempeh).

Nhìn chung, nếu bạn cho thấy bản thân đang có các dấu hiệu thiếu protein, hãy thăm khám bác sĩ để được làm các kiểm tra đánh giá cần thiết. Không tự ý bổ sung protein bằng thực phẩm chức năng nếu không có chỉ định của bác sĩ, tránh các rủi ro sức khỏe nghiêm trọng do thừa protein gây ra.

Nguồn: WebMD, Healthline

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cat-giam-qua-nhieu-protein-de-giam-can-co-the-se-co-9-dau-hieu-cau-cuu-nay-can-dieu-chinh-ngay-20241222213011145.htm