4 thị trường xuất khẩu gần 100 tỷ USD của Việt Nam
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ nước ta có quan hệ ngoại thương, có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trở lên gồm: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. 4 thị trường này chiếm đến 57,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm.
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 7, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng và tên tuổi các thị trường không thay đổi, nhưng kim ngạch ở từng thị trường đều tăng lên đáng kể.
Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 66,9 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái chiếm 30,8% kim ngạch cả nước. Trung Quốc đứng thứ hai với 30 tỷ USD, tăng 5,3%; Hàn Quốc giữ vị trí thứ ba với 14,2 tỷ USD, tăng 16,8%; Nhật Bản xếp thứ tư với 13,44 tỷ USD, tăng 13,4%.
Như vậy, chỉ trong 7 tháng đầu năm, riêng 4 thị trường chủ lực đạt tổng kim ngạch 97,54 tỷ USD, chiếm đến 57,35%. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu như: Điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 8,04 tỷ USD, tăng 54,6%; sang thị trường Trung Quốc đạt trị 7,35 tỷ USD, tăng 11,9%; sang Hàn Quốc đạt 3,17 tỷ USD, tăng 22,4%... so với cùng kỳ năm trước.
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 8,62 tỷ USD, tăng 27,1%; sang thị trường Trung Quốc đạt 6,65 tỷ USD, tăng 12,6%; sang Hàn Quốc đạt 2,07 tỷ USD, giảm 2,5%... Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 11,35 tỷ USD, tăng 26,8%; sang Trung Quốc đạt 1,86 tỷ USD, tăng 32,4%; sang Hàn Quốc đạt 1,65 tỷ USD, tăng 26,9%... Dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 11,14 tỷ USD, tăng 21,3%; sang Nhật Bản đạt 2,06 tỷ USD, tăng 11,9%; sang Hàn Quốc đạt 1,68 tỷ USD, tăng 12,9%.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 464,13 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 232,76 tỷ USD, tăng 17,67% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng gần 35 tỷ USD); nhập khẩu đạt 231,37 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ (tương đương tăng 14,1 tỷ USD).
Riêng nửa đầu tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 30 tỷ USD. Cán cân thương mại trong nửa đầu tháng 8 ghi nhận thâm hụt hơn 100 triệu USD, tuy nhiên tính chung từ đầu năm đến 15/8, cả nước vẫn xuất siêu 1,39 tỷ USD.
Điều này cho thấy toàn bộ các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều có sự hiện diện ở những thị trường quan trọng kể trên. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 8 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỉ lệ cao nhất, tới 89%.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước tính gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tất cả các nhóm hàng hóa tháng 8.2022 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.