4 thực phẩm chức năng không nên dùng quá nhiều
Trang Business Insider dẫn lời Giáo sư Rob Chilcott - Trưởng khoa Độc chất học tại Đại học Hertfordshire chỉ ra tác dụng phụ khi sử dụng quá nhiều 4 loại thực phẩm chức năng phổ biến hàng đầu.
Thực phẩm chức năng không hề xa lạ với xã hội hiện đại. Chúng được xem như nguồn cung cấp vi chất an toàn và tiện lợi trong cuộc sống bận rộn ngày nay.
Tuy nhiên, Giáo sư Chilcott cảnh báo rằng ngay cả thực phẩm chức năng phổ biến nhất cũng có thể trở nên nguy hiểm nếu dùng quá nhiều hoặc tương tác với thuốc. Hơn nữa không loại trừ nguy cơ chúng bị nhiễm bẩn hoặc chứa chất không ghi trên bao bì. Một nghiên cứu năm 2023 ghi nhận 89% trong số 57 loại thực phẩm bổ sung được kiểm tra không liệt kê đầy đủ thành phần.
Ma giê
Ma giê cần thiết cho chức năng cơ, thần kinh cũng như giúp kiểm soát đường huyết. Lượng được khuyến nghị hằng ngày cho người trưởng thành là từ 310 - 420mg tùy theo độ tuổi và giới tính.
Theo Giáo sư Chilcott, Văn phòng Nghiên cứu thực phẩm chức năng thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (ODS) khuyến cáo rằng người hấp thụ hơn 1.500mg/ngày sẽ thấy buồn ngủ, phản xạ kém đi, mặt đỏ bừng. Trường hợp nghiêm trọng có thể bị liệt và tử vong.
Hấp thụ quá nhiều ma giê còn làm hạ canxi trong máu dẫn đến tâm trạng thất thường, co giật, rối loạn nhịp tim, Trung tâm Y tế Cleveland cho biết. Giáo sư Chilcott lưu ý người có chức năng thận kém hoặc suy giáp đối mặt với nguy cơ quá liều ma giê cao hơn so với người khác.
Vitamin C
Vitamin giúp hệ miễn dịch hoạt động cũng như giúp cơ thể hấp thụ chất sắt. Mọi người thường nghĩ loại vitamin này an toàn, hiếm khi có trường hợp hấp thụ quá nhiều. Người trưởng thành nên hấp thụ 75 đến 90mg/ngày. Chỉ khi hấp thụ hơn 2.000mg/ngày - tương đương 28 trái cam hoặc 21 quả ớt chuông thì mới bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Giáo sư Chilcott cho biết hấp thụ hơn 2.000mg vitamin có thể gây mệt mỏi, gây thiếu hụt vitamin B12 và vấn đề về thận. Người mắc bệnh gút, xơ gan cùng một số bệnh về thận nên tránh dùng vitamin C liều cao.
Vitamin D
Cơ thể cần vitamin D để duy trì hoạt động của hệ miễn dịch, cơ bắp lẫn dây thần kinh. Chất này cũng giúp xương chắc khỏe. ODS khuyến nghị nên hấp thụ 15 microgram/ngày, không quá 100mcg (khoảng 13 quả trứng). Họ cũng cho biết tác dụng phụ sẽ không xảy ra nếu dùng ít hơn 250mcg.
Theo Giáo sư Chilcott, hấp thụ quá nhiều vitamin D vô cùng nguy hiểm vì nó làm tăng lượng canxi trong máu, có thể dẫn đến viêm kết mạc, đau, sốt, ớn lạnh, nôn mửa và sụt cân.
Tình trạng chính khiến nguy cơ ngộ độc vitamin D tăng là bệnh thận. Trang Business Insider vào tháng 2 từng đưa tin về một trường hợp tử vong do ngộ độc vitamin D tại Anh.
Dầu cá
Theo ODS, axit béo omega-3 có trong thực phẩm, nhất là cá, rất quan trọng với các tế bào, lẫn chức năng tim, mạch máu, phổi, hệ miễn dịch, hệ nội tiết. Cơ quan Quản lý thực phẩm, dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị hấp thụ 2 gam dầu cá mỗi ngày vẫn an toàn.
Giáo sư Chilcott cho biết nguy cơ chính liên quan đến dầu cá là chất ô nhiễm mà cá hấp thụ lúc còn sống, chẳng hạn thủy ngân, chì, cadmium.
Methyl thủy ngân (một kim loại nặng) thường được loại bỏ trong quá trình chế biến dầu cá. Một nghiên cứu năm 2021 cũng không ghi nhận asen, cadmium, đồng, sắt hay thủy ngân ở số mặt hàng được kiểm nghiệm, nhưng lại phát hiện có chì.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/4-thuc-pham-chuc-nang-khong-nen-dung-qua-nhieu-216253.html