40% số tỉnh, thành ở miền Bắc có chỉ số ô nhiễm không khí vượt chuẩn
Theo báo cáo hiện trạng bụi mịn PM2.5, 40% số tỉnh thành miền Bắc có chỉ số ô nhiễm không khí vượt chuẩn là áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách.
Lần đầu tiên xây dựng báo cáo hiện trạng bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam
Sáng 1/12, tại hội thảo "Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 và Ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giám sát ô nhiễm và nghiên cứu", lần đầu tiên, báo cáo hiện trạng bụi mịn PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019 - 2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn do các nhà khoa học của Trường Đại học Công nghệ, Đại Học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP.HCM, Viện Công nghệ châu Á Thái Lan phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng vừa được hoàn thành.
Từ dữ liệu tổng hợp và phân tích từ trạm tiêu chuẩn, thiết bị cảm biến tới dữ liệu vệ tinh, bức tranh ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 ở 63 tỉnh thành được nhìn nhận một cách đầy đủ hơn. Cụ thể là bản đồ phân bố nồng độ bụi PM2.5, số liệu lượng bụi PM2.5 thu thập từ trạm quan trắc tiêu chuẩn và trạm cảm biến. Số liệu về nồng độ bụi trên phạm vi toàn quốc và theo từng tỉnh (không gian) và diễn biến nồng độ bụi theo từng tháng và từng năm.
Các chất gây ô nhiễm không khí bao gồm bụi và các chất ô nhiễm dạng khí. Trong đó PM2.5 là bụi có đường kính khí động học 2,5 µm (tương đương bằng 1/30 đường kính sợi tóc) được xem là kẻ giết người thầm lặng nguy hiểm nhất hiện nay. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Việt Nam chủ yếu được quyết định bởi nồng độ bụi PM2.5.
Hà Nội là thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất cả nước
Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố báo cáo về hiện trạng bụi PM2.5 của 63 tỉnh/thành năm 2019-2020. Đây là báo cáo đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trên phạm vi toàn quốc, sử dụng mô hình học máy thống kê ảnh hưởng hỗn hợp, kết hợp với ảnh vệ tinh để đo chất lượng không khí cả ở những điểm không có trạm đo.
TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trường Đại học Công nghệ - thành viên nhóm cho biết, báo cáo được sử dụng dữ liệu đa nguồn. Kết quả cho thấy năm 2020, Hà Nội là thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất.
Quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT quy định, nồng độ bụi mịn trung bình năm là 25 μg/m3. Tuy nhiên cả hai năm 2019-2020 Hà Nội đều vượt, trong đó có đến 29/30 quận, huyện và thị xã ở Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 ở mức cao.
Trong 12 quận nội thành, nồng độ bụi dao động trong khoảng từ 31,5 μg/m3 đến 32,9 μg/m3, cao nhất tại quận Hai Bà Trưng (32,9 μg/m3) và thấp nhất là Hà Đông (31,5 μg/m3).
Trên phạm vi toàn quốc, dữ liệu cho thấy năm 2020 miền Bắc có 10/25 tỉnh, thành phố (chiếm 40%) có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia, gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc.
Miền Trung và miền Nam không có tỉnh, thành phố nào có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An (miền Trung) và TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam), vẫn có nhiều khu vực trong tỉnh bị ô nhiễm bụi PM2.5.
So sánh với khuyến nghị của WHO năm 2021 (5 μg/m3) và năm 2005 (10 μg/m3) cho sức khỏe cộng đồng, nồng độ bụi PM2.5 của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong giai đoạn 2019 - 2020 đều vượt nhiều lần.
Nhóm nghiên cứu đề xuất ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát chất lượng không khí, từ đó xây dựng bản đồ phân bố bụi PM 2.5 chi tiết tới từng quận huyện, thị xã tại các tỉnh, thành phố. Cần xác định các nguồn thải bụi PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác để có giải pháp phù hợp.
40% tỉnh, thành miền Bắc có chỉ số ô nhiễm không khí vượt chuẩn
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, 40% tỉnh thành miền Bắc có chỉ số ô nhiễm không khí vượt chuẩn là áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách.
Ông Tùng cho rằng, mỗi địa phương cần có chính sách cụ thể, giải pháp tập trung vào nguyên nhân phát sinh ô nhiễm. Việt Nam chuẩn bị thực hiện kiểm kê khí thải, nhận diện nguồn thải để có các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hiện nay.
Trước đó Ngân hàng Thế giới (WB) đã lấy 80 mẫu bụi mịn từ tháng 8/2019 đến 7/2020 tại điểm đo trụ sở Chi cục Bảo vệ môi trường tại Cầu Giấy và Trung tâm Quan trắc môi trường khu vực miền Bắc tại 559 Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) và mang về Viện Khí tượng Phần Lan phân tích để xác định nguồn gây ô nhiễm. Kết quả cho thấy nguồn ô nhiễm đến từ đốt sinh khối (vật liệu sinh học) chiếm 26%, hoạt động công nghiệp khoảng 29%, giao thông chiếm 15% tổng lượng bụi mịn PM 2.5 ở Hà Nội./.
Dựa trên kết quả của báo cáo và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ban tổ chức đưa ra các khuyến nghị cụ thể:
1. Cần ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát chất lượng không khí nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng môi trường không khí ở cấp quốc gia, vùng miền và tỉnh, thành.
2. Xây dựng bản đồ phân bố bụi PM2.5 chi tiết tới từng quận/huyện/thị xã tại các tỉnh, thành phố có ô nhiễm bụi PM2.5.
3. Đẩy mạnh các nghiên cứu để xác định đóng góp nguồn thải bụi PM2.5 và cho các chất ô nhiễm không khí khác, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố đang bị ô nhiễm.
4. Tăng cường mạng lưới trạm quan trắc chất lượng tiêu chuẩn của nhà nước trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố có ô nhiêm không khí.
5. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quan trắc bụi PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác.