5 chiến lược để Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý 5 chiến lược lớn nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Vừa qua, tại TP Vũng Tàu, đã diễn ra Hội thảo về phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của KTS Ngô Viết Nam Sơn từ tham luận góp ý cho sự phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu và Vùng.

Cần hợp tác với vùng đô thị TP.HCM

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, trong bối cảnh quốc gia hiện nay có 2 cụm cảng có tiềm năng ngang tầm quốc tế là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng Vân Phong (Khánh Hòa). Trong 2 cụm cảng thì Vân Phong có thế mạnh hơn cụm cảng Cái Mép- Thị Vải về độ sâu, kín gió.

Tuy nhiên cụm cảng Vân Phong có điểm yếu là vùng miền Trung không có quỹ đất lớn để phát triển công nghiệp, cung cấp hàng hóa để vận chuyển. Nếu chỉ là trung chuyển thì phát triển kinh tế có giới hạn. Vai trò quan trọng của cụm cảng Thị Vải - Cái Mép là thị trường vận tải hàng hóa cho cả miền Nam và đặc biệt tỉnh thành có đóng góp kinh tế lớn cho quốc gia là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

 KTS Ngô Viết Nam Sơn đưa ra 5 chiến lược lớn phát triển Bà Rịa- Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Ảnh: TK

KTS Ngô Viết Nam Sơn đưa ra 5 chiến lược lớn phát triển Bà Rịa- Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Ảnh: TK

Về đô thị biển thì Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có biển. Trong đó, Bà Rịa- Vũng Tàu là một trong những đô thị biển hàng đầu. Vì vậy muốn trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, quốc tế thì cách nghĩ và tiếp cận phải hoàn toàn khác.

Bà Rịa- Vũng Tàu gắn với vùng đô thị TP.HCM, muốn đạt vị thế trung tâm kinh tế biển quốc gia thì không thể bỏ qua việc hợp tác với đô thị vùng TP.HCM. Đặc biệt, ở khu vực cần phải nhấn mạnh đây là “cửa ngõ” ra biển của 4 tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

Đây là cửa ngõ quan trọng nhất. Bởi cụm cảng Cái Mép- Thị Vải có lợi thế là cảng nước sâu, ít nạo vét. Trong khi cảng Hiệp Phước, TP.HCM có hạn chế.

 KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá cụm cảng Cái Mép- Thị Vải có lợi thế rất lớn không chỉ trung chuyển mà còn phát triển công nghiệp, logistics của Vùng. Ảnh minh họa: KN

KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá cụm cảng Cái Mép- Thị Vải có lợi thế rất lớn không chỉ trung chuyển mà còn phát triển công nghiệp, logistics của Vùng. Ảnh minh họa: KN

Từ đây, KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý Bà Rịa- Vũng Tàu cần phát triển dựa trên 5 chiến lược, định hướng lớn.

Kỳ vọng về một tuyến metro từ TP.HCM - Long Thành - Vũng Tàu

Đầu tiên là Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển vùng xanh tách biệt với vùng nâu. Bởi phát triển du lịch cần môi trường, hệ sinh thái trong lành. Trong khi phát triển công nghiệp lại gây ra ô nhiễm rất lớn, 2 việc này gây ra mâu thuẫn lớn, làm sao để hài hòa. Muốn hài hòa thì cần phân vùng rõ ràng. Đây cũng là vấn đề của Vân Phong, Đà Nẵng hay TP.HCM.

TP.HCM đang đề xuất làm dự án cảng Cần Giờ. Có một cách tiếp cận tốt hơn cách hiện nay đó là cần gắn cảng Cần Giờ trong tương quan vùng; cảng Cần Giờ phải là một thành phần trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và chấp nhận lối vào đi từ phía Bà Rịa- Vũng Tàu.

Cần nâng tầm tư duy, không cạnh tranh cục bộ giữa các tỉnh thành mà nên hợp tác vùng giữa các tỉnh thành. Việc chấp nhận lối đi vào cảng Cần Giờ từ phía Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ rất có lợi trong khi mối lo về sự cạnh tranh rất nhỏ.

 Cảng Gemarlink (cụm cảng Cái Mép- Thị Vải) rất gần khu vực Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: KN

Cảng Gemarlink (cụm cảng Cái Mép- Thị Vải) rất gần khu vực Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: KN

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có 2 thế mạnh nhất để phát triển là cảng biển và du lịch. Hiện thị xã Phú Mỹ hiện nay như là vùng nâu còn vùng xanh là TP Vũng Tàu. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cần cùng hợp tác với Bình Thuận. Lợi thế của Bà Rịa - Vũng Tàu là gần TP.HCM mặc dù giao thông di chuyển hiện cũng chưa phải là thuận tiện. Khi có đường cao tốc kết nối thì rất tốt.

Phát triển mô hình theo định hướng giao thông công cộng (TOD) để tăng động lực và tính khả thi cho các dự án đô thị mới. Khi phát triển du lịch thì mô hình TOD giúp tỉnh thu hút được một nguồn ngân sách không nhỏ để phát triển hạ tầng. Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển TOD có một lợi thế là tận dụng lợi thế của TP.HCM.

 Quy hoạch các tuyến đường bộ qua thị xã Phú Mỹ. Ảnh: Ban QLDA

Quy hoạch các tuyến đường bộ qua thị xã Phú Mỹ. Ảnh: Ban QLDA

Trong đó rất kỳ vọng có một tuyến Metro từ TP.HCM đến Long Thành và từ đó xuống Vũng Tàu. Khi có tuyến giao thông công cộng như vậy giúp khách du lịch đi xuống Vũng Tàu rất thuận tiện, đô thị 2 bên phát triển. Khi có tuyến metro không những chỉ xuống vũng Tàu tắm biển mà người dân có thể chọn sinh sống gần tuyến metro và đi làm tại Đồng Nai hay TP.HCM.

Thứ nữa là tăng cường liên kết vùng về giao thông và hợp tác kinh tế- xã hội. Hiện nay thị xã Phú Mỹ được quy hoạch là khu phát triển quan trọng nhất về mặt phát triển công nghiệp và cảng biển. Tuy nhiên theo đánh giá hiện kết nối vào đô thị này hoàn toàn chưa xứng tầm.

Cụm cảng Cái Mép- Thị Vải nằm ở thị xã Phú Mỹ rất cần đầu tư một hệ thống kết nối quốc gia và kết nối vùng với vùng đô thị TP.HCM và cả phía Nam để tạo nguồn hàng cung cấp cho vận tải biển hiệu quả.

Trong đó, cần một tuyến đường cao tốc riêng đến khu công nghiệp- cảng biển, tách riêng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện nay. Bởi muốn làm du lịch thì không thể xe du lịch không thể đi chung với xe container.

 Giao thông kết nối thuận lợi sẽ giúp giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh. Ảnh minh họa: KN

Giao thông kết nối thuận lợi sẽ giúp giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh. Ảnh minh họa: KN

Bên cạnh đó, cần đầu tư tuyến đường sắt kết nối từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đến TP Thủ Đức, Biên Hòa lấy hàng và vận tải xuống thị xã Phú Mỹ và vận tải biển chở đi. Việc phát triển logistics này đem lại nguồn lợi rất lớn cho cả 4 tỉnh, thành phố hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Việc phát triển logistics qua kết nối đường sắt, đường bộ, kết nối đường thủy, hàng không qua sân bay Long Thành giữa 4 tỉnh cần hài hòa với nhau. Qua đó giúp giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh.

Ngoài ra, để Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia cần chú ý đến bảo tồn di sản thiên nhiên và đô thị; Áp dụng hợp tác đa ngành trong quy hoạch và quản lý nhằm nâng cao tính bền vững và khả thi của các dự án cơ sở hạ tầng...

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/5-chien-luoc-de-ba-ria-vung-tau-thanh-trung-tam-kinh-te-bien-quoc-gia-post786001.html