5 cổ phiếu trong tiêu điểm đầu tư tháng 5 của Agriseco
Sau quá trình nghiên cứu và chọn lọc, Agriseco Research đưa ra 5 cổ phiếu tiềm năng tháng 5, trong đó ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng trong quý II, cơ cấu tài chính lành mạnh và đang có mức định giá phù hợp.
Kết thúc tháng 4, VN-Index đạt 1.049 điểm, giảm 1,5% so với đầu tháng với giá trị giao dịch bình quân ba sàn đạt khoảng 13.300 tỷ đồng/phiên, tăng 26% so với tháng trước đó.
Agriseco nhận thấy, thanh khoản thị trường đã sôi động trở lại sau nhiều tháng giảm liên tiếp, dòng tiền có xu hướng quay trở lại thị trường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt và một số chính sách hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp lẫn thị trường bất động sản được ban hành.
Bước sang tháng 5, Agriseco Research đánh giá bức tranh lợi nhuận kém khả quan trong quý I đã phần nào được phản ánh (tính đến ngày 9/5/2023, lợi nhuận toàn thị trường quý I/2023 giảm 19,6% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, thị trường sẽ có một số động lực tăng điểm chính như: quan điểm bồ câu hơn của FED về chính sách tiền tệ; Các chính sách hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp lẫn thị trường bất động sản dần thẩm thấu và hỗ trợ thanh khoản trên thị trường.
Sau quá trình nghiên cứu và chọn lọc, Agriseco Research đưa ra danh mục đầu tư tháng 5, trong đó ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng trong quý II, cơ cấu tài chính lành mạnh và đang có mức định giá phù hợp.
C4G - Tập đoàn Cienco 4
C4G trúng được nhiều gói thầu xây lắp quan trọng.C4G đã trúng thầu gần 4.500 tỷ đồng trong năm ngoái và đầu năm nay, bao gồm các gói thầu thuộc dự án Cao tốc Bắc – Nam; gói thầu tại các sân bay như Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Cam Ranh,... và các dự án đường giao thông trọng điểm tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tình hình tài chính doanh nghiệp đã có sự cải thiện mạnh khi hệ số vay nợ/VCSH đã giảm đáng kể (cuối quý I/2023 chỉ còn 1,4 lần), Agriseco kỳ vọng C4G sẽ tiếp tục trúng thêm các gói thầu hạ tầng giao thông, sân bay trọng điểm trong tương lai.
Ngoài ra, C4G cũng được kỳ vọng vào lợi nhuận bán niên khả quan nhờ hạch toán từ các dự án: cao tốc Bắc – Nam, sân bay Phú Tài,.. C4G cũng trình tiếp kế hoạch chuyển sàn từ UPCOM sang HOSE hoặc HNX và trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 6% và phát hành cổ phiếu tăng vốn tỷ lệ 2:1.
PVP - CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương
Trong quý I, PVP ghi nhận doanh thu đạt 305 tỷ đồng (ngang với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 59,3 tỷ đồng (gấp 3,2 lần cùng kỳ), đây là con số cao hơn ước tính trước đó từ phía doanh nghiệp.
Các chuyên gia kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II của PVP tiếp tục khả quan nhờ hưởng lợi giá cước vận tải dầu các tuyến và giá cho thuê tàu định hạn tăng cao so với cùng kỳ. Năm 2023, PVP cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần lợi nhuận cùng kỳ.
PVP đang sở hữu khoảng 950 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, chiếm 37% tổng tài sản. Ngoài ra, PVP cũng trả cổ tức cao và đều đặn với kế hoạch trả cổ tức 1.000đ/CP năm 2023, tương đương tỷ suất cổ tức 9%/năm. Trong khi cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/B 0,6 lần và P/E khoảng 5 lần.
MWG - CTCP Thế giới Di động
Ban lãnh đạo MWG kỳ vọng nửa cuối năm, thị trường ICT/CE sẽ dần khôi phục trở lại. Trong tháng 4, Công ty đã thực hiện chiến dịch “Giá rẻ quá!” nhằm kích thích sức cầu người dân quay trở lại và gia tăng sức cạnh tranh với các đối thủ trong ngành.
Bách Hóa Xanh cũng đang ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan, doanh thu cửa hàng/cửa hàng duy trì ở mức trên 1,3 tỷ đồng/tháng. MWG kỳ vọng Bách Hóa Xanh sẽ có sự cải thiện về doanh thu/cửa hàng trong tháng 4.
Về mặt định giá, MWG đang ghi nhận P/B thấp hơn trung bình lịch sử, khi P/B hiện đạt 2,3 lần và chỉ ngang mức đáy lịch sử ở thời điểm Covid-19 (2020). Doanh nghiệp đã ứng phó rất nhanh với tình hình vĩ mô khi giảm tồn kho trong bối cảnh sức cầu yếu. Do đó, MWG sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá trong bối cảnh tồn kho giảm thấp và là cơ hội để gia tăng tồn kho nếu sức cầu tiêu thụ phục hồi.
FMC - CTCP Thủy sản Sao Ta
FMC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.010 tỷ đồng (giảm 24,1%) và 48,6 tỷ đồng (tăng 15,2%). Bước sang quý II, triển vọng kinh doanh của FMC tiếp tục được kỳ vọng sẽ khả quan nhờ nhu cầu tiêu thụ các thị trường xuất khẩu phục hồi và chi phí vận chuyển giảm mạnh so với cùng kỳ.
Sức tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu như Mỹ hay EU vẫn còn yếu, tuy nhiên FMC đã linh hoạt trong việc dịch chuyển tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với mức giá bán bình quân cao hơn và chi phí vận chuyển thấp hơn.
Trang trại Vinfarm Vĩnh Thuận (203 ha) sẽ bắt đầu thả nuôi từ tháng 5/2023, qua đó nâng tổng diện tích trang trại của FMC lên 525 ha (tăng 40%), giúp FMC nâng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu đầu vào lên 40% so với mức 30% trước đây. FMC cũng đã đưa vào vận hành hai nhà máy chế biến mới với tổng công suất thiết kế 20.000 tấn/năm. Các nhà máy mới nâng tổng công suất chế biến của FMC lên 45.000 tấn/năm (tăng 80%).
NT2 - CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2
Kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II tiếp tục tăng trưởng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi kết hợp với giá khí trong xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, giá bán lẻ điện bình quân chính thức được điều chỉnh tăng 3% so với giá điện bán lẻ hiện hành góp phần cải thiện tình hình thanh toán của EVN, gián tiếp hỗ trợ dòng tiền các doanh nghiệp sản xuất điện và tạo dư địa huy động cho nguồn điện giá cao. Quy hoạch điện VII với cơ cấu tăng huy động điện gió và điện khí dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn trong tháng 5 này.
Với khoản tiền ròng của NT2 duy trì ổn định ở mức 1.370 tỷ đồng tính đến ngày 31/3, kỳ vọng NT2 sẽ chi trả phần cổ tức tiền mặt còn lại của năm 2022 (1.500 đồng/cổ phiếu) trong thời gian sắp tới. Năm 2023, NT2 đặt kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 15%.