5 điểm nghẽn khiến địa phương thiếu giáo viên nhưng không thể đặt hàng đào tạo

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nêu 5 điểm nghẽn khiến các địa phương dù đang thiếu giáo viên trầm trọng nhưng không thể đặt hàng đạo tạo ở các trường sư phạm.

Sau gần 3 năm Nghị định 116/2020/NĐ-CP có hiệu lực đến nay rất ít các địa phương triển khai thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên. Nguyên nhân của tình trạng này là do thực tiễn thực hiện Nghị định còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Thứ nhất, việc rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực giáo viên của các địa phương thời điểm hiện tại cũng như các năm sau này chưa được thực hiện đồng bộ và bài bản. Phải tính toán được nhu cầu của từng địa phương đối với giáo viên từng bộ môn, từng cấp học thì mới có thể đặt hàng các trường đào tạo. Khi chưa làm được việc này thì những khâu sau đó bị tắc là chuyện đương nhiên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Thứ hai, chúng ta coi việc đào tạo giáo viên cũng như việc cung cấp một mặt hàng, các cơ sở đào tạo là doanh nghiệp cung cấp mặt hàng đó. Trong khi, chất lượng và uy tín, bề dày kinh nghiệm đào tạo giữa các cơ sở giáo dục này là không giống nhau nếu không muốn nói là có độ chênh đáng kể.

Tuy nhiên, khi đưa ra đấu thầu thì còn nhiều yếu tố khác nữa để quyết định cơ sở nào sẽ thắng thầu. Sẽ ra sao nếu như những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng, có bề dày thành tích lại liên tục trượt thầu vì những lý do nào đó.

Thứ ba, việc sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng (hiểu ngắn gọn là nhà nước chi trả tiền đào tạo) ra trường nhưng không phải đương nhiên trở thành giáo viên mà vẫn phải qua kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục.

Trong quy định của Nghị định 116, nếu sinh viên đó tốt nghiệp mà không công tác trong ngành thì sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Vậy nếu không trúng tuyển thì sao? Có phải bồi hoàn chi phí hay không (không trúng tuyển là lý do khách quan, không phải ý chí chủ quan của các em).

Nếu không phải bồi hoàn chi phí đào tạo đối với trường hợp trượt trong các kỳ thi tuyển dụng thì liệu có trường hợp cố tình trượt để không bồi hoàn chi phí hay không?

Hơn nữa, những sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội (tự bỏ tiền ra để đi học, không được hỗ trợ) vẫn được quyền thi tuyển, và nếu trúng tuyển thì có sự không công bằng trong chính sách (cùng là giáo viên, người thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo, người không được hỗ trợ).

Thứ tư, nhiều địa phương hiện chưa có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên do vẫn có thể tuyển dụng từ các nguồn sẵn có.

Thứ năm, một số địa phương có nhu cầu nhưng vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm. Vì vậy cũng chưa thể đặt hàng đào tạo giáo viên.

Tất cả những bất cập vừa nêu khiến cho Nghị định 116 chưa thể thực hiện được ở rất nhiều địa phương. Sau gần 3 năm Nghị định có hiệu lực mà tình trạng này vẫn tồn tại nên tôi thấy chúng ta cần có các giải pháp đồng bộ tháo gỡ những khó khăn này để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống. Sau đây tôi xin đề xuất một số giải pháp.

Nhiều địa phương thiếu giáo viên nhưng không thể đặt hàng đào tạo.

Nhiều địa phương thiếu giáo viên nhưng không thể đặt hàng đào tạo.

Thứ nhất, cần nghiên cứu để xây dựng cách thức rà soát, tính toán, đánh giá cũng như dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương sao cho sát với tình hình thực tiễn nhất. Trên cơ sở đó các địa phương mới có thể cân đối ngân sách, đưa ra đơn đặt hàng đào tạo giáo viên cho các cơ sở giáo dục.

Việc nghiên cứu, xây dựng cách tính toán này cần thực hiện chung cho tất cả các địa phương, có tính đến yếu tố riêng của từng nơi nhưng nhìn chung phải đồng bộ, thống nhất.

Thứ hai, giáo viên không nên là viên chức và phải trải qua kỳ thi tuyển viên chức như hiện nay. Các cơ sở đào tạo giáo viên cần bảo đảm chất lượng đầu ra để mỗi sinh viên tốt nghiệp đều đạt tiêu chuẩn của một giáo viên. Những nội dung cần thiết cho giáo viên để có thể làm nghề giáo tốt cần được tích hợp trong chương trình đào tạo của từng ngành, từng trình độ mà các sinh viên sư phạm đều phải trải qua và đạt thì mới có thể tốt nghiệp.

Thứ ba, cần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương chưa bố trí được ngân sách để đặt hàng đào tạo giáo viên.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm chỉ tiêu đào tạo giáo viên nên cần có sự điều phối giáo viên đào tạo theo đơn đặt hàng để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ hiện nay.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga(Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Hải Dương)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/5-diem-nghen-khien-dia-phuong-thieu-giao-vien-nhung-khong-the-dat-hang-dao-tao-ar786073.html