5 dự án luật lĩnh vực công an chủ trì
Bộ Công an vừa chủ trì soạn thảo 5 dự án luật trình Quốc hội khóa XV trong năm 2023. Hiện nay, Công an tỉnh, thành phố đang tập trung tuyên truyền, phổ biến, lấy ý kiến đóng góp các dự thảo.
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Dự án luật nhằm điều chỉnh, kiện toàn lại lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, hiện nay đang hoạt động ở địa bàn cơ sở, thành lực lượng chung, bao gồm: Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Bộ Công an đã nghiên cứu, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là phù hợp, còn giá trị để quy định; bảo đảm không làm tăng thêm biên chế, không làm tăng chi ngân sách nhà nước, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các văn bản luật khác.
Nội dung cơ bản của dự thảo luật quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn, quan hệ công tác, phối hợp, các hành vi bị nghiêm cấm… liên quan đến tổ chức, hoạt động, xây dựng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Dự án Luật Trật tự,an toàn giao thông đường bộ
Dự án luật điều chỉnh chuyên sâu nội dung về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tách bạch với lĩnh vực đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ, trên cơ sở kế thừa Luật Giao thông đường bộ năm 2008; luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật và bổ sung quy định mới. Qua đó, tạo hành lang pháp lý để giải quyết vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra về trật tự, an toàn giao thông.
Quá trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật, Bộ Công an xác định 6 chính sách được đánh giá tác động, bao gồm: Quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân
Trong đó, về thăng cấp bậc hàm, bổ sung quy định “Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác”. Việc bổ sung nội dung này nhằm xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn.
Sửa đổi, bổ sung Điểm b, d, Khoản 1, Điều 25: Quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong Công an nhân dân. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 25, quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cấp bậc hàm cấp tướng đối với đơn vị được thành lập mới”. Sửa đổi, bổ sung Điểm e, Khoản 1 và Khoản 4, Điều 25 theo hướng quy định trung đoàn trưởng, trưởng công an thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá.
Dự án Luật Căn cước
Trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất thông qua 4 chính sách trong đề nghị xây dựng luật. Trong đó, bao gồm cả chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam). Vì vậy, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”. Về bố cục, dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều (so với Luật Căn cước công dân năm 2014, đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều).
Hiện nay, Bộ Công an cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ, nên việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân cơ bản không tác động đến người dân. Quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ căn cước công dân và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Dự án luật góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; vừa đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, sửa đổi 12 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; sửa đổi 8 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/5-du-an-luat-linh-vuc-cong-an-chu-tri-a362564.html