5 hành vi tiết kiệm ngược khiến bạn ngày càng nghèo đi
Không phải hành vi tiết kiệm nào cũng có lợi và giúp bạn giàu lên.
Trong cuộc sống hiện đại, việc tiết kiệm là cần thiết. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, bạn có thể đang rơi vào những hành vi "tiết kiệm ngược" – tưởng là đang giữ tiền, nhưng thực chất lại khiến bạn tiêu tốn nhiều hơn và khiến tài chính cá nhân ngày càng đi xuống. Dưới đây là 5 thói quen sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải.
1. Mua thêm đồ chỉ để nhận mã giảm giá
Nhiều nền tảng thương mại điện tử đưa ra hàng loạt chương trình ưu đãi như miễn phí vận chuyển, giảm giá theo giá trị đơn hàng... khiến người mua dễ rơi vào cái bẫy tiêu dùng.
Tôi từng nghĩ rằng mình đang tiết kiệm khi cố mua thêm vài món hàng lặt vặt để đủ điều kiện nhận mã freeship hoặc giảm giá. Nhưng khi kiểm tra lại, tôi nhận ra mình đã chi tiêu vượt mức dự kiến cho những món đồ hoàn toàn không cần thiết, thậm chí có món chưa từng đụng đến và đã hết hạn sử dụng. Những mã giảm giá tưởng chừng có lợi thực chất lại khiến tôi mua sắm mất kiểm soát, và để lại sự lãng phí không nhỏ.

Nhiều người phí phạm tiền bạc vào những mã freeship. Ảnh minh họa
2. Cắt giảm chi phí chăm sóc sức khỏe
Một trong những sai lầm lớn nhất là coi nhẹ sức khỏe trong kế hoạch tiết kiệm. Em gái tôi từng bỏ quên việc đóng bảo hiểm y tế và kết quả là phải tự chi trả toàn bộ viện phí sau một lần nhập viện. Một người bạn khác lại thường xuyên ăn uống thất thường, dẫn đến căn bệnh dạ dày và phải điều trị tốn kém.
Việc đầu tư cho sức khỏe – từ chế độ ăn lành mạnh, kiểm tra định kỳ đến bảo hiểm – là những khoản chi không nên tiết kiệm. Đó là cách đầu tư dài hạn để bạn tránh được những chi phí lớn hơn trong tương lai, cả về tiền bạc lẫn sức lực.
3. Mua quần áo giá rẻ nhưng phải thay liên tục
Không phải món đồ giá rẻ nào cũng kém chất lượng, nhưng thực tế, phần lớn quần áo giá rẻ dễ phai màu, sờn rách sau vài lần sử dụng. Nhiều người tưởng rằng mình đang tiết kiệm khi mua những món đồ vài chục nghìn, nhưng khi phải thay mới liên tục thì chi phí lại đội lên rất nhiều.
Thay vào đó, việc đầu tư vào những món đồ cơ bản, chất lượng tốt, có thể mặc trong thời gian dài sẽ là lựa chọn khôn ngoan hơn. Một chiếc áo phông hay quần jeans tốt có thể đắt tiền ban đầu, nhưng tiết kiệm hơn về lâu dài.
4. Ăn thực phẩm kém chất lượng để tiết kiệm
Có giai đoạn, vì muốn tiết kiệm chi phí ăn uống, tôi liên tục dùng thực phẩm rẻ tiền, ít giá trị dinh dưỡng – miễn là no bụng. Thậm chí có tuần tôi chỉ ăn mì gói thay cơm. Kết quả là sức khỏe suy giảm, miệng đau, người mệt mỏi kéo dài.
Tiết kiệm không có nghĩa là ép buộc cơ thể phải chịu đựng thực phẩm kém chất lượng. Việc ăn uống lành mạnh không chỉ giúp bạn khỏe mạnh hơn mà còn giảm thiểu rủi ro bệnh tật, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí y tế về sau.

Ăn thực phẩm kém chất lượng tưởng tiết kiệm nhưng chỉ khiến bạn mất nhiều hơn. Ảnh minh họa
5. Cố tiết kiệm những khoản nhỏ và đánh mất những khoản lớn
Có những tình huống, vì muốn tiết kiệm vài chục nghìn đồng mà ta đánh đổi quá nhiều. Ví dụ, thay vì gọi xe công nghệ, bạn chọn đi bộ hoặc chờ xe buýt, dẫn đến việc trễ hẹn, lỡ công việc quan trọng. Hoặc vì tiếc tiền đổ xăng tốt, bạn dùng xăng rẻ khiến xe nhanh xuống cấp và tốn kém chi phí sửa chữa.
Một số người làm việc quá sức để kiếm thêm thu nhập, nhưng lại tiêu tốn không ít vào mỹ phẩm đắt tiền hoặc các chuyến du lịch để phục hồi sức khỏe – tạo ra một vòng luẩn quẩn không cần thiết.
Khi cân nhắc tiết kiệm, điều quan trọng không chỉ là số tiền trước mắt, mà là cái giá phải trả về sau. Hãy tính toán kỹ “chi phí ẩn” của hành động tiết kiệm, để không rơi vào cảnh mất nhiều hơn được.