Mua đồ điện tử cũ làm 6 việc này chẳng khác gì tìm được hàng nguyên tem
Mua đồ điện tử cũ là lựa chọn tiết kiệm chi phí cho nhiều người tiêu dùng. Vậy làm thế nào để chọn được món đồ vừa bền, vừa xứng đáng với số tiền bỏ ra?
Đồ điện tử cũ nếu không kiểm tra kỹ và biết cách chọn sẽ dễ rơi vào cảnh "tiền nào của nấy" với sản phẩm kém chất lượng, nhanh xuống cấp. Vậy làm thế nào để chọn được món đồ vừa bền, vừa xứng đáng với số tiền bỏ ra?
Thị trường đồ điện tử cũ hay còn gọi là đồ second-hand đang ngày càng sôi động nhờ vào thói quen “mua mới bán cũ” của người tiêu dùng. Từ điện thoại, laptop cho đến tivi, tai nghe... đều có thể dễ dàng tìm thấy với mức giá “mềm” hơn đáng kể so với hàng mới.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Theo nghiên cứu của Transparency Market Research, quy mô thị trường thiết bị điện tử second-hand toàn cầu đã đạt khoảng 93,7 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng vọt lên 434,4 tỷ USD vào năm 2034, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 15%. Bên cạnh đó, báo cáo từ Market Research Future cũng cho thấy phân khúc thiết bị điện tử được tân trang (refurbished) ghi nhận giá trị 124,6 tỷ USD trong năm 2024, dự kiến đạt 430,6 tỷ USD vào năm 2034, tăng trưởng với CAGR 13,2%. Những con số này phản ánh rõ xu hướng tiêu dùng tiết kiệm, thân thiện với môi trường và ngày càng cởi mở hơn với hàng hóa đã qua sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Nếu như thiết bị điện tử mới được phân phối rộng rãi tại các cửa hàng chính hãng hoặc siêu thị điện máy thì đồ cũ lại chủ yếu xuất hiện trên các hội nhóm mạng xã hội, website rao vặt hay các sàn thương mại điện tử. Việc lựa chọn đồ điện tử đã qua sử dụng giúp tiết kiệm chi phí, nhất là với những người chỉ có nhu cầu sử dụng ngắn hạn hoặc không quá quan trọng tính năng cao cấp. Tuy nhiên, mua đồ cũ cũng đi kèm nhiều rủi ro như hàng bị thay linh kiện, thiết bị lỗi, thời gian sử dụng ngắn… Vậy làm sao để chọn mua được sản phẩm vừa túi tiền mà vẫn đảm bảo chất lượng?
Cẩn trọng với vẻ ngoài của thiết bị
Thực tế, không ít thiết bị được “tân trang” vỏ ngoài bắt mắt nhưng bên trong đã xuống cấp hoặc từng bị thay thế linh kiện. Tình trạng “vỏ mới, ruột cũ” không còn hiếm gặp trên thị trường đồ cũ, nhất là khi một số người bán vì lợi nhuận mà sẵn sàng đánh tráo, che giấu tình trạng thật của sản phẩm.
Để tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, người mua nên đề nghị được kiểm tra kỹ thiết bị, đặc biệt là với những sản phẩm có thể tháo lắp vỏ ngoài. Với các thiết bị không thể mở máy, cần yêu cầu người bán cung cấp giấy tờ liên quan như hóa đơn, phiếu bảo hành hoặc thông tin mua hàng trước đó. Những dữ liệu này sẽ giúp xác định rõ đời máy, thời gian sử dụng và tình trạng bảo hành, từ đó đưa ra quyết định mua sắm chính xác và an toàn hơn.
Chú ý đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm
Thiết bị phải có thương hiệu rõ ràng, nhãn mác đầy đủ và được phân phối bởi các đơn vị uy tín thường đảm bảo về chất lượng cũng như độ an toàn trong quá trình sử dụng.
Ngược lại, những sản phẩm không rõ nguồn gốc thường được rao bán tràn lan trên mạng với giá rẻ bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chập cháy, linh kiện kém chất lượng hoặc đã bị can thiệp kỹ thuật.
Kiểm tra chất lượng vận hành trước khi mua
Dù vẻ ngoài có bắt mắt đến đâu nhưng nếu thiết bị không còn hoạt động ổn định, tiêu tốn điện năng bất thường hoặc mất chức năng cơ bản thì rõ ràng không đáng để đầu tư. Trong trường hợp không đủ chuyên môn để kiểm tra, người mua nên nhờ đến sự hỗ trợ của bạn bè am hiểu kỹ thuật hoặc chuyên gia để đánh giá tình trạng máy. Việc kiểm tra kỹ các linh kiện, tính năng vận hành sẽ giúp người mua tránh được thiết bị đã bị đánh tráo linh kiện hoặc sửa chữa nhiều lần.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
So sánh giá và xem kỹ chính sách bảo hành
Giá của đồ điện tử cũ thường dao động tùy theo mức độ sử dụng và thương hiệu sản phẩm nhưng vẫn nên được tham chiếu với giá máy mới để đánh giá tính hợp lý. Đặc biệt, khi mua đồ điện tử cũ không nên chọn các thiết bị không có bảo hành hoặc chỉ bảo hành trong thời gian quá ngắn.
Các đơn vị thanh lý uy tín thường sẽ cung cấp thời hạn bảo hành từ 3 đến 6 tháng, tùy loại sản phẩm, điều này phần nào đảm bảo sự an tâm cho người dùng sau khi mua.
Lựa chọn nơi bán đáng tin cậy
Một đơn vị bán đồ điện tử cũ uy tín sẽ là "lá chắn" giúp người mua yên tâm hơn về mọi mặt từ chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, mức giá cho đến chính sách hậu mãi. Những nơi này thường có địa chỉ rõ ràng, có quy trình kiểm định thiết bị trước khi giao cho khách và sẵn sàng hỗ trợ nếu phát sinh lỗi trong quá trình sử dụng.
Ngược lại, việc mua hàng trôi nổi, không hóa đơn, không cam kết dễ khiến người mua phải gánh rủi ro.
Vệ sinh thiết bị kỹ lưỡng trước khi sử dụng
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Scientific Reports của Nature năm 2022, có tới 68% điện thoại thông minh được kiểm tra có dấu hiệu nhiễm khuẩn, thậm chí nhiều thiết bị còn mang vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm trong môi trường bệnh viện.
Một khảo sát khác của Amerisleep cho thấy, bề mặt điện thoại có thể chứa tới 25.127 vi khuẩn trên mỗi inch vuông, cao gấp 20 lần so với bệ ngồi bồn cầu công cộng. Những vị trí như loa thoại, cổng sạc, nút bấm hay lưới tai nghe là nơi dễ tích tụ vi khuẩn và thường bị bỏ qua khi vệ sinh.
Do đó, người dùng cần đặc biệt chú ý đến việc làm sạch thiết bị ngay sau khi mua, nhất là với các sản phẩm đã qua tay nhiều người sử dụng trước đó. Người dùng có thể sử dụng cồn y tế để lau chùi nhưng nên kiểm tra kỹ xem chất liệu của máy có phù hợp với dung dịch này hay không, tránh làm ảnh hưởng đến linh kiện hoặc lớp phủ bề mặt.