5 năm thực thi EVFTA: Xuất khẩu sang EU tăng mạnh

Sau 5 năm thực thi kể từ năm 2020, hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh mẽ, duy trì xuất siêu bền vững với thị trường khó tính này.

Xuất khẩu sang EU tăng trưởng mạnh mẽ

Tại hội thảo "Việt Nam sau 5 năm thực hiện EVFTA: Kết quả, yêu cầu và định hướng cải cách" ngày 24/2 tại Hà Nội, ông Đặng Đức Anh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, sau 5 năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, đáng chú ý là xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh mẽ, với nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan. Đồng thời, EVFTA tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, giúp thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao từ EU, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển bền vững. Các cam kết về sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và phát triển bền vững trong EVFTA đã thúc đẩy Việt Nam nâng cấp hệ thống pháp luật, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Nói rõ hơn về kết quả sau 5 năm thực thi hiệp định, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2014, xuất khẩu sang EU đạt 27,9 tỷ USD, đến năm 2024, con số này tăng lên 51,66 tỷ USD. Nhập khẩu từ EU vào Việt Nam cũng có xu hướng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Cán cân thương mại giữa hai bên trong toàn bộ giai đoạn 2014 - 2024 duy trì trạng thái thặng dư.

Cũng theo ông Dương, trong khi xuất khẩu cho thấy sự biến động đáng kể, tăng trưởng nhập khẩu từ EU lại có xu hướng giảm dần theo thời gian. Giai đoạn 2023 - 2024, xuất khẩu tăng trưởng 5,9%, trong khi nhập khẩu thu hẹp đáng kể, chỉ còn -0,4%.

Theo CIEM, xuất khẩu sang EU tăng trưởng mạnh mẽ sau 5 năm thực thi EVFTA.

Theo CIEM, xuất khẩu sang EU tăng trưởng mạnh mẽ sau 5 năm thực thi EVFTA.

Trong số các FTA quan trọng, EVFTA mang lại lợi thế lớn nhất khi Việt Nam duy trì xuất siêu bền vững với EU. Tuy nhiên, sự khác biệt về địa lý và chi phí khiến các doanh nghiệp Việt Nam ít có xu hướng nhập khẩu máy móc, thiết bị từ EU so với các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA đã tăng từ 14,8% năm 2020 lên 35,2% năm 2023. Mặc dù có sự gia tăng đáng kể nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA vẫn thấp hơn so với một số hiệp định khác mà Việt Nam tham gia.

Ngoài ra, EVFTA tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, giúp thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao từ EU, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển bền vững. Các cam kết về sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và phát triển bền vững trong EVFTA đã thúc đẩy Việt Nam nâng cấp hệ thống pháp luật, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Tiêu chuẩn cao từ EU

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Dương, việc thực thi EVFTA vẫn đối mặt với không ít thách thức khi hệ thống pháp luật còn thiếu rõ ràng, thủ tục hành chính phức tạp. Quy định cho các lĩnh vực mới như kinh tế tuần hoàn và kinh tế số còn đang trong quá trình hoàn thiện.

Dù có nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng và trình độ chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp EU, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật số và sản xuất tiên tiến.

Các doanh nghiệp EU phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh từ doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đòi hỏi họ phải thích nghi với điều kiện kinh doanh và chiến lược thị trường tại Việt Nam.

Việc thực thi EVFTA còn nhiều hạn chế và thách thức khi thị trường EU yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu gia công và nhập nguyên liệu từ các nguồn không đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA.

Việc điều chỉnh quy trình sản xuất, cải thiện điều kiện lao động và đầu tư công nghệ để đáp ứng các cam kết tiêu chuẩn cao của EVFTA đòi hỏi chi phí lớn từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cũng là thách thức không nhỏ. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và quy mô nhỏ khiến doanh nghiệp Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế, chính trị toàn cầu. Đồng thời, họ phải cạnh tranh với hàng hóa chất lượng cao từ EU ngay tại thị trường nội địa.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ về EVFTA, thiếu chuẩn bị và gặp khó trong việc thay đổi để tận dụng cơ hội từ hiệp định. Nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại, áp lực từ các cam kết về môi trường và phát triển bền vững... cũng là những hạn chế và thách thức trong thực thi EVFTA.

Để tối ưu hóa lợi ích từ EVFTA, CIEM cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết EVFTA. Cách tiếp cận cần hướng tới tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EU về cải cách các quy định theo hướng phù hợp với các xu hướng mới, đặc biệt là về công nghệ mới và phát triển bền vững.

Đồng thời, việc cải thiện cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương trong thực thi hiệp định là rất quan trọng để nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan liên quan. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch và ổn định trong chính sách sẽ giúp thu hút thêm FDI có chất lượng từ EU.

"Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo và hướng dẫn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tận dụng các ưu đãi từ EVFTA. Để phát triển chuỗi cung ứng bền vững, Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn về phát triển bền vững của EU", ông Dương nêu.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/canh-tranh/5-nam-thuc-thi-evfta-xuat-khau-sang-eu-tang-manh/20250224024728430