5 năm tới, TP.HCM sẽ 'bận rộn' với metro, nhà trên kênh rạch
TS Trần Du Lịch khẳng định TP.HCM muốn văn minh, hiện đại thì phải giải quyết được nhà trên kênh rạch, chỉnh trang được nhà ổ chuột, đường hẻm nhỏ...
Sáng 24-8, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2026 - 2030.
Để ghi nhận đầy đủ ý chuyên gia, hội thảo đã chia bốn tổ thảo luận. Gồm: lĩnh vực kinh tế, đầu tư công, huy động vốn đầu tư xã hội; hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy; động lực tăng trưởng mới; quy hoạch, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng.
Phải tư duy 'bài toán ngược' để phát triển
Tại phiên thảo luận, TS Trần Du Lịch cho rằng trong nhiệm kỳ này, TP đã xây dựng được thể chế, nền tảng và bước đầu gỡ được hai điểm nghẽn cố hữu là thể chế và hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Đây chính là nền tảng, điểm son cho giai đoạn tới.
Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch cho biết chất lượng nền hành chính của TP chưa bắt kịp yêu cầu phát triển mới, triển khai chậm các công trình, dự án. Theo ông, hiện có hàng loạt dự án công trình trọng điểm phải làm, vì nếu không làm thì không xử lý được bài toán phát triển TP.
Theo ông, trong thời gian tới, TP có thể giải quyết cơ bản bài toán hạ tầng giao thông như liên kết vùng, đường cao tốc, hạ tầng để phát triển công nghiệp 4.0, big data, chip, bán dẫn… tùy thuộc vào hạ tầng kỹ thuật IT sẽ được đầu tư, phát triển ra sao.
TS Trần Du Lịch nhìn nhận trong khoảng năm năm tới sẽ là khoảng thời gian "bận rộn nhất của TP" nếu được Trung ương phê duyệt đề án phát triển đường sắt đô thị 183 km. "Đây là nhiệm vụ cực kỳ lớn" - ông nói.
Cạnh đó, TP phải tiếp tục hoàn thiện, hoàn chỉnh mô hình chính quyền đô thị, sơ kết ba năm, năm năm thực hiện Nghị quyết 98 để kiến nghị một đạo luật về đô thị đặc biệt.
Đặc biệt, việc phát triển và chỉnh trang đô thị là vấn đề rất quan trọng. “TP muốn văn minh, hiện đại phải giải quyết được nhà trên kênh rạch, chỉnh trang được nhà ổ chuột, đường hẻm mà hiện không có phương tiện nào có thể vào được như khu Mả Lạng…” – TS Lịch nói và khẳng định giai đoạn này phải thực hiện song song việc phát triển đô thị mới và chỉnh trang đô thị cũ trên tinh thần tận dụng, sử dụng những nguồn lực đặc biệt.
“TP phải quay lại thời kỳ 2006-2010, cụ thể nhà nước đầu tư 1 đồng thì huy động 10 đồng vốn xã hội, có như vậy thì mới huy động được nguồn lực để đầu tư, phát triển TP” – TS Lịch nhấn mạnh.
Ông khẳng định chính quyền TP phải đổi mới tư duy, đưa ra một 'bài toán ngược' với cơ chế, chính sách khác, suy nghĩ khác, cách làm khác thì 10 năm tới, TP mới kỳ vọng phát triển đúng mục tiêu đã đề ra.
Giúp cả nước thoát bẫy thu nhập trung bình
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đây là hội thảo lắng nghe ý kiến chuyên gia để góp ý cho văn kiện kinh tế – xã hội trình Đại hội XII của Đảng bộ TP, giúp TP phóng hết tầm tư duy, mong muốn phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và xa hơn.
Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị hội thảo nghiên cứu Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Theo ông, trong nghị quyết, mục tiêu đến năm 2030 là TP.HCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Vậy làm sao để TP đạt được mục tiêu này và đạt được ở mức nào trong “văn minh – hiện đại” thì chúng ta nên có những định lượng về mục tiêu để từ đó xác định trọng tâm” – ông Mãi nói và gợi ý những vấn đề thảo luận như đến năm 2030, công nghiệp của TP sẽ thế nào, dịch vụ ra sao, hội nhập, vị thế nổi trội đứng ở đâu trong tổng thể phát triển…
Ông khẳng định TP phải xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn sau đó về kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết các tổ chức, chuyên gia nhìn nhận Việt Nam còn 10 năm nữa để quyết định việc có vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay tiếp tục lẩn quẩn ở tầng dưới. Như vậy, TP.HCM chắc phải phải góp phần cùng cả nước vượt bẫy thu nhập trung bình vào năm 2035.
“Vậy mục tiêu là tìm ra những điểm nghẽn chiến lược, cơ bản, tập trung vào những điều then chốt để TP đóng góp cho cả nước giải được bài toán là vượt lên bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển” - ông Mãi nói và cho biết sau hội thảo, TP sẽ dự thảo lại văn kiện kinh tế - xã hội với những định hướng rõ hơn, có tính chất định lượng hơn, trọng tâm hơn. Qua đó, đến năm 2030, giúp TP phát triển rõ nét, vượt bậc, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Cần cơ chế vượt trội để thu hút nhà đầu tư lớn
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, nhìn nhận TP đang rất chú trọng thu hút nguồn lực nhưng nguồn lực thu hút không lớn.
Ông cho biết TP chưa có cơ chế vượt trội để các nhà đầu tư lớn như Samsung, Intel… mở rộng phát triển. Trong tương lai, TP cần có cơ chế đặc thù để doanh nghiệp lớn mở rộng sản xuất, tăng trưởng tốt hơn.
Ông cũng dẫn chứng vấn đề TP chưa có một trung tâm y tế, bệnh viện lớn, đầy đủ phương tiện. “Làm sao để người dân có thể chữa bệnh tại TP, không cần đi nước ngoài hoặc người ở nước ngoài về đây chữa bệnh” – ông Tuấn nói. Ông cũng chỉ ra ở nước ngoài với một đô thị hơn 1 triệu dân đã có metro, còn ở TP thì chưa có.
Theo ông Tuấn, doanh nghiệp nếu muốn xây dựng bệnh viện, công viên chuyên đề phải có dịch vụ thương mại kèm theo để thu hồi vốn nhưng luật không cho phép, khiến nhà đầu tư không thấy hấp dẫn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/5-nam-toi-tphcm-se-ban-ron-voi-metro-nha-tren-kenh-rach-post806751.html