5 ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng ở miền Bắc
Chùa Bái Đính, chùa Đồng, chùa Hương... là những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của miền Bắc.
Chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Chùa Bái Đính thuộc quần thể danh thắng Tràng An, ngôi chùa này nằm ở phía tây cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Đặc biệt chùa Bái Đính được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam đã được xác lập như: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, ngôi chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...
Tọa lạc trên khu đất rộng 1700ha, quần thể chùa Bái Đính bao gồm: 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, công viên văn hóa và học viện Phật giáo, khu đón tiếp… và rất nhiều công trình khác.
Chùa Hương (Hà Nội)
Bắt đầu khai hội từ khoảng tháng giêng cho đến hết tháng ba âm lịch. Không chỉ là một danh thắng nổi tiếng với phong cảnh non nước hữu tình, chùa Hương (thuộc xã Hương Sơn – Mỹ Đức – Hà Nội) còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống cũng như tín ngưỡng thờ Phật của người Việt.
Tương truyền rằng, vào năm 1770 khi chúa Trịnh Sâm đến chùa Hương đã khắc lên trên động Hương Tích 5 chữ: “Nam thiên đệ nhất động” tức “Động đẹp nhất trời Nam” để thể hiện sự ngưỡng mộ với những cảnh sắc tại đây.
Đặc biệt, cứ đến mùa Thu, suối Yến như được “thay da đổi thịt”. Sắc tím dịu dàng của những bông hoa súng, sắc xanh của lá quyện với trời mây đã khiến chùa Hương trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút rất đông du khách.
Chùa Yên Tử (Quảng Ninh)
Trong ca dao xưa có câu: “Trăm năm tích đức tu hành. Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”, cũng bởi vậy mà hành hương Yên Tử đã trở thành tâm nguyện của các du khách thập phương. Đến với Yên Tử, du khách sẽ có dịp ghé chùa Giải Oan, chùa Phù Vân cổ kính, uy nghiêm hay chùa Đồng mờ ảo trong làn sương.
Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh chùa Đồng, Yên Tử là khoảng 6.000m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi... Đặc biệt, nhằm phục vụ du khách thập phương đến hành lễ, hệ thống cáp treo hiện đại với 19 cabin vượt quãng đường trên 1,2 km lên tới độ cao 450 m gần chùa Hoa Yên đã được đưa vào hoạt động từ năm 2002.
Chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc)
Cách Hà Nội khoảng 65km về phía Tây Bắc, chùa Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) thuộc khu danh thắng Tây Thiên đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1991.
Cứ mỗi độ xuân về, địa điểm du lịch tâm linh này thu hút hàng vạn du khách thập phương đến chùa hành hương, cầu tài, cầu lộc. Nằm trong quần thể chùa Tây Thiên còn bao gồm rất nhiều những ngôi đền, miếu nổi tiếng như: đền Thỏng, đền Cậu, đền Cô, đền Thượng,…
Chùa Tây Thiên có đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu - người kết hôn cùng Hùng Chiêu Vương sau khi giúp nhà vua đánh giặc giữ nước.
Để tưởng nhớ công ơn của Quốc Mẫu Tây Thiên, lễ hội Tây Thiên kéo dài trong 3 ngày 15/2 – 17/2 âm lịch.
Đền Trần (Nam Định)
Đền Trần, Nam Định được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ XV. Đây là nơi thờ 14 vị vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần.
Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính: đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Hàng năm, cứ vào ngày 14 tháng giêng âm lịch, lễ hội khai ấn tại Đền Trần lại được tổ chức, thu hút rất đông phật tử đến xin ấn để cầu tài, cầu lộc, vạn sự như ý trong suốt một năm.
Tương truyền rằng, ấn chỉ thiêng khi được lấy đúng vào 23 – 24h của ngày 14 tháng giêng. Chính vì vậy mà hàng triệu người vẫn đổ xô tới đền Trần chỉ mong xin được ấn vào đúng giờ thiêng đó.