5 Quốc gia có trữ lượng khí tự nhiên nhiều nhất thế giới
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ước tính trữ lượng khí đốt tự nhiên của nước này sẽ đủ cung cấp trong 100 năm với một số mỏ có thể khai thác cho đến năm 2131.
Nền kinh tế của những quốc gia có trữ lượng khí tự nhiên nhiều nhất ngày càng phát triển mạnh mẽ do sự gia tăng dân số và nhu cầu, việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên này tăng lên, dẫn đến giá than, khí đốt tự nhiên cũng như dầu thô tăng. Cùng khám phá 5 quốc gia có trữ lượng khí tự nhiên nhiều nhất thế giới sau:
Nga - Trữ lượng khí tự nhiên: 47.798 tỷ mét khối
Các mỏ khí đốt rộng lớn xung quanh bán đảo Yamal sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai năng lượng của Nga. Nga có trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ có thể đủ dùng hơn một thế kỷ. Nga có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 48 nghìn tỷ mét khối, tương đương 1/4 tổng trữ lượng toàn cầu.
Iran - Trữ lượng khí tự nhiên: 33.980 tỷ mét khối
Iran chiếm 16% trữ lượng khí đốt của Thế giới, giá trị 11.200 tỷ USD. Nước này cũng sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn thứ ba thế giới, với 136,2 tỷ thùng, chiếm hơn 10% trữ lượng toàn cầu. Iran hiện là nước có trữ lượng khí tự nhiên lớn thứ hai thế giới sau Nga.
Qatar - Trữ lượng khí tự nhiên: 23.871 tỷ mét khối
North Field là mỏ khí đốt dưới nước lớn nhất thế giới mà Qatar chia sẻ với Iran. Mỏ khí đốt này chiếm khoảng 10% trữ lượng khí đốt tự nhiên được biết đến trên thế giới. Dầu khí đã làm cho đất nước khoảng 50 tuổi này trở nên giàu có và có tầm ảnh hưởng lớn.
Hiện Qatar trở thành điểm trung chuyển quốc tế với Sân bay quốc tế Doha, có hãng hàng không quốc gia Qatar Airways và kênh truyền hình Al Jazeera với tầm ảnh hưởng rộng. Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng hóa nền kinh tế, Qatar trở thành nước giàu nhất Trung Đông và có GDP đầu người cao nhất thế giới.
Ả Rập Xê-út - Trữ lượng khí tự nhiên: 15.910 tỷ mét khối
Ả Rập Xê-út có 49 mỏ dầu, với hai mỏ trong số này được coi là lớn nhất thế giới: (i) Mỏ Ghawar, nằm ở tỉnh Easter, là mỏ dầu lớn nhất thế giới, sản xuất từ 50 - 70% tổng sản lượng dầu thô của Ả Rập Xê-út và 6,4% tổng sản lượng của thế giới. (ii) Mỏ Safaniyah, nằm cách thành phố Dhahran 200 km về phía bắc, đây là mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới và là mỏ dầu lớn thứ hai của Ả Rập Xê-út, sản xuất hàng ngày hơn 1 triệu thùng dầu thô, với trữ lượng 37 tỷ thùng dầu. Cả hai mỏ dầu đều do Công ty Dầu khí Quốc gia Ả Rập Xê-út Saudi Aramco sở hữu và điều hành.
Ả Rập Xê-út là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tháng 12/2018, sản lượng dầu từ Ả Rập Xê-út, Mỹ và Nga chiếm 40% sản lượng dầu toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng xu hướng thị trường và biến động dầu thô
Mỹ - Trữ lượng khí tự nhiên: 13.167 tỷ mét khối
Mỹ đã thống trị sản xuất khí đốt thiên nhiên toàn cầu cho đến những năm 1980, thời điểm nước này nhường vị trí dẫn đầu cho Nga. Bên cạnh đó, các nước Trung Đông cũng đã phát triển trữ lượng khí đốt thiên nhiên của mình với tốc độ nhanh chóng trong vòng 50 năm qua và đang trên đà dẫn đầu toàn cầu. Sản lượng khí đốt tại Mỹ đã tăng mạnh mẽ 86% trong giai đoạn 2005 - 2020, đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu toàn cầu trong số các nhà sản xuất khí đốt thiên nhiên lớn nhất.
Mức tiêu thụ khí đốt của Mỹ đã tăng lên nhanh chóng khi các nhà máy điện than được chuyển đổi sang tiêu thụ nhiên liệu khí và đảm bảo công suất dự phòng cho các nguồn phát điện NLTT.
Sự gia tăng các nguồn cung khí đốt thiên nhiên và chuyển đổi nhiên liệu trong các nhà máy điện đã khiến khí đốt thiên nhiên trở thành nhiên liệu hóa thạch có tốc độ tăng trưởng lớn nhất. Trong thập kỷ vừa qua, tiêu thụ khí đốt thiên nhiên toàn cầu đã gia tăng với tốc độ trung bình hàng năm đạt 2,9% so với mức 1,5%/năm của dầu và 0,9% đối với nhiên liệu than.