5 quy tắc dạy con kỷ luật, biết kiểm soát cảm xúc của mẹ Nhật
Mẹ Nhật đã làm gì để tạo ra những đứa trẻ có kỷ luật, biết kiểm soát cảm xúc và luôn nghĩ cho người khác?
Bạn tự hỏi tại sao trẻ con Nhật Bản lại tuyệt vời đến vậy. Chúng lịch sự, thân thiện và không thể hiện cảm xúc thái quá. Ở Nhật, bạn cũng hiếm khi gặp một đứa trẻ khóc lóc giữa siêu thị. Tất nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, nhưng không thường xuyên.
Tờ Bright Side đã liệt kê một số nguyên tắc nuôi dạy con của cha mẹ Nhật, giúp họ nuôi dạy những đứa trẻ biết phép tắc.
Mối quan hệ rất mật thiết giữa người mẹ và con cái
Ở Nhật Bản, người mẹ có mối liên hệ rất mật thiết với con cái. Họ ngủ cùng con và luôn mang đứa trẻ theo mình. Trước đây, các bà mẹ hay dùng địu để đưa trẻ ra ngoài cùng mình.
Mối quan hệ này thể hiện ở việc: các bà mẹ chấp nhận mọi thứ mà đứa trẻ làm. Trong mắt họ, bọn trẻ luôn hoàn hảo. Người Nhật tin rằng, từ 5 tuổi trở xuống, trẻ được phép làm bất cứ điều gì chúng muốn.
Các bậc phụ huynh nước ngoài có thể coi đây là sự chiều chuộng thái quá nhưng họ đã nhầm. Nguyên tắc này để trẻ biết rằng chúng đang làm tốt.
Thái độ này của cha mẹ với trẻ sẽ góp phần tạo ra ‘amae’. Từ này khó dịch sang các ngôn ngữ khác, nhưng có thể hiểu là ‘mong muốn được yêu thương’. ‘Amae’ là nền tảng trong mối quan hệ giữa người mẹ và con cái. Điều đó có nghĩa là trẻ có thể tin tưởng vào cha mẹ và tình yêu thương của cha mẹ, và ngược lại khi cha mẹ già cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ của con cái đã trưởng thành.
Có một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản chứng minh rằng có mối liên hệ giữa việc khuyến khích con cái với hành vi của bọn trẻ.
Các nhà khoa học cho rằng thái độ tích cực của cha mẹ sẽ giúp giảm các hành vi có vấn đề, đồng thời cải thiện hành vi rối loạn phát triển của trẻ.
Hệ thống giáo dục Nhật Bản
Trong hệ thống giáo dục Nhật Bản, tất cả mọi người đều được đối xử công bằng. Trong ảnh là công chúa Ayako đang biểu diễn cùng các bạn trong một lễ hội thể thao ở Tokyo.
Theo cách nuôi dạy con kiểu Nhật, trước 5 tuổi, trẻ em là một thực thể hoàn hảo. Nhưng từ 5 tới 15 tuổi, chúng được cư xử như những người phục vụ, và từ năm 15 tuổi trở đi, chúng được đối xử bình đẳng như bố mẹ và những người khác.
Nhiều người nước ngoài không hiểu quan điểm này của người Nhật và diễn giải nó một cách không chính xác. Triết lý này nhằm mục đích nuôi dạy những công dân vì một xã hội tập thể, nơi mà lợi ích cá nhân không phải là điều quan trọng nhất.
Trong giai đoạn đầu tiên - 5 năm đầu đời, cha mẹ dành tình yêu vô điều kiện cho trẻ.
Trong giai đoạn thứ 2 - từ 5 tới 15 tuổi, tình yêu ấy không biến mất. Nhưng đứa trẻ phải học cách sống theo các quy tắc của xã hội và cố gắng tìm mục đích sống của mình trong thế giới ấy. Vì sự gắn bó giữa người mẹ và con cái rất mật thiết, nên đứa trẻ cố gắng làm mọi thứ đúng cách để không làm người mẹ thất vọng.
Trong giai đoạn thứ 3 - từ 15 tuổi trở lên, đứa trẻ trở thành một thành viên hoàn thiện của xã hội.
Coi trọng gia đình
Thông thường, mẹ là người chăm sóc con cái. Mẹ và con cái dành nhiều thời gian cùng nhau. Người Nhật cho rằng không nên cho trẻ đi mẫu giáo trước 3 tuổi. Cha mẹ cũng không đề nghị ông bà giúp chăm sóc con cái và ít khi thuê người giúp việc.
Tuy vậy, bọn trẻ không xa cách ông bà, mà vẫn dành nhiều thời gian chơi với ông bà và người thân.
Cha mẹ làm mẫu
Có một thí nghiệm liên quan đến các bà mẹ Nhật Bản và châu Âu. Họ đều được đề nghị xây một kim tự tháp. Các bà mẹ tới từ 2 nền văn hóa khác nhau đã có những cách làm khác nhau.
Các bà mẹ Nhật Bản tự xây kim tự tháp, sau đó yêu cầu trẻ làm lại việc đó. Nếu trẻ không làm được, chúng bắt đầu làm đi làm lại.
Trong khi đó, các bà mẹ châu Âu giải thích cách xây kim tự tháp cho trẻ và đề nghị trẻ tự làm.
Như vậy, mẹ Nhật làm theo nguyên tắc ‘làm giống như mẹ làm’, còn mẹ Âu thì để trẻ tự làm mà không làm mẫu.
Đó là một nguyên tắc nuôi dạy con của người Nhật. Họ không bắt trẻ làm mọi thứ mà mình yêu cầu. Thay vào đó, họ sẽ làm mẫu cho trẻ bắt chước.
Chú ý đến cảm xúc
Để dạy một đứa trẻ sống trong một xã hội đề cao giá trị tập thể, điều quan trọng là dạy cho chúng biết cách nhận ra và tôn trọng cảm xúc, sở thích của người khác.
Mẹ Nhật tôn trọng cảm xúc của trẻ bằng cách: không ép trẻ hoặc làm trẻ cảm thấy xấu hổ. Họ dạy trẻ hiểu cảm xúc của người khác, thậm chí là cảm xúc của những vật vô tri. Ví dụ như nếu một đứa trẻ đang cố làm hỏng chiếc xe hơi đồ chơi, bà mẹ người Nhật sẽ nói: ‘Tội nghiệp chiếc xe! Nó sắp khóc đấy’. Còn một bà mẹ Âu sẽ trách mắng trẻ: ‘Dừng lại. Như thế là xấu đấy!’.
Người Nhật không khẳng định phương pháp của mình là tốt nhất. Ngày nay, nhiều giá trị phương Tây cũng đã ảnh hưởng tới truyền thống của họ. Nhưng thái độ cốt yếu của họ dành cho trẻ - là sự yêu thương và bình tĩnh - thì không thay đổi.
Bạn có đồng tình với triết lý nuôi dạy con cái của người Nhật không? Hãy cho chúng tôi biết quan điểm của bạn ở phần bình luận phía dưới.
N. Thảo (Theo Bright Side)