5 trường hợp phải đi đổi ngay từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân gắn chíp
Nếu thuộc đối tượng đổi hoặc cấp lại chứng minh nhân dân, người dân cần phải đổi sang căn cước công dân gắn chíp trong thời gian sớm nhất.Nếu thuộc đối tượng đổi hoặc cấp lại chứng minh nhân dân, người dân cần phải đổi sang căn cước công dân gắn chíp trong thời gian sớm nhất.
5 trường hợp cần đối từ CMTND sang thẻ căn cước công dân
Căn cứ Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP về chứng minh nhân dân, những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi chứng minh nhân dân:
- Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
- Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
- Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
Trường hợp bị mất chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.
Như vậy, có đến 5 trường hợp người dân bắt buộc phải đi đổi thẻ chứng minh nhân dân và 1 trường hợp phải xin cấp lại thẻ chứng minh nhân dân.
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân.
Như vậy, nếu thuộc trường hợp phải đổi/cấp lại chứng minh nhân dân mà không đi đổi/cấp lại, người dân sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, cả nước đã ngừng cấp chứng minh nhân dân và căn cước công dân mã vạch. Thay vào đó, thẻ căn cước công dân gắn chíp ra đời với nhiều tiện ích. Vì thế, nếu thuộc đối tượng đổi hoặc cấp lại chứng minh nhân dân, người dân cần phải đổi sang căn cước công dân gắn chíp.
Về việc đổi/cấp lại căn cước công dân mã vạch sang gắn chíp, thời điểm hiện tại, Luật Căn cước công dân 2014 và các văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa đặt ra cơ chế xử phạt.
Tuy nhiên, người dân nếu thấy mình thuộc đối tượng tại Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 thì nên chủ động xin đổi/cấp lại căn cước công dân gắn chíp để thuận tiện cho các giao dịch với cơ quan Nhà nước, ngân hàng…
Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp có bị kiểm soát hoạt động cá nhân không?
Trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, công dân Võ Thái Trung đặt câu hỏi:
Tôi được biết, dự án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD) của Bộ Công an đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được triển khai đồng bộ, song hành cùng dự án Dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có thay thế mẫu thẻ CCCD có mã vạch sang thẻ có gắn chíp điện tử. Bộ Công an cho tôi hỏi, chíp điện tử được gắn trên thẻ CCCD liệu có thể kiểm soát các hoạt động của từng cá nhân hay không?
Bộ Công an trả lời:
Việc sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.
Về câu hỏi của công dân Võ Thái Trung hỏi, việc sử dụng thể CCCD có gắn chíp điện tử có bị kiểm soát hoạt động cá nhân hay không? Về việc này, Bộ Công an khẳng định chíp được gắn trên thẻ CCCD là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ CCCD với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.