5 tỷ phú đô la hiện tại của Việt Nam là những ai?

Ngày 2/4, Forbes công bố danh sách tỷ phú đô la năm 2025. Trong danh sách này, Việt Nam có 5 tỷ phú USD gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (6,5 tỷ USD), Chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (2,8 tỷ USD), Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (2,4 tỷ USD), Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (2 tỷ USD) và Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang (1 tỷ USD).

Danh sách các tỷ phú USD của Việt Nam vừa được Forbes công bố - Đồ họa B.A.

Danh sách các tỷ phú USD của Việt Nam vừa được Forbes công bố - Đồ họa B.A.

Đáng chú ý là so với danh sách năm ngoái, Chủ tịch Thaco Group Trần Bá Dương không còn được Forbes ghi nhận có tài sản tỷ USD.

Ông Phạm Nhật Vượng (56 tuổi) liên tục là người giàu nhất Việt Nam qua các năm. Ông khởi nghiệp với nhà máy sản xuất mì ăn liền ở Ukraine vào những năm 1990 sau khi du học Nga. Ông hiện là Chủ tịch Vingroup - một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, sản xuất công nghiệp và chăm sóc sức khỏe.

Phần lớn khối tài sản của ông Vượng đến từ việc nắm giữ cổ phiếu VIC của Vingroup. Ông Vượng đang nắm 17,87% cổ phần Vingroup, tương đương 691,2 triệu cổ phiếu VIC. Vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam còn sở hữu gián tiếp Vingroup thông qua Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG).

Ông Vượng đồng thời là CEO VinFast toàn cầu - hãng xe thuần điện nội địa của Việt Nam. Năm 2023, ông đưa VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq tại Mỹ qua SPAC. Thông qua hai công ty khác, ông Phạm Nhật Vượng gián tiếp nắm gần 48,4% cổ phần VinFast.

Theo ghi nhận của Forbes, chỉ hai tỷ phú Việt Nam tăng tài sản trong năm 2025 gồm ông Phạm Nhật Vượng và ông Hồ Hùng Anh. Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản giảm so với 2024. Tài sản bà Phạm Thị Phương Thảo giữ nguyên.

Forbes ước tính tổng tài sản của một người thông qua cổ phần trong các công ty niêm yết và không niêm yết, bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, du thuyền, tiền mặt và các tài sản khác, sau đó trừ đi các khoản nợ.

Theo họ, cổ phần của một người trong công ty niêm yết là khía cạnh quan trọng để định giá tài sản. Một trong những cách chính mà Forbes sử dụng là ước tính giá trị cổ phần, được thực hiện bằng cách nhân số lượng cổ phần sở hữu với giá cổ phiếu hiện tại.

Forbes thu thập thông tin này từ những nguồn tin cậy như báo cáo tài chính, hồ sơ pháp lý và dữ liệu thị trường.

Ngoài ra, khi tính tài sản của các cá nhân thông qua số cổ phần nắm giữ tại công ty niêm yết, Forbes cũng tính đến khái niệm pha loãng. Pha loãng xảy ra khi một công ty phát hành thêm cổ phiếu, quyền chọn mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu,… Điều này giúp xác định giá trị thực của cổ phần của một cá nhân nắm giữ.

Bằng cách xem xét cả giá cổ phiếu niêm yết trên sàn và cách tính tỷ lệ pha loãng, Forbes cho biết họ cố gắng cung cấp thông tin mô tả chính xác về tài sản của một cá nhân. Tuy nhiên, đơn vị này cũng lưu ý tính toán có thể thay đổi theo thời gian do giá cổ phiếu, hiệu quả hoạt động của công ty và các yếu tố khác.

Các công ty chưa niêm yết cũng là một yếu tố quan trọng trong cách tính tài sản tỷ phú của Forbes. Tổ chức này cho biết nhiều người giàu có phần lớn nhờ tài sản của họ gắn liền với các doanh nghiệp. Các yếu tố như nợ phải trả, doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền công ty cũng được xem xét đánh giá.

Một cách tính khác là Forbes dựa trên các giao dịch gần đây và thông tin có sẵn. Điều này bao gồm việc phân tích giá trị cổ phiếu của công ty trong các vòng cấp vốn hoặc mua lại gần nhất. Bằng cách xem xét các giao dịch, Forbes có thể ước tính phần sở hữu của cá nhân và ấn định giá trị cho phần sở hữu của họ.

Tạp chí Forbes bắt đầu thống kê các tỷ phú trên thế giới từ năm 1987. Năm đó, chỉ có 140 người. Phải mất 20 năm, con số này mới vượt mốc 1.000. Đến năm 2017, đã có 2.000 tỷ phú. Và nay, sau 8 năm, một kỷ lục mới được thiết lập: 3.028 tỷ phú có mặt trong danh sách năm nay, tăng 247 người so với năm ngoái.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/5-ty-phu-do-la-hien-tai-cua-viet-nam-la-nhung-ai.html