Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam, ngành nông nghiệp sẽ chịu sức ép rất lớn

Ở mức thuế mới hiện nay của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Chúng ta phải tập trung vừa nâng cao năng suất, chất lượng, vừa có thể hạ giá thành để cạnh tranh.. để không để phụ thuộc vào một thị trường nào.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có những trao đổi với báo chí về mức thuế quan 46% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra với Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam là nước xuất siêu nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản vào Mỹ. Trước đó, chúng ta đã có những bước chuẩn bị chủ động, đặc biệt với nông sản, chúng ta có kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu tác động. Ví dụ như giảm thuế mặt hàng nông sản của Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam để xử lý một cách hài hòa cả hai chiều. Nhưng việc Mỹ áp thuế 46% đối với mặt hàng của Việt Nam sẽ tác động lớn với ngành nông nghiệp.

Nông sản Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn khi Mỹ tăng thuế.

Nông sản Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn khi Mỹ tăng thuế.

Năm 2024, Mỹ đóng góp 13,8 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam, đứng thứ nhất, sau đó đến Trung Quốc 13,6 tỷ USD. Tỷ trọng này cho thấy, lợi thế của chúng ta nghiêng về thị trường Mỹ. Thế nhưng, khi nông sản Việt Nam vào Mỹ, chúng ta phải đối mặt với nhiều rào cản như thuế chống bán phá giá, phải có tiêu chuẩn tương đương và chúng ta đều vượt qua.

Ở mức thuế mới hiện nay của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng phải dĩ bất biến, ứng vạn biến. Chúng ta phải tập trung chỉ đạo sản xuất, làm sao vừa nâng cao năng suất, chất lượng, vừa có thể hạ giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác.

"Đương nhiên, trong quá trình áp thuế, Việt Nam sẽ tiếp tục có ý kiến với các cơ quan quản lý của Mỹ, vì Mỹ đang là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Vừa rồi, Chính phủ đã họp 2 phiên bàn thảo về chuyện này, tôi tin chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp, trong đó có nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt được tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường trong nước. Mặt khác chúng ta cũng cần mở rộng thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc vào một thị trường nào", ông Tiến nói.

Ông Phùng Đức Tiến cho biết, vừa rồi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã họp về tăng trưởng của ngành nông nghiệp với mục tiêu đạt 4% cho năm nay. Hiện, hết quý I chúng ta dự kiến đạt được 3,69%. Với mục tiêu xuất khẩu đạt 65 tỷ USD thì hết quý I ta đã đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1%. Với tác động của thị trường Mỹ, sẽ phải bàn lại các giải pháp này.

Chúng ta cần xem lại cơ cấu từng ngành hàng, ví dụ hai ngành trọng điểm là cá tra, tôm. Tôm Việt Nam có sản lượng 1,3 triệu tấn mỗi năm, có thể xuất khẩu mang về 4,3 tỷ USD, trong khi cá tra sở hữu năng suất dẫn đầu thế giới với sản lượng 1,65 triệu tấn, giá trị trên 2 tỷ USD.

Với ngành tôm, chúng ta phải làm rõ xem cần làm mới động lực từ ngành này thế nào để cạnh tranh được với Ấn Độ, Ecuador. Với cá tra, mình có lợi thế rồi thì phát huy. Nuôi tôm phải chuyển sang nuôi thâm canh thay vì quảng canh để tăng năng suất, phải đảm bảo con giống, tăng tỉ lệ sống của con giống, đầu ra có độ đồng đều cao. Các lô hàng xuất đi cần lưu ý vấn đề tồn dư kim loại nặng, vi sinh vật, kháng sinh, phải hạn chế tối đa để chúng ta duy trì được thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu trọng điểm của nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Năm 2024, Mỹ tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ 16,2 tỉ USD, chiếm 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ đạt 2,45 tỉ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó sản phẩm gỗ đạt 1,65 tỉ USD, tăng 9,1%.

Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, đạt 10,07 tỉ USD, chiếm 18,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/my-ap-thue-46-voi-viet-nam-nganh-nong-nghiep-se-chiu-suc-ep-rat-lon-169250403151824231.htm