5 việc cần làm khi bị hôi miệng
Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi hôi, nguồn gốc xuất phát từ trong khoang miệng. Đây là bệnh lý không gây nguy hiểm nhưng lại có sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân gây hôi miệng
Hôi miệng tác động xấu đến chất lượng sống của bệnh nhân, và tương đối khá phổ biến. Theo thống kê cho thấy: khoảng 20% dân số nói chung được báo cáo bị chứng hôi miệng ở các mức độ khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân gây hôi miệng trong đó đầu tiên có thể do nguyên nhân từ mũi họng, dạ dày có thể dẫn đến hơi thở ra có mùi:
Nguyên nhân từ miệng: Có thể do 2 loại nguyên nhân chính trong đó có thể do tình trạng vệ sinh răng miệng kém dẫn đến mùi hôi từ sâu răng không được chữa trị, viêm Amidan hốc mủ.
Tỷ lệ hôi miệng do sâu răng rất phổ biến, dễ phát hiện và chữa được. Mức độ hôi miệng ngày càng tăng khi bệnh nhân uống ít nước.
Nguyên nhân thứ 2 là hôi miệng liên quan đến tổn thương ung thư vùng hầu họng: trong trường hợp, hôi miệng thường đi kèm với các triệu chứng khác của khối u như nghẹt mũi, chảy máu mũi, ù tai…
Nguyên nhân từ mũi: Nếu có tình trạng viêm mũi có mủ như viêm xoang, viêm mũi dị ứng bội nhiễm, các bệnh đặc biệt nặng như trĩ mũi (ozene) hay ung thư trong vùng mũi xoang. Trong bệnh teo mũi, niêm mạc và xương chết có thể dẫn đến mùi cá chết, mùi xương thối trong mũi - khó chịu là ở chỗ đôi khi bệnh nhân không biết do họ bị mất khứu giác, ngược lại mùi thối khẳm trong mũi làm cho những người chung quanh khó chịu, khó tiếp cận.
Nguyên nhân do bệnh đường tiêu hóa: Nếu mắc một số bệnh đường tiêu hóa như: bệnh ở dạ dày, như trào ngược dịch vị thì sẽ có mùi hôi miệng. Vì mùi hôi từ thức ăn tiêu hóa không hết ở những người bệnh ở dạ dày, như trào ngược dịch vị… sẽ khiến hơi thở có mùi hôi.
Ngoài ra, nếu ăn những thực phẩm như hành, tỏi hay nước uống chứa chất gây khô miệng, đồ uống có chứa cồn, những thực phẩm từ sữa khi phân hủy trong miệng sẽ giải phóng các amino axit chứa nhiều sulphur có thể đi xuyên qua lớp lót đường ruột vào máu và được đưa đến phổi. Từ đó ảnh hưởng tới hơi thở của chúng ta, gây ra tình trạng hôi miệng.
Cần làm gì khi bị hôi miệng?
Khi thấy hôi miệng việc cần chú ý những điều sau giúp miệng thơm tho:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách.
Cần xây dựng thói quen vệ sinh răng miệng 2 lần/ngày và chải răng đúng cách để răng miệng được khỏe mạnh. Ngoài ra, sử dụng chỉ tơ nha khoa để làm sạch thức ăn còn ở các kẽ răng. Chải lưỡi bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ cạo lưỡi giúp loại bỏ các vi khuẩn.
- Uống nước thường xuyên có thể giúp loại bỏ hoặc ngăn ngừa tình trạng khô miệng từ đó làm giảm mùi hôi miệng.
- Hình thành thói quen đi thăm khám và vệ sinh răng miệng 6 tháng/lần. Thay bàn chải định kỳ 4 tháng/lần nhằm đảm bảo chất lượng làm sạch răng, hạn chế vi khuẩn tích tụ trên bàn chải.
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học.
Chế độ ăn có ảnh hưởng quan trọng đến mùi hơi thở. Bởi vậy nên hạn chế đồ ăn có mùi nặng như hành, tỏi, thức ăn cay nóng… Cần uống nhiều nước mỗi ngày để trung hòa mùi hôi trong miệng.
- Nếu mắc viêm đường hô hấp như: mũi, vòm hầu, răng sâu, amidan hoặc VA viêm, sau đó là đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày..) cần điều trị triệt để.
Ngoài ra, để giảm mùi hôi có thể sử dụng bạc hà, kem đánh răng, nước súc miệng đặc trị, bình xịt hay kẹo cao su để kiểm soát mùi hôi với mùi và hương thơm dễ chịu. Phương pháp này có thể đạt hiệu quả che chắn trong thời gian ngắn.
Trong quá trình sử dụng các biện pháp tại nhà không đỡ hôi miệng cần tới khám tại cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Tóm lại: Hôi miệng là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cá nhân ở tất cả các lứa tuổi. Các yếu tố bệnh nguyên chính bao gồm các vi khuẩn trong khoang miệng liên quan đặc biệt đến các bệnh nha chu và bề mặt của lưỡi. Ngoài ra còn các vấn đề về tai-mũi-họng, hệ tiêu hóa, tâm lý…
Vì phần lớn các chứng hôi miệng có liên quan đến miệng (90%), nên nhân viên nha khoa là người điều trị đầu tiên khi thực hiện điều trị răng/nha chu và hướng dẫn vệ sinh răng miệng cá nhân. Kháng sinh có khả năng làm giảm hôi miệng và chất che giấu mùi cũng nên được sử dụng tạm thời. Do đó, để phòng tránh hôi miệng tái phát nên đánh răng ít nhất hai lần một ngày, đặc biệt là sau bữa ăn.
Việc dùng chỉ nha khoa loại bỏ các hạt thức ăn giữa các kẽ răng sẽ giúp ngăn ngừa hơi thở hôi do thức ăn hiệu quả. Tránh hút thuốc lá, hạn chế cà phê, nước ngọt hoặc rượu vì chúng không những không tốt cho sức khỏe mà còn làm hơi thở bạn có mùi khó chịu.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-viec-can-lam-khi-bi-hoi-mieng-16924041511060366.htm