50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, thị trường còn nhiều dư địa cho hàng Việt Nam
Thị trường Nhật còn nhiều dư địa để tăng trưởng, phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam như nông thủy sản, dệt may, da giày… Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cần phải nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường này nhằm mang lại giá trị cao cho hàng hóa xuất khẩu.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam
Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và kỷ niệm 50 năm hữu nghị hợp tác ASEAN - Nhật Bản hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Trung tâm ASEAN - Nhật Bản, UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Nhật Bản”. Hội thảo diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, với sự tham gia của hơn 150 đại biểu là các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, thủy sản, dệt may, da giầy, đồ gia dụng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Việt Nam và Nhật Bản là những đối tác thương mại quan trọng của nhau trong nhiều năm trở lại đây. Hai nước có cơ cấu XHK mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp. Nhật Bản có nhu cầu NK hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng…, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về XK các sản phẩm này. Việc hai nước cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do tạo ra nhiều cơ hội mở rộng hợp tác thương mại hơn nữa, đặc biệt là tăng cường XNK và có cơ hội cùng tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam
Doanh nghiệp lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản
Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt khoảng 17,46 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 9,11 tỷ USD, nhập khẩu đạt 8,35 tỷ USD. Các mặt hàng dệt may đạt 1,42 tỷ USD tăng 6,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,12 tỷ tăng 9,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 677,8 triệu USD giảm 0,2%, giày dép các loại đạt 438,6 triệu USD tăng 10,5%; hàng thủy sản đạt 580,3 triệu USD giảm 9,2%, hàng rau quả đạt 71,5 triệu USD tăng 5,3%; hạt điều đạt 23,9 triệu USD tăng 15,4%.
Về đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2,1 tỷ USD, chiếm gần 19,1% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ.
Hiện nay, Việt Nam đã có FTA với Nhật Bản (AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP) nhờ đó đã xóa bỏ được những rào cản về mặt thương mại, thuế quan đối với hàng hóa XK. Năm 2022, kim ngạch XNK của Việt Nam - Nhật Bản đạt hơn 43 tỷ USD...
Ông Đỗ Quốc Hưng, phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, chia sẻ thị phần xuất khẩu Việt Nam sang Nhật Bản còn rất nhiều dự địa: kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Nhật là 23,8 tỉ USD nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật chỉ đạt 2,9 tỉ USD, chiếm 12,1% thị phần; kim ngạch nhập khẩu da giày của Nhật đạt 4,5 tỉ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu từ Việt sang Nhật ngành này chỉ đạt 823 triệu USD, chiếm 18,2% thị phần.
Đặc biệt, mặt hàng chuối tươi và sấy khô mỗi năm Nhật Bản bỏ ra tới 981 triệu USD nhập nhưng Việt Nam chỉ chiếm 0,6% thị phần, tương đương kim ngạch xuất khẩu 6,6 triệu USD…
Mặc dù có những lợi thế để DN thúc đẩy XK vào thị trường Nhật Bản, nhưng ông Đỗ Quốc Hưng, cũng cho rằng, đây là thị trường rất phát triển, thu nhập đầu người cao, nên yêu cầu của họ đối với hàng NK rất cao và ngày càng siết chặt hơn.
Ông Keigo Yoshida Giám đốc cấp cao phụ trách bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH)lưu ý: Với các mặt hàng nông sản cần sự tươi ngon, do đó khâu vận chuyển là rất quan trọng, đây là điều doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản nhằm mang lại giá trị cao cho hàng hóa xuất khẩu.
Bên cạnh đó, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, hiện nay, thị trường Nhật Bản có tốc độ thay đổi nhanh chóng về mẫu mã sản phẩm, vòng quay sản phẩm nhanh và ngắn. Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản điều tra sâu thị trường, phát triển những sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản.