50 năm từ khói lửa Bình Tuy đến La Gi- đô thị bên bờ khát vọng

Thị xã La Gi ngày nay không chỉ là câu chuyện của một địa phương mà còn là minh chứng cho sức sống Việt Nam vươn lên từ gian khó, viết tiếp những chương đẹp cho tương lai.

Những ngày cuối tháng 4-1975 lịch sử, tỉnh Bình Tuy, một đơn vị hành chính non trẻ được chính quyền Sài Gòn thành lập vào năm 1957 bỗng trở thành chốn dừng chân bất ngờ cho hàng trăm ngàn người.

Cầu hàng không 50 năm trước

Nhà báo Phan Chính của tờ Điện Tín (trước 1975), cho biết trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tại Bình Tuy, ngoài lực lượng của Sư đoàn 2 bộ binh bỏ Chu Lai rút chạy về còn có một bộ phận của Sư đoàn 22 tại Phan Rang theo đường biển bằng các hải vận hạm của hải quân do chuẩn tướng Trần Văn Nhựt chỉ huy rút về.

 Bản đồ tỉnh Bình Tuy năm 1975.

Bản đồ tỉnh Bình Tuy năm 1975.

Ngoài ra còn có sinh viên, sĩ quan các Trường võ bị Đà Lạt; Trường hạ sĩ quan Nha Trang cũng kéo về Bình Tuy cùng rất đông thân nhân của họ. Kho lương thực của tỉnh có 3 tháng dự trữ gồm gạo, lương khô, mì gói... nhưng khi xuất kho, chỉ vài ngày đã hết sạch!

"Thật khó tưởng tượng một vùng đất nhỏ như tỉnh lỵ Bình Tuy có thể gồng mình gánh chịu từng ấy sinh mệnh" – nhà báo Phan Chính.

Để phi cơ vận chuyển lương thực có thể đáp xuống phi trường, đại tá Thành phải nhờ một toán điều không tiền tuyến của Sư đoàn 3 Không quân đến điều hành không lưu. Nỗi lo lương thực vừa xong thì cũng là lúc quân giải phóng tấn công các đơn vị hành chính xung quanh tỉnh lỵ.

Đại tá Trần Bá Thành, tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy phải gởi công điện hỏa tốc xin bác sĩ Phan Quang Đáng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Xã hội lập cầu hàng không tiếp tế lương thực cho Bình Tuy. Phi trường Láng Gòn cách tỉnh lỵ chưa đầy 2 cây số, trở thành huyết mạch sinh tử được kích hoạt trong thế gọng kìm của chiến sự, trong nỗ lực cuối cùng đầy tuyệt vọng.

 Những chuyến bay cuối cùng của quân đội Sài Gòn trong những ngày cuối kết thúc chiến tranh . Ảnh Dirck Halstead.

Những chuyến bay cuối cùng của quân đội Sài Gòn trong những ngày cuối kết thúc chiến tranh . Ảnh Dirck Halstead.

Ngày 21-4-1975, quân giải phóng áp sát sân bay Bình Tuy , trong khi đại tá Thành vẫn hy vọng Quân đoàn III sẽ chi viện và đinh ninh phòng tuyến Xuân Lộc do Sư đoàn 18, đơn vị cũ của ông vẫn đứng vững.

Dù liên tục gởi công điện xin trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III cho lệnh tiếp viện hoặc rút lui nhưng chờ mãi vẫn không có hồi âm.

 Sân bay Bình Tuy năm 1975.

Sân bay Bình Tuy năm 1975.

Mãi đến chiều 22-4, khi nghe thông tin lúc 9h sáng 20-4, tướng Toàn đã ra mật lệnh cho Sư đoàn 18 bỏ phòng tuyến Xuân Lộc, bỏ luôn cả tỉnh Long Khánh, tỉnh trưởng Bình Tuy mới có thời gian chạy về Sài Gòn bằng đường bộ và mãi đến chiều 26-4-1975 mới đến được Xuyên Mộc, tỉnh Phước Tuy.

Ngày 23-4-1975, Bình Tuy, được chính quyền Sài Gòn thành lập năm 1957, hoàn toàn giải phóng, khép lại 18 năm tồn tại.

Bình Tuy – vùng đất sáp nhập

Sau ngày thống nhất, Bình Tuy nhiều lần thay đổi địa giới. Có lúc dự kiến nhập vào Đồng Nai, sau đó nhập vào tỉnh Thuận Hải rồi tách ra nhập vào Bình Thuận và sắp tới đây tiếp tục dự kiến nhập về Lâm Đồng.

Có thể nói, đây là hành trình tách nhập nhiều nhất nhưng phản ánh rõ nét tính thích nghi không ngừng của vùng đất này.

 Người dân biển thị xã La Gi đã trải qua vô vàn khó khăn vì năng lực đánh bắt giảm mạnh.

Người dân biển thị xã La Gi đã trải qua vô vàn khó khăn vì năng lực đánh bắt giảm mạnh.

Sau năm 1975, tỉnh lỵ Bình Tuy cũ thuộc địa bàn huyện Hàm Tân trải qua vô vàn khó khăn. Tiềm năng đất đai ở địa phương về cây lúa không nhiều, phần lớn là đồi trọc, đất bạc màu nên sản lượng, năng suất thấp. Nhiều diện tích trồng lúa gần biển bị tích chua mặn chỉ đạt bình quân 1 tấn/ha.

Ưu thế ngành hải sản là cơ sở để phát triển sản xuất kinh tế của địa phương nhưng lại bị chi phối bởi nhiều tác động không thuận lợi, giảm hơn 200 thuyền với gần 4.000 CV trong mấy năm sau 1975 chỉ còn lại 601 thuyền máy với sản lượng khai thác 10.657 tấn.

Nhiều người dân khi ấy chỉ ăn khoai, bo bo thay cơm, bệnh tật triền miên, nghèo đói bủa vây…

La Gi – hồi sinh từ trong gian khó

Thị xã La Gi được thành lập năm 2005 trên cơ sở tách ra từ huyện Hàm Tân, mang theo khát vọng bứt phá.

Từ đây, một hành trình mới bắt đầu, không ồn ào nhưng bền bỉ và đầy ý chí.

 Thị xã La Gi sau 20 năm thành lập đã phát triển vượt bậc.

Thị xã La Gi sau 20 năm thành lập đã phát triển vượt bậc.

20 năm sau, nơi từng là “vùng trắng” của phát triển đã chuyển mình thành một đô thị thương mại – dịch vụ – du lịch đầy tiềm năng.

Từ vùng đất đói nghèo, bệnh tật triền miên, ăn khoai trừ bữa, đến nay tỉ lệ hộ nghèo của thị xã La Gi giảm chỉ còn 0,50%, một con số vô cùng ấn tượng.

 Từ vùng đất đói nghèo, bệnh tật triền miên, ăn khoai trừ bữa đến nay tỷ lệ hộ nghèo của thị xã La Gi giảm chỉ còn 0,50%, một con số vô cùng ấn tượng.

Từ vùng đất đói nghèo, bệnh tật triền miên, ăn khoai trừ bữa đến nay tỷ lệ hộ nghèo của thị xã La Gi giảm chỉ còn 0,50%, một con số vô cùng ấn tượng.

Thu nhập bình quân đầu người: 70,35 triệu đồng

Giá trị sản xuất công nghiệp: 1.831 tỉ đồng (105,16%)
Kim ngạch xuất khẩu: 189,319 tỉ đồng (124,07%)

Thị xã La Gi đang thoát khỏi đói nghèo, bước ra ánh sáng của một đô thị biển đáng sống, năng động và giàu nội lực.

️ Đầu tư hạ tầng – đổi thay diện mạo

Những ngày này về tỉnh lỵ Bình Tuy của 50 năm trước, thị xã La Gi ngày nay, không ai không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi ngoạn mục ở vùng đất này. Đường sá, công viên… liên tục được đầu tư, mở rộng.

 Một góc thị xã La Gi hiện nay.

Một góc thị xã La Gi hiện nay.

Nói về những thay đổi này, ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch UBND thị xã La Gi, cho biết:

“Chúng tôi xác định rõ thế mạnh truyền thống về thủy sản và cảnh quan biển. Hạ tầng phải đi trước một bước, đặc biệt là giao thông nội thị và các tuyến ven biển".

 Bộ mặt của thị xã La Gi ngày càng khang trang.

Bộ mặt của thị xã La Gi ngày càng khang trang.

Rõ ràng, chính quyền thị xã La Gi đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống đường sá, công viên, kiến trúc đô thị… tạo nên bộ mặt mới vô cùng hiện đại và văn minh.

La Gi – 50 năm khát vọng, 20 năm chuyển mình

Ngày 23-4-2025, La Gi không chỉ kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bình Tuy, mà còn đánh dấu 20 năm thành lập thị xã, một dịp trọng đại để nhìn lại con đường đã đi qua và tự hào về hành trình vượt nghèo, xây dựng tương lai bằng nội lực, bản lĩnh và niềm tin.

 Biển La Gi.

Biển La Gi.

Từ một phi trường dã chiến trong loạn lạc, khói lửa, chiến tranh đến vùng đất vô cùng nghèo nàn và nay là một đô thị biển đầy sức sống, Bình Tuy xưa – La Gi nay không chỉ là câu chuyện của một địa phương, mà còn là minh chứng sống động cho sức sống Việt Nam – vươn lên từ gian khó, viết tiếp những chương đẹp cho tương lai.

Ghi chép của PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/50-nam-tu-khoi-lua-binh-tuy-den-la-gi-do-thi-ben-bo-khat-vong-post845987.html