50 năm văn học Việt Nam: Bám rễ vào truyền thống, tiếp nhận dòng chảy hiện đại

Nhìn lại văn học Việt Nam 50 năm, từ 1975 đến nay, là hết sức cần thiết, trong bối cảnh cả dân tộc đang bước vào kỷ nguyên mới. Vì thế, Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V '50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế' vừa tổ chức tại Hà Nội mang đến cách nhìn khoa học, có tính lịch sử, tổng kết cũng như phác thảo diện mạo văn học Việt Nam trong những thập niên tới của đất nước.

Sáng tạo giữa những chuyển động lịch sử

Hội nghị do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức có sự tham gia của đông đảo đại biểu làm công tác quản lý, văn nghệ sĩ, người làm công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật. Ban tổ chức đã nhận được 43 tham luận, qua đó đưa ra những góc nhìn về thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua ở một số thể loại tiêu biểu và về xu thế của văn học Việt Nam trong thời đại mới.

Tại Hội nghị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, trong nửa thế kỷ qua, những bước ngoặt lịch sử của đất nước đã tác động to lớn, sâu sắc vào sự phát triển của văn học Việt Nam. Văn học không chỉ phản ánh những gì đã xảy ra mà còn phải dự báo tương lai. Người viết cần đặt mình vào tâm thế của một kẻ đi tìm những giá trị mới, trong một thế giới biến động không ngừng. Bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30/4/1975, các tác giả vẫn tiếp tục viết về chiến tranh nhưng với một cách tiếp cận mới và một bút pháp mới. Bởi vậy, đề tài về chiến tranh được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại cái nhìn đa chiều về chiến tranh nhưng vẫn tập trung vào sự hy sinh, khát vọng lớn lao của một dân tộc cho độc lập tự do, thống nhất đất nước. Bên cạnh các nhà văn quen thuộc viết về chiến tranh là một thế hệ các nhà văn trẻ không trải qua chiến tranh nhưng viết bằng một cái nhìn trung thực với lịch sử và cảm xúc.

Bước ngoặt thứ hai là công cuộc đổi mới của Đảng được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mở ra một biên độ rất rộng về đề tài, đối tượng, bút pháp và tư tưởng; có những tác phẩm đóng góp thực sự vào một tầm cao mới của văn học Việt Nam. Bước ngoặt thứ ba là khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Văn học Việt Nam đã có những bước đi chung trong dòng chảy của thế giới và cũng từ đó, một xu thế mới của văn học Việt Nam đã xuất hiện.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của các tác phẩm văn học trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. 50 năm qua, công tác lý luận văn học, nghệ thuật có bước đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Phê bình văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới có tác dụng tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu, hoạt động lý luận, phê bình văn học vẫn còn tồn tại một số hạn chế về lực lượng viết; các công trình học thuật thế giới còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ... “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn học Việt Nam cần bám rễ sâu vào truyền thống văn hóa nhưng cũng phải tiếp nhận những dòng chảy hiện đại để vươn tới tầm vóc mới. Chỉ khi dung hòa được hai yếu tố này, văn học Việt Nam mới có thể ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn trên bản đồ thế giới”, ông Kỷ nói, đồng thời nhấn mạnh, cần tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, chú trọng “đầu vào” và “đầu ra” trong tiếp nhận và quảng bá văn học; tăng cường tính dân chủ trong sinh hoạt học thuật, làm lành mạnh văn hóa tranh luận, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các cây bút lý luận, phê bình; đổi mới thể chế quản lý văn hóa nghệ thuật, nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ quản lý, kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến văn nghệ, có chính sách đầu tư thích đáng đối với những công trình khoa học trọng điểm song song với việc đẩy mạnh xã hội hóa nghệ thuật.

Các đại biểu tham gia Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: “50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”.

Các đại biểu tham gia Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: “50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”.

Cải thiện yếu tố “cốt tử”

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã đưa ra những phân tích, đánh giá về văn học Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; nguyên nhân tại sao 50 năm trôi qua vẫn ít có những kết tinh nghệ thuật xứng tầm kiệt tác; nhiệm vụ tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế để mạnh đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập, đưa văn học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới; đẩy mạnh sự phát triển của lý luận, phê bình văn học vì lý luận, phê bình chính là sự tự ý thức của văn học về chính nó…

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - nguyên Viện trưởng Viện Văn học khẳng định, văn học 50 năm qua đã đồng hành với dân tộc trong hành trình vượt qua những biến động lịch sử, văn hóa và xã hội. “Sau chiến tranh, văn học đã trở thành nhịp cầu nối liền những vết thương quá khứ, khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước. Từ sử thi thời chiến, chúng ta đã chuyển mình sang cái nhìn thế sự - đời tư, nơi văn học phản ánh sự phức hợp của con người trong một xã hội đổi mới”, ông Điệp nói.

Còn nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Văn học thời hậu chiến đã thoát ly khỏi những khuôn mẫu sử thi để tìm kiếm những cách thể hiện mới, mạnh dạn đối diện với những phức tạp của hiện thực”. Ông ví văn học nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước vừa cần mẫn vá lại những vết thương, những rách nát của con người, vừa dìu con người lần hồi tiến về phía trước.

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, những thành tựu nổi bật của thế hệ những nhà thơ hiện đại Việt Nam sau năm 1975 đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp. “Thơ của họ gần gũi với cuộc đời, gần với thiên nhiên, với tâm sự buồn vui của con người hơn. Ngòi bút thơ của họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhìn nhận.

Đề cập đến vai trò của lý luận phê bình văn học trong nửa thế kỷ qua, một số ý kiến tại hội nghị cho rằng, các nhà phê bình văn học đã có nhiều đóng góp để đồng hành và thúc đẩy sáng tác văn học.

Tuy nhiên, muốn đi xa hơn nữa, các nhà phê bình phải mạnh mẽ hơn nữa. Trong tham luận gửi tới hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Dân bên cạnh đề cập tới những thành tựu của lý luận phê bình, cũng chỉ ra những hạn chế. “Trong việc tiếp thu các lý thuyết, chúng tôi nhận thấy vẫn còn có những điều cần rút kinh nghiệm, hay có thể gọi là một số hạn chế cần khắc phục, trong cả lĩnh vực nghiên cứu lẫn ứng dụng. Đó là tình trạng lý thuyết ít được vận dụng; là vận dụng khiên cưỡng; là vận dụng sai. Tất cả những hạn chế này đều có thể được gọi là hạn chế về khả năng vận dụng lý thuyết vào việc nghiên cứu văn nghệ ở Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Văn Dân phân tích. Vị chuyên gia văn học này cũng nhận định: “Trong lĩnh vực phê bình văn nghệ, các nhà phê bình còn ít sử dụng lý luận. Phê bình chủ yếu vẫn vận dụng trực giác và cảm hứng để khen chê là chính. Chính kiểu phê bình khen chê ngày nay đang có nguy cơ biến thành “phê bình tán dóc”. Có điều khác biệt là trước đây người ta tán dóc dựa vào cảm tính, thì nay, bên cạnh loại phê bình cảm xúc, một số người đang có xu hướng “tán dóc lý luận”. Sở dĩ phê bình tán dóc vẫn được nhiều người thích thú là vì nó có khả năng khuấy động đời sống văn chương. Nhưng về khả năng thúc đẩy văn học phát triển thì nó còn là một câu hỏi để ngỏ”.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, 50 năm qua, công tác lý luận văn học, nghệ thuật có bước đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Phê bình văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới có tác dụng tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu, hoạt động lý luận, phê bình văn học vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Lực lượng viết phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại các đại học, viện nghiên cứu ở các đô thị lớn nhưng thưa vắng, thậm chí “trắng địa bàn” ở các địa phương xa trung tâm. Việc giới thiệu các khuynh hướng, các công trình học thuật thế giới còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ. Nhiều công trình lý luận, phê bình vẫn tiếp cận văn học bằng kinh nghiệm cũ, bình tán, giảng giải theo mô hình truyền thống. “Cần chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới của các nhà lý luận, phê bình. Phải coi việc không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ lý luận, phê bình là yếu tố cốt tử để có được những công trình khoa học xuất sắc, tầm cỡ…”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu quan điểm.

Là người viết và cũng là người đọc thuộc thế hệ sống trọn vẹn trong 3 cuộc chiến chống xâm lược, và chống đói nghèo suốt hơn nửa thế kỷ, tính từ sau 1945 cho đến hết thập niên 1990, GS. Phong Lê rất mong mỏi có những đổi thay lớn trong tương lai văn học nghệ thuật nước nhà đang chuyển sang vai các thế hệ trẻ - là sản phẩm và là chủ thể của chính cái thời chúng ta đang sống hôm nay. “Được đồng hành với họ, nếu chưa bị thay thế cũng đã là hạnh phúc lớn! Nhưng tương lai đó như thế nào thì ngay cả dự đoán tôi cũng không dám có…”, GS. Phong Lê hóm hỉnh.

Hà Thư

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/50-nam-van-hoc-viet-nam-bam-re-vao-truyen-thong-tiep-nhan-dong-chay-hien-dai-158345.html